Đầu tư
Duyệt Dự án mở rộng Sân bay Cà Mau 2.400 tỷ đồng; thêm 7.568 tỷ đồng GPMB đường Vành đai 2 TP.HCM
Hạnh Nguyên - 20/10/2024 07:45
Thủ tướng duyệt Dự án mở rộng, nâng cấp Sân bay Cà Mau trị giá 2.400 tỷ đồng; TP.HCM bố trí 7.568 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 2 đoạn đường Vành đai 2…

Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình kiểm tra tiến độ dự án bệnh viện 300 tỷ đồng

Chiều 18/10, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã đi kiểm tra tiến độ dự án Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2) tại thị xã Ba Đồn.

Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng (thứ hai từ phải sang) kiểm tra tiến độ dự án. Ảnh: Ngọc Mai

Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình (cơ sở 2) được xây dựng tại tổ dân phố Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn. Dự án quy mô hạ tầng kỹ thuật đáp ứng 1.000 giường, lưu bệnh 500 giường hiện đại.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm bảo đảm cơ sở vật chất để khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình và phía Nam tỉnh Hà Tĩnh, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.

Dự án có diện tích sử dụng đất 6,5 ha, quy mô 5 tầng, với các hạng mục xây dựng như khối khám đa khoa, khối điều trị ngoại trú và kỹ thuật nghiệp vụ, khối điều trị nội trú, khối hành chính, khoa lây, nhà đại thể, nhà để xe, công trình phụ trợ và công trình hạ tầng kỹ thuật.

Dự án do Sở y tế tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng, từ nguồn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 do tỉnh Quảng Bình quản lý. Dự án được khởi công vào tháng 1/2024, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2025.

Tại buổi kiểm tra, theo báo cáo của ban quản lý dự án cho biết, hiện đơn vị thi công đang tập trung hoàn thành khối nhà chính, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật và cam kết vượt tiến độ đề ra.

Cũng tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng đã thăm và tặng quà động viên công nhân đang thi công tại công trường.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của thị xã Ba Đồn và chủ đầu tư cùng đơn vị thi công trong việc triển khai dự án đảm bảo tiến độ.

Trên cơ sở đó, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Bình Vũ Đại Thắng yêu cầu đơn vị thi công tiếp tục nỗ lực, phối hợp hiệu quả với địa phương để hoàn thành các hạng mục của dự án bảo đảm chất lượng, an toàn. Đồng thời, cố gắng đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào sử dụng, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Bình Định lấy ý kiến 4 bộ về quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Phù Mỹ

Khu công nghiệp Phù Mỹ quy hoạch rộng hơn 820 ha, được phân kỳ đầu tư gồm giai đoạn 1 rộng 200 ha, giai đoạn 2 rộng 236,87 ha và giai đoạn 3 rộng 384,06 ha.

Phối cảnh đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu công nghiệp Phù Mỹ. Nguồn: binhdinh.gov.vn.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xin ý kiến về Đồ án Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 Khu công nghiệp (KCN) Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ để địa phương có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.

KCN Phù Mỹ được quy hoạch có quy mô diện tích 820,93 ha. Trong đó, diện tích thuộc địa phận xã Mỹ An là 627,22 ha; diện tích thuộc địa phận xã Mỹ Thọ là 193,71 ha.

Về ranh giới, phía Bắc giáp khu dân cư thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An; phía Nam giáp khu dân cư hiện trạng các thôn Chánh Trạch, xã Mỹ Thọ; phía Đông giáp tuyến đường ven biển theo quy hoạch (lộ giới 45 m); phía Tây giáp lớp nhà hiện trạng dọc tuyến đường ĐT632.

Theo UBND tỉnh Bình Định, KCN Phù Mỹ được định hướng ngành, sản phẩm công nghiệp gồm hát triển công nghiệp năng lượng mới (hydrogen xanh, amoniac xanh, LNG...); công nghiệp sản xuất, chế tạo sản phẩm nằm trong hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo, LNG; các ngành công nghiệp luyện kim, sản xuất kim loại, chế tạo máy, chế tạo nguyên vật liệu công nghệ cao, thiết bị vật tư phụ trợ.

