Các hoạt động sản xuất - kinh doanh quay trở lại trạng thái bình thường khiến xu hướng hồi phục của nền kinh tế ngày càng vững chắc hơn. Trong ảnh: Sản xuất bảng mạch máy tính tại Công ty UMC. Ảnh: Đức Thanh |
Không còn phải đương đầu với khó khăn vì Covid-19
Ngay trước phiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, IHS Markit đã công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 5/2022 của Việt Nam. Theo đó, điểm số đã tăng lên 54,7 điểm, cao hơn so với mức 51,7 điểm của tháng trước. Điều này cho thấy, các điều kiện sản xuất - kinh doanh của ngành đã được cải thiện ở mức tốt nhất trong hơn một năm trở lại đây.
Theo IHS Markit, các nhà sản xuất cho biết, sản lượng tháng 5/2022 tăng mạnh và nhanh nhất trong 13 tháng trở lại đây. Tất cả là nhờ số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng với tốc độ đáng kể khi sức cầu được cải thiện. Thậm chí, dù đơn hàng xuất khẩu mới chịu ảnh hưởng từ chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc, song vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhanh hơn, đóng góp vào việc tăng sản lượng của tháng 5.
Bình luận về kết quả khảo sát mới nhất, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế S&P Global Market Intelligence cho biết, các nhà sản xuất Việt Nam ngày càng có thể hoạt động bình thường hơn khi tình trạng gián đoạn do đại dịch dần mất đi. “Cũng có niềm tin ngày càng tăng rằng, các công ty sẽ không tiếp tục phải đương đầu với những khó khăn do Covid-19”, ông Andrew Harker nói.
Một cách rất rõ ràng, dù dịch Covid-19 vẫn tồn tại và còn có lo ngại về những biến chủng mới và sự bùng phát mạnh trở lại của đại dịch thế kỷ, song ngoại trừ Trung Quốc vẫn đang thắt chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, thì trên thế giới, bao gồm Việt Nam, các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã quay lại trạng thái bình thường. Và đó là lý do khiến xu hướng hồi phục của nền kinh tế ngày càng vững chắc hơn.
Ông Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội, khi phát biểu tại nghị trường Quốc hội đã nhấn mạnh điều này. Ông viện dẫn các con số như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7%, xuất khẩu tăng 16,3%... của 5 tháng đầu năm, mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, để nhấn mạnh “điểm sáng tích cực” của nền kinh tế trong nhiều lĩnh vực.
“TP.HCM sau một năm không có tăng trưởng ở các chỉ số này thì đến tháng 5/2022 đã bắt đầu tăng trưởng dương”, ông Ngân nói và nhắc đến thông tin cách đây ít ngày, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu S&P đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ BB lên BB+, với mức triển vọng “ổn định”.
Những khó khăn do Covid-19 thực sự đang dần qua đi. Cái đang tồn tại lớn nhất có lẽ chính là việc Trung Quốc vẫn tiếp tục các biện pháp phong tỏa, và vì thế, theo ông Andrew Harker, sẽ tiếp tục ảnh hưởng lên ngành sản xuất theo hai cách chính. Đó là hạn chế nhu cầu hàng xuất khẩu và tiếp tục làm thời gian giao hàng bị kéo dài. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp diễn.
Lo ngại những ‘biến số’ mới
Trong khi biến số “Covid-19” không còn là “mối nguy” lớn như 2 năm trước, thì giờ đây, các biến số mới đã xuất hiện và ngày càng có xu hướng phức tạp hơn, dự báo ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân đã nhắc đến bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, cùng với các chính sách cấm vận của Nga từ Hoa Kỳ, châu Âu…, làm gia tăng khủng hoảng năng lượng, xăng dầu, khí đốt, khủng hoảng nhân đạo và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu, gây áp lực đến lạm phát toàn thế giới và nhiều quốc gia, để nhấn mạnh về những yếu tố “không thuận lợi” cho những quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam.
Có hai “biến số” mà ông Ngân đặc biệt nhấn mạnh là giá xăng dầu và giá lương thực, bởi nếu kiểm soát không tốt, sẽ gây hiệu ứng domino đến các mặt hàng khác và cả nền kinh tế.
Lạm phát là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, ở một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng sẽ đẩy giá hàng hóa khác tăng theo.
“Đến nay, việc tăng giá không chỉ dừng ở mặt hàng xăng dầu, khí đốt, mà đã lan sang các mặt hàng vật tư, phân bón, lương thực, thực phẩm, tác động thành chuỗi dây chuyền khiến các chi phí dịch vụ tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Yến nói.
Ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, trên thực tế mới là điều đáng lo nhất. Theo ông Trần Anh Tuấn (TP.HCM), động lực cho tăng trưởng kinh tế chưa thể hiện rõ nét.
“Động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 4 tháng đầu năm 2022, ngành này tăng 8,3%, cùng kỳ tăng 12,1%, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp là 7,5%. Tuy nhiên, đầu vào sản xuất, nguyên vật liệu sản xuất ngành này còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.
Theo ông Trần Anh Tuấn, tỷ lệ nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu là 50,98%, cao hơn bình quân của ngành. Tỷ lệ bình quân của ngành là 37% trong tổng chi phí. Bên cạnh đó, điều đáng quan tâm là, đầu ra xuất khẩu của nền kinh tế chậm thay đổi theo hướng là gia tăng xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, còn phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Do đó, tính liên kết ngang, dọc trong chuỗi sản xuất của ngành công nghiệp chế biến cần đảm bảo chặt chẽ hơn, ổn định hơn về nguồn nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất, cũng như đầu tư đổi mới công nghệ…, nhằm gia tăng sức cạnh tranh, tạo một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, để lĩnh vực này thật sự là động lực phát triển kinh tế”, ông Trần Anh Tuấn nói.
Để thúc đẩy tăng trưởng, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc đẩy nhanh việc thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid-19, cũng như đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội chỉ được áp dụng cho 2 năm 2022-2023, do vậy, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Một trong những giải pháp quan trọng là phải giải quyết một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, đầu tư công, thủ tục... Một số dự án đầu tư công chậm triển khai là do vướng mắc về chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đền bù giải phóng mặt bằng... do cơ chế chính sách pháp luật còn bất cập”, đại biểu Nguyễn Thị Yến nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, cần phải đẩy nhanh Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc hỗ trợ lãi suất 2% mà các doanh nghiệp và người dân đang rất kỳ vọng.