Sản xuất thuốc tại Công ty Dược Cửu Long. |
Món hời...
Như Báo Đầu tư đã phản ảnh, Công ty cổ phần Dược Cửu Long (mã DCL, sàn HOSE) đã thực hiện thâu tóm thành công Công ty cổ phần Dược phẩm Euvipharm. Điều đáng chú ý là, Dược phẩm Euvipharm - “đại gia” vang bóng một thời - được chuyển nhượng với giá khá hời, chỉ 170 tỷ đồng. Nếu tính cả một số khoản chi trả nội bộ sau khi tiếp quản Euvipharm là 25 tỷ đồng, thì tổng chi phí cho thương vụ mua lại Euvipharm chỉ khoảng 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, riêng tiền vốn đầu tư của các chủ đầu tư cũ đã đổ vào Euvipharm tại Nhà máy sản xuất dược phẩm ở huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã lên tới 17 triệu USD (tương đương hơn 380 tỷ đồng Việt Nam). Đó là chưa kể các khoản chi phí thành lập, xin giấy phép…, nếu Dược Cửu Long muốn xây dựng một nhà máy mới tương tự như Euvipharm.
Hiện tại, Euvipharm đã có một số xưởng sản xuất và đang hoạt động tốt. Xưởng sản xuất thuốc nhóm Non-Betalactam có diện tích sử dụng 2.300 m2, gồm các dây chuyền sản xuất: thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, thuốc nước, hỗn dịch uống, kem dùng ngoài; thuốc viên nén, viên nén bao phim, viên nén bao đường, viên nang cứng, thuốc bột, thuốc viên nén sủi, thuốc bột sủi. Xưởng sản xuất thuốc nhóm Betalactam có diện tích 2.300 m2, gồm các dây chuyền sản xuất: thuốc viên nén, viên nén bao phim, viên nang cứng, thuốc bột, thuốc cốm, thuốc tiêm bột chứa kháng sinh nhóm Cephalosporin.
Các xưởng sản xuất được trang bị hệ thống xử lý không khí (HVAC) trị giá gần 5 triệu USD, với các thiết bị xử lý không khí được nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, hệ thống điều khiển trung tâm (BMS) của Honeywell-Alerton (Mỹ).
... nhưng không dễ “hấp thụ”
Mặc dù được đầu tư khá hiện đại, nhưng điều đáng tiếc cho Euvipharm là, trong thời gian qua, các cổ đông trong nước và cổ đông nước ngoài là Công ty Valeant Pharmaceuticals International, Inc (Canada) đã có những mâu thuẫn nội bộ, dẫn đến thua lỗ.
Khó khăn chồng chất khó khăn, hồi giữa năm 2016, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động sản xuất thuốc 3 tháng đối Euvipharm. Lý do là, công ty này đã sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ để sản xuất thuốc và kiểm nghiệm nguyên liệu làm thuốc không đúng theo tiêu chuẩn đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đến nay, mặc dù Euvipharm đã hết thời hạn “treo giò”, nhưng việc tái khởi động một công ty đã bị rệu rã sau một thời gian chìm trong khủng hoảng là một thử thách không nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dược Cửu Long cũng thừa nhận, ngay cả khi về tay Dược Cửu Long, thì việc Euvipharm sẽ tiếp tục thua lỗ trong năm 2017 là điều có thể lường trước. Theo đó, khi đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2017, Dược Cửu Long đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng 24%, nhưng lợi nhuận chỉ tăng 7%. Lý do chính của sự chênh lệch giữa 2 con số này nằm ở Euvipharm. Do dự báo Euvipharm sẽ còn nhiều khó khăn trong năm 2017, nên nhiều khả năng, lợi nhuận ở các bộ phận khác của Dược Cửu Long sẽ tạm thời phải “gánh” cho Euvipharm trong thời gian đầu tiếp quản.
Tuy nhiên, lãnh đạo Dược Cửu Long cho rằng, khó khăn của Euvipharm sẽ sớm qua, bởi lẽ nếu Euvipharm vẫn đứng một mình thì có thể công ty thậm chí không trụ được, nhưng khi đã nằm trong tay Dược Cửu Long thì mức lỗ sẽ được giảm thiểu bởi có sự hậu thuẫn từ các bộ phận khác từ Dược Cửu Long.
Tự củng cố sức khỏe
Để trở thành chỗ dựa cho Euvipharm trong kỳ phục hồi sức khỏe sau “bạo bệnh” thì Dược Cửu Long cũng phải tìm giải pháp để gia tăng tiềm lực. Mới đây, đại gia này đã chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn F.I.T (mã FIT, sàn HOSE) được sở hữu tới 80% số cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết. Đây là bước đệm của Dược Cửu Long chuẩn bị cho việc tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo đó, khi bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của F.I.T tại Dược Cửu Long cũng sẽ không thấp hơn 51%.
Ngoài ra, trong vấn đề quản trị, Dược Cửu Long cũng đang gắt gao tìm kiếm nhân sự cho vị trí tổng giám đốc (do Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ không kiêm nhiệm), nhằm chuyên nghiệp hóa vai trò quản trị hệ thống và điều hành công ty.