Công nghiệp hóa chất, dược phẩm; lắp ráp và sản xuất ô tô, các thiết bị nặng; công nghiệp phụ trợ ngành điện tử và dữ liệu.

Để thực hiện KCN Phù Mỹ, tổng nhu cầu tái định cư khoảng 118 hộ, trong đó xã Mỹ Thọ là 17 hộ, xã Mỹ An là 101 hộ. Dự kiến quỹ đất bố trí tái định cư phục vụ công tác di dời, giải phóng mặt bằng tại xã Mỹ An là 13 ha (được quy hoạch trong khu vực phát triển đô thị tập trung với tổng quy mô khoảng 285,4 ha); xã Mỹ Thọ là 4 ha (được quy hoạch trong khu vực phát triển đô thị tập trung với tổng quy mô quy hoạch khoảng 65,3 ha).

Ngoài ra, Bình Định cũng quy hoạch quỹ đất khoảng 14 ha thuộc thôn Chánh Giáo, xã Mỹ An (phía Tây Bắc Khu công nghiệp) để xây dựng khu nhà ở xã hội phục vụ khu công nghiệp với quy mô khoảng 2.180 căn.

Theo đồ án quy hoạch, KCN Phù Mỹ có đất phát triển sản xuất công nghiệp, kho tàng là 527,02 ha (chiếm tỷ lệ 64,2 %) được phân kỳ 3 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 là 113,35 ha, giai đoạn 2 là 152,13 ha, giai đoạn 3 là 261,54 ha.

Về giao thông, KCN Phù Mỹ được kết nối thông qua tuyến đường ĐT 639 (tuyến đường ven biển, nằm phía Đông KCN) có lộ giới 45 m được kết nối với đường phía Tây tỉnh, Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam qua tuyến đường mới quy hoạch có lộ giới 60 m, chiều dài khoảng 17km. Ngoài ra, KCN Phù Mỹ có Khu bến Phù Mỹ - cảng biển Bình Định sẽ được xây dựng trong tương lai theo quy hoạch.

Được biết, ngày 30/9/2024, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì việc xác định khu vực sẽ triển khai thực hiện giai đoạn 1 KCN Phù Mỹ (khoảng 200 ha) và làm cơ quan đầu mối, thực hiện kết nối giữa nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp để xúc tiến các Dự án thực hiện đạt hiệu quả cao.

Sở Giao thông vận tải được giao chủ trì việc khảo sát, đề xuất tuyến đường để kết nối KCN Phù Mỹ, Khu bến Phù Mỹ - Cảng biển Bình Định với tuyến đường phía Tây tỉnh, Quốc lộ 1A và cao tốc Bắc – Nam; Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh làm chủ đầu tư việc lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường kết nối này.

Được biết, ngày 19/8/2024, Công ty cổ phần Đại An Sài Gòn có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định đề xuất thực hiện đầu tư Dự án KCN Phù Mỹ.

Cần Thơ đề xuất dự án tham gia Chương trình Mekong DPO, vốn đầu tư 362 triệu USD

UBND TP. Cần Thơ có Tờ trình về việc đề xuất Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ) tham gia Chương trình Mekong DPO (Dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu), trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính.

Quốc lộ 61C kết nối TP. Cần Thơ với tỉnh Hậu Giang.

Dự án có 2 hợp phần gồm Hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn đi qua địa phận TP. Cần Thơ.

Phạm vi đầu tư của Hợp phần 1 có điểm đầu Km0+00 - Giao tại ngã tư giữa Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1 tại cuối đường dẫn cầu Cần Thơ bờ phía Nam (nút giao IC4), thuộc địa phận phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ. Điểm cuối: trước cầu Trầu Hôi (Km10 + 200 - Ranh giới giữa TP. Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang). Tổng chiều dài tuyến là 10,2 km. Bao gồm 7 cầu chính trên tuyến và 2 cầu vượt trong nút giao.

Hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ.

