“Lính mới” FastGo
Ngày 12/6/2018, một “lính mới” trên thị trường ứng dụng gọi xe đã chính thức ra mắt. Đó là FastGo, do người Việt phát triển và dành cho người Việt.
Thông tin từ ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo Việt Nam, một thành viên của NextTech - start-up nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, sau khi ra mắt thị trường Hà Nội trong tháng 6/2018, FastGo sẽ “tiến quân” vào TP.HCM trong tháng 7, sau đó nhanh chóng có mặt ở các tỉnh, thành phố lớn khác ngay trong năm 2018.
“Lính mới” FastGo vừa chính thức ra mắt thị trường Việt Nam |
“Chúng tôi đặt mục tiêu thu hút 20.000 tài xế và 5 triệu khách hàng trong vòng 2 năm tới”, ông Tuất nói và cho biết, FastGo dự kiến có mặt ở 8 địa phương trong cả nước.
Cũng giống như Uber, Grab, FastGo có 3 dịch vụ cốt lõi, gồm: Fast Car (dịch vụ xe 4 bánh dành cho tài xế cá nhân có nhu cầu gia tăng thu nhập); Fast Taxi (dịch vụ liên kết với các hãng taxi) và Fast Luxury (dịch vụ xe hơi sang trọng). Hiện tại, FastGo chưa có kế hoạch tham gia thị trường xe ôm công nghệ.
Nhưng điểm đặc biệt của ứng dụng này là FastGo hiện không thu phí chiết khấu đối với tài xế theo tỷ lệ phần trăm giống Grab, Uber, mà chỉ thu phí dịch vụ tối đa không quá 30.000 đồng/ngày. Thậm chí, nếu tài xế có thu nhập dưới 100.000 đồng/ngày, thì sẽ được miễn phí.
Cùng với đó, theo ông Tuất, ứng dụng này sẽ giữ giá ổn định, không nhân giá theo nhu cầu vào giờ cao điểm. Mức giá trung bình với dịch vụ Fast Car (dịch vụ xe 4 chỗ) là 7.900 đồng/km, thấp hơn so với giá của các dịch vụ đặt xe khác hiện nay.
Ngoài giá cước, thêm một thuận tiện là ngoài các xe của những tài xế cá nhân, người dùng có thể gọi taxi khi sử dụng FastGo. Hiện các hãng taxi mà người dùng có thể gọi khi dùng FastGo là Mai Linh, Open99, Thanh Nga, Taxi Group.
Ai đủ sức cạnh tranh trên thị trường?
Chia sẻ với báo giới, ông Nguyễn Hữu Tuất cho biết, thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam rất tiềm năng, có thể lên tới hàng tỷ USD và vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đó là lý do để FastGo chính thức gia nhập thị trường.
Nhưng câu chuyện nằm ở chỗ, thị trường ứng dụng gọi xe Việt Nam rất hấp dẫn, nên cũng rất đông kẻ muốn đến chia phần. Sau khi Uber rời khỏi thị trường Việt Nam và “bán mình” cho Grab, những tưởng thị trường chỉ còn mỗi Grab độc tôn. Tuy nhiên, lần lượt, các doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp nước ngoài đã nhảy vào tham chiến.
Rất dễ để điểm tên các ứng dụng này, như T.NET, VATO, mới đây và ABER… Và thông tin cho biết, sắp tới MVLchain, một start-up của Singapore cũng sẽ vào Việt Nam, với chiến lược không thu hoa hồng tài xế.
Chưa kể, còn có Go-Jek, đối thủ trực tiếp của Grab ở Indonesia cũng đã tuyên bố vào Việt Nam. Các đơn vị này đã bắt đầu kế hoạch “tuyển quân” để chính thức tham gia thị trường Việt Nam.
Ào ào ra mắt, khiến thị trường trở nên sôi động hơn, nhưng cũng vì thế mà cạnh tranh mạnh mẽ hơn. Câu hỏi đặt ra là, liệu trong số những tên tuổi này, có ai đủ sức để thay chân Uber “chiến đấu” với Grab hay không?
Thực tế hiện nay, sau khi Uber rút đi, Grab vẫn đang nắm giữ thế thượng phong trên thị trường, bởi sẵn có mạng lưới khách hàng rộng khắp từ trước đó, cộng thêm một số lượng không nhỏ khách hàng từ Uber chuyển sang. Trong khi đó, các ứng dụng Việt, theo nhận định của người dùng, vẫn còn một số hạn chế nhất định, như định vị không chính xác, công nghệ thiếu ổn định…
Liệu FastGo có “làm nên chuyện”? Ông Nguyễn Hữu Tuất tự tin: “Với một lộ trình phát triển rõ ràng, nền tảng công nghệ ưu việt và sự ủng hộ của các cơ quan quản lý và người dùng Việt Nam, chúng tôi tin rằng, FastGo sẽ phát triển bền vững, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đem lại nhiều lợi ích cho người Việt cũng như đóng góp cho sự phát triển xã hội của Việt Nam”.
Mặc dù vậy, tương lai vẫn còn ở phía trước. Câu hỏi “Ai sẽ là kẻ chiến thắng” trên thị trường ứng dụng gọi xe vẫn chưa dễ có được câu trả lời.