Doanh nghiệp
Đường nhập lậu giá rẻ tấn công doanh nghiệp nội
Hà Tâm - 15/07/2013 06:08
Các doanh nghiệp (DN) mía đường lâm vào cảnh khó khăn, khi hơn 500.000 tấn đường tồn kho chưa có lối thoát, đường nhập lậu giá rẻ dồn dập vào thị trường.

Lỡ cơ hội vàng xuất khẩu đường

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp trong Hiệp hội còn tồn kho hơn 500.000 tấn đường. Cung lớn hơn cầu khiến giá đường đang sụt giảm mạnh, dẫn đến tình trạng thua lỗ của nhiều doanh nghiệp.

Chi phí sản xuất mía đường của Việt Nam cao hơn nhiều
so với các nước trong khu vực

Trước tình hình trên, ngay từ cuối năm ngoái, Hiệp hội Mía đường đã đề nghị Bộ Công thương cho phép xuất khẩu đường, song đến nay, cả nước mới xuất khẩu gần 100.000 tấn đường, chỉ bằng gần 50% tổng lượng đường mà Bộ Công thương cho phép xuất khẩu.

Giải thích tình trạng này, ông Long cho hay, nguyên nhân là Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội vàng xuất khẩu đường và đang bị các thương nhân Trung Quốc ép giá.

“Giai đoạn trước Tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ đường mạnh của Trung Quốc, khi đó giá đường rất cao, chúng tôi đề xuất Bộ Công thương cho phép xuất khẩu, nhưng không được. Mãi đến tháng 3/2013, Bộ Công thương mới cấp giấy phép, khi đó đã qua mùa ăn đường của Trung Quốc. Hơn nữa, khi có giấy phép, các thương nhân trong nước ồ ạt tập kết hàng ở cửa khẩu, nên bị Trung Quốc ép giá xuất khẩu. Đó là lý do xuất khẩu đường giảm”, ông Long nói.

Được biết, giá đường (đường RS) xuất sang Trung Quốc hiện chỉ khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg. Với mức giá này, chỉ những doanh nghiệp lớn, sản xuất hiệu quả mới có lãi, còn những doanh nghiệp nhỏ thì cầm chắc lỗ.

Ông Đỗ Thành Liêm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đường Khánh Hòa cho rằng, việc Bộ Công thương cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu 200.000 tấn đường mới chỉ tháo gỡ khó cho đường RS, trong khi đó đường tinh luyện (RE) hiện cũng dư thừa. Do đó, ông Liêm kiến nghị, Bộ Công thương mở thêm cửa xuất khẩu cho đường RE, giãn thời gian cấp quota nhập khẩu đường theo hạn ngạch, đồng thời, tiếp tục gia hạn thời gian xuất khẩu đường đến tháng 12/2013 (hiện Bộ mới gia hạn đến hết tháng 7).

“Nếu không tạo điều kiện để “tháo” hết đường tồn kho, thì e rằng doanh nghiệp không đủ lực để hỗ trợ người trồng mía sản xuất vụ mới”, ông Liêm lo ngại.

Bó tay trước vấn nạn đường nhập lậu?

Trong lúc đường trong nước ế ẩm không bán được, thì đường nhập lậu từ Thái Lan đang ồ ạt tuồn vào thị trường nội địa. Sở dĩ giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do Thái Lan có chính sách xuất khẩu đường giá rẻ (sau khi đã đáp ứng đủ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đủ lượng đường giá cao). Chưa kể, giá nguyên liệu mía của Thái Lan chỉ hơn 30 USD/tấn. trong khi các doanh nghiệp mía đường nước ta mua của nông dân là 50 USD/tấn (do chi phí sản xuất mía Việt Nam cao hơn Thái Lan).

Điều đáng nói là, kẽ hở chính sách hiện nay khiến đường lậu dễ dàng được hợp thức hóa, không chỉ làm hại các nhà sản xuất trong nước và người dân trồng mía, mà còn gây nguy hiểm tới sức khỏe người tiêu dùng.

Cụ thể, theo quy định hiện nay, chính quyền các địa phương được quyền cấp phép thành lập các cơ sở kinh doanh, sản xuất, sang chiết đường. Các cơ sở này được quyền sản xuất bao bì, in tem nhãn, sang chiết đường ra túi nhỏ để bán lẻ. Lợi dụng quy định này, các đầu nậu đã vận chuyển đường lậu trong các túi trắng, sau đó bắn nhãn mác của các cơ sở nhỏ lẻ lên bao bì, chuyển về kho để sang chiết sang các túi nhỏ.

Với thủ đoạn này, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong xử phạt, vì phải thực hiện nhiều biện pháp, như giám định hóa lý, thành phần… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng. Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng cũng chỉ có thể thu hồi, chứ không thể bắt giữ do không đủ yếu tố hình sự. Đây là nguyên nhân khiến giới buôn lậu đường ngày càng lộng hành.

Điều oái oăm nữa là, hiện hầu hết các doanh nghiệp mía đường đều nắm rõ danh sách các đầu nậu buôn lậu đường của từng địa phương, song tình trạng doanh nghiệp mía đường bán đường cho các đối tượng nhập lậu vẫn diễn ra, khiến các đối tượng này dễ bề hợp thức hóa hóa đơn.

Trên thực tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cũng biết rõ tên tuổi của từng đầu nậu, song việc bắt giữ, xử phạt đường lậu cũng không hề dễ. Ông Phan Lợi, Phó giám đốc Sở Công thương An Giang, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, thừa nhận, An Giang là một điểm nóng về buôn lậu đường, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chống buôn lậu biết rõ có hành vi buôn lậu, song lại thiếu bằng chứng xử phạt.

Tin liên quan
Tin khác