Phạm vi đầu tư của Hợp phần 2 có điểm đầu giao với Đường tỉnh 920 theo quy hoạch thuộc địa bàn quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Điểm cuối: ranh giới tiếp giáp TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 25,5 km. Bao gồm 24 vị trí cầu chính trên tuyến và 4 cầu vượt trong nút giao.

Dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ năm 2026-2030. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án là năm 2023-2026; giai đoạn thực hiện dự án là năm 2026-2030. .

Tổng mức đầu tư của Dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 dự kiến 8.780,16 tỷ đồng, tương đương 362,05 triệu USD. Trong đó, chi phí xây dựng 5.394,14 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 1.716,52 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác.

Dự kiến cơ cấu nguồn vốn gồm vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) 5.733,48 tỷ đồng (tương đương 236,42 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục chi phí xây dựng, thiết bị trước thuế; chi phí dự phòng xây dựng, thiết bị (trước thuế).

Vốn đối ứng 3.046,69 tỷ đồng (tương đương 125,63 triệu USD) được sử dụng cho các hạng mục: chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các loại thuế, phí; chi phi dự phòng cho các hạng mục trên.

TP.HCM: Dự án rạch Xuyên Tâm đội vốn lên 17.229 tỷ đồng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (gọi tắt là Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị) thông tin về tiến độ triển khai dự án nạo vét, cải tạo môi trường rạch Xuyên Tâm.

Tại dự án này, sau khi áp dụng Luật Đất đai năm 2024, tổng mức đầu tư của Dự án tăng từ 9.664 tỷ đồng thành 17.229 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật là 13.937 tỷ đồng. Riêng chi phí xây dựng vẫn giữ nguyên không tăng.

Ngày 27/9/2024, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 79/NQ-HĐND điều chỉnh chủ trương đầu tư, tăng tổng mức đầu tư dự án từ 9.664 tỷ đồng thành 17.229 tỷ đồng. Hiện nay, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị đang phối hợp với Sở Xây dựng hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án.

Về tiến độ khởi công Dự án, Ban Quản lý cho biết đang khẩn trương hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-03 (đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật) để khởi công trong tháng 11/2024.

Đối với gói thầu XL-01(đoạn từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Bùi Đình Túy) và XL-02 (từ cầu Bùi Đình Túy đến đường Lương Ngọc Quyến), dự kiến lựa chọn nhà thầu và khởi công vào tháng 4/2025.

Về kế hoạch vốn năm 2024, Dự án được giao 9.512,4 tỷ đồng, trong đó, vốn chi trả cho bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp khoảng 9.300 tỷ đồng; chi trả cho xây lắp, tư vấn và các chi phí khác là 212,4 tỷ đồng.

Về giải ngân vốn bồi thường giải phóng mặt bằng, theo kế hoạch thì UBND quận Bình Thạnh và Gò Vấp phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định vào đầu tháng 12/2024.

Sau đó, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị sẽ phối hợp với 2 quận giải ngân toàn bộ vốn bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2024 là 9.300 tỷ đồng.

Đồng thời, sau khi hoàn thành lựa chọn nhà thầu xây lắp gói XL-03 thì Ban Quản lý sẽ thực hiện các thủ tục tạm ứng hợp đồng, giải ngân vốn số vốn 212,4 tỷ đồng.

Khu công nghệ cao TP.HCM đang thúc 19 dự án đầu tư chậm tiến độ

Khu Công nghệ cao TP.HCM đang thúc đẩy 19 dự án đầu tư chậm tiến độ để khởi công 7 dự án trong năm 2024 và 12 dự án dự kiến khởi công năm 2025.

Thông tin này được bà Trần Thị Ngọc Chung, Trưởng phòng Kế hoạch Đầu tư của Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết tại buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố chiều 17/10.

Bà Chung cho biết, để tăng cường khả năng giải ngân vốn đầu tư công và hấp thụ vốn đầu tư, Ban Quản lý sẽ thúc đẩy khởi công các Dự án được TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư ở các lĩnh vực hạ tầng số, trung tâm dữ liệu, logistic, công nghệ số...

Hiện nay, Khu công nghệ cao đang thúc đẩy 19 dự án đầu tư chậm tiến, trong đó có 7 dự án dự kiến khởi công trong năm 2024 và 12 dự án dự kiến khởi công trong năm 2025.

Tính đến nay, Khu công nghệ cao có 108 dự án đang hoạt động chiếm 66,6 % và 54 dự án chưa đi vào hoạt động chiếm 30,2% (trong đó có 5 dự án tạm ngừng hoạt động chiếm hơn 3 %).

Còn về thu hút đầu tư, trong 9 tháng năm 2024, Khu Công nghệ cao đã cấp 5 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án nước ngoài với số vốn 1,95 triệu USD và 1 dự án trong nước với số vốn 573,4 tỷ đồng.

“Các dự án tuy có quy mô đầu tư nhỏ, nhưng thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút, có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao” bà Chung nói tại buổi họp báo.

Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao TP.HCM có 162 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương là 12,1 tỷ USD.

Trong đó có 52 dự án nước ngoài với số vốn đầu tư 10,1 tỷ USD và 110 dự án trong nước với số vốn 48.384 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD).

Đề xuất đầu tư 4.453 tỷ đồng chống ngập cho khu vực chợ Thủ Đức, TP.HCM

UBND TP.Thủ Đức vừa có Văn bản số 9876/UBND-GTCC gửi UBND TP.HCM đề xuất các giải pháp giảm ngập cho khu vực chợ Thủ Đức.

Nêu nguyên nhân khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên ngập mỗi khi trời mưa, UBND TP.Thủ Đức cho biết, hệ thống thoát nước tại đây chủ yếu là hệ thống cống tròn đã được đầu tư lâu năm, khả năng tiêu thoát nước kém.

Trong khi các tuyến kênh, rạch xung quanh khu vực chợ Thủ Đức thường xuyên bị cát, đất bồi lắng và tình trạng xả rác, chất thải rắn xuống lòng kênh, rạch, làm hạn chế khả năng tiêu thoát nước.

Trong khi chờ đầu tư hệ thống thoát nước, trước mắt, TP. Thủ Đức sẽ thường xuyên duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành và Kha Vạn Cân (đoạn từ ngã năm Chợ Thủ Đức đến đường Dương Văn Cam) và nạo vét, gia cố bờ rạch Thủ Đức (từ vị trí gần với Rạch Nhà Trà đến giáp sông Sài Gòn), phường Linh Đông, phường Trường Thọ.

Đồng thời, hoàn thành việc lắp đặt thêm 3 miệng thu nước kiểu mới trên đường Kha Vạn Cân nhằm tăng cường khả năng thu, thoát nước giảm ngập cho khu vực.

Đối với giải pháp trung hạn sẽ đầu tư Dự án xây dựng mới cống rạch Cầu Ngang với tổng kinh phí khoảng 27 tỷ đồng để tăng cường khả năng thoát nước.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức (đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân và Hồ Văn Tư) với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Về dài hạn để giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tại đây, UBND TP.Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư 4.453 tỷ đồng để xây dựng kè, cải tạo, nạo vét rạch Thủ Đức kết hợp xây dựng trạm bơm (đoạn từ cầu Ngang đến sông Sài Gòn).

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy, phường Trường Thọ với tổng kinh phí dự kiến là 75,9 tỷ đồng.

Hé lộ phương án đầu tư cao tốc Nha Trang - Đà Lạt trị giá 25.058 tỷ đồng

UBND 2 tỉnh Khánh Hòa – Lâm Đồng vừa có tờ trình số 11614/LT – KH – LĐ gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn Nhà nước.

Bình đồ hướng tuyến cao tốc Nha Trang - Đà Lạt.

Đây là Dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất; đơn vị lập báo cáo đề xuất đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn Trường Sơn.

Tại Tờ trình số  11614, lãnh đạo UBND 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng chi phép triển khai đầu tư xây dựng Dự án trước năm 20230; ưu tiên bổ sung dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 của ngành GTVT; đồng thời chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT đề trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Lãnh đạo 2 tỉnh thống nhất kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan có thẩm quyền Dự án PPP đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.

Theo đề xuất, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt có điểm đầu giao với tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn (chân đèo Prenn), tại phường 3, TP. Đà Lạt.

Tổng chiều dài tuyến thuộc Dự án là 80,8 km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 44 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8 km.

Dự án được đề xuất đầu tư một lần theo quy mô quy hoạch với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường từ 22 m – 24,75 m. Hướng tuyến Dự án đi song song với Quốc lộ 27C khoảng 1 – 7 km.

Trên tuyến dự kiến bố trí 5 nút giao thông khác mức liên thông, trung bình 20 km/nút, trong đó đoạn qua Khánh Hòa có 2 nút, đoạn qua Lâm Đồng có 3 nút; 2 vị trí xây dựng hầm có chiều dài từ 1.440 m – 1.560; 12 cầu có chiều dài từ 488 m đến 1.048 m.

Với quy mô xây dựng như trên, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 1.171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 18.889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.511 tỷ đồng; lãi vay 427 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 3.060 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2024 đến năm 2028, trong đó giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026 – 2028.

Được biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang - Đà Lạt khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn khoảng 1,5h – 2h (so với hiện tại là từ 3,5h đến 4h); tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh cho 2 địa phương.

Thủ tướng đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản đồng ý chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định theo kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định và Bộ Xây dựng.

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội nhằm phục vụ cho việc triển khai các Dự án đầu tư, cũng như công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Theo nội dung văn bản số 781/TTg-CN, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Bình Định tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng (tại Văn bản số 5620/BXD-QHKT, ngày 2/10/2024) trong quá trình tổ chức thực hiện lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đảm bảo thống nhất với các quy hoạch liên quan và theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng hướng dẫn UBND tỉnh Bình Định trong quá trình tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội bảo đảm theo đúng quy định pháp luật; thẩm định, báo cáo Thủ tướng.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định có Tờ trình số 28/TTr-UBND, ngày16/4/2024 và Tờ trình số 188/TTr-UBND, ngày 18/9/2024 về chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội. Bộ Xây dựng lần lượt có ý kiến tại văn bản số 4348/BXD-QHKT, ngày 31/7/2024 và văn bản số 5620/BXD-QHKT, ngày 2/10/2024.

Khu kinh tế Nhơn Hội được thành lập theo Quyết định số 141/2005/QĐ-TTg, ngày 14/6/2005 của Thủ tướng. Cùng lúc, Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội được Thủ tướng phê duyệt (tại Quyết định số 142/2005/QĐ-TTg); sau đó được phê duyệt điều chỉnh tổng thể đến năm 2040 tại Quyết định số 514/QĐ- TTg, ngày 8/5/2019.

Sau khi được điều chỉnh quy hoạch, từ 12.000 ha chủ yếu tại TP. Quy Nhơn và một phần diện tích tại 2 huyện Phù Cát, Tuy Phước; Khu kinh tế Nhơn Hội được mở rộng thêm 2.308 ha tại huyện Vân Canh, nâng tổng diện tích lên thành 14.308 ha.

Ban Quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, trong quá trình triển khai theo Quyết định 514/QĐ- TTg, có nhiều yếu tố mới xuất hiện. Đồng thời, Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg, ngày 14/12/2023 có nhiều định hướng mới, tác động đến quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội.

Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội để phù hợp với quá trình phát triển của khu kinh tế, phù hợp với quy hoạch tỉnh Bình Định được phê duyệt; phục vụ cho việc triển khai các dự án đầu tư, cũng như công tác thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho hay, sau khi Thủ tướng có văn bản chấp thuận chủ trương, Ban Quản lý sẽ xây dựng nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Khu kinh tế Nhơn Hội, UBND tỉnh sẽ trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ. Tiếp đó, Ban Quản lý mới làm Đồ án điều chỉnh quy hoạch và đợi phê duyệt.

Về thời gian hoàn thành, Ban Quản lý kỳ vọng trong năm 2024 sẽ thực hiện xong nhiệm vụ, sang năm 2025 hoàn thành điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nhơn Hội.

Được biết, bên cạnh việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, UBND tỉnh Bình Định cũng đang thực hiện Đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đến năm 2040 và Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4347/BXDQHKT, ngày 31/7/2024 để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Theo tìm hiểu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có Văn bản số 7358/BKHĐT-KKT, ngày 13/9/2024 về việc góp ý hồ sơ Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội.

Sau đó, ngày 16/9/2024, UBND tỉnh Bình Định đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét triển khai thực hiện ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thủ tướng duyệt Dự án mở rộng, nâng cấp Sân bay Cà Mau trị giá 2.400 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1188/QĐ - TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau do nhà đầu tư là ACV.

Cảng hàng không Cà Mau hiện hữu.

Dự án có mục tiêu đầu tư xây dựng mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Cà Mau và khu vực.

Các hạng mục chính thuộc Dự án này bao gồm việc xây dựng mới đường cất hạ cánh kích thước 2.400 m × 45 m, đảm bảo khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; xây dựng đường lăn nối đường cất hạ cánh với sân đỗ máy bay kích thước 128 m × 15 m, lề vật liệu mỗi bên 5 m và 5 đường lăn chờ; xây dựng sân đỗ máy bay ở khu vực phía Nam kích thước 182 m × 112,5 m, lề vật liệu rộng 5 m, đáp ứng khai thác 3 vị trí đỗ A320, A321 và tương đương.

Bên cạnh đó, Dự án còn tiến hành cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách hiện hữu đạt công suất 500.000 hành khách/năm (có thể mở rộng đảm bảo khai thác 1 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu).

Diện tích xây dựng nhà ga hành khách khoảng 2.668 m2 , tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 4.200 m2 , 2 tầng, chiều cao công trình khoảng 9,5 m.

Vốn đầu tư của Dự án là khoảng 2.400 tỷ đồng, sử dụng 100% vốn chủ sở hữu của ACV; thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm; tiến độ thực hiện dự án là 18 tháng kể từ khi được Nhà nước giao đất.

Thủ tướng giao UBDN tỉnh Cà Mau thực hiện giao đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để triển khai Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai; kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của ACV theo đúng quy định của pháp luật, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của ACV theo tiến độ thực hiện Dự án.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được giao chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại điện chủ sở hữu nhà nước đối với việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại ACV, hiệu quả đầu tư về mặt tài chính của Dự án; tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư Dự án theo quy định của pháp luật và báo cáo kịp thời về các sai phạm (nếu có) và thực hiện đầy đủ theo chức năng nhiệm vụ đối với quá trình thực hiện đầu tư.

Cảng hàng không Cà Mau hiện là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách 2 cao trình có công suất 200.000 hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh kích thước 1.500mx30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Hiện Cảng hàng không Cà Mau đang được VASCO khai thác 1 đường bay duy nhất, chặng Cà Mau – TP.HCM và ngược lại, tần suất 4 chuyến/tuần bằng tàu bay ATR72.

Đồng Nai thu phí BOT tuyến đường vào cảng Phước An cao nhất 110.000 đồng/lượt

UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Quyết định số 3002/QĐ-UBND quy định mức thu phí đối với tuyến đường kết nối vào cảng Phước An (từ nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đến cảng Phước An), huyện Nhơn Trạch theo hình thức đầu tư đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Tuyến đường dẫn vào cảng Phước An đi qua nhiều vùng đất yếu nên phải xây dựng cầu cạn 

Theo quyết định, mức phí sẽ thu tăng dần theo từng giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2025-2027, mức phí thấp nhất là 20.000 đồng/lượt; cao nhất là 110.000 đồng/lượt. Ngoài vé lượt doanh nghiệp và người dân có thể mua vé tháng, vé quý.

Những giai đoạn tiếp theo (2 năm một giai đoạn) từ năm 2028 đến năm 2040 trở về sau vé sẽ tăng dần qua từng giai đoạn.

Đến năm 2040 trở về sau vé lượt thấp nhất là 37.000 đồng/lượt và cao nhất là 200.000 đồng/lượt (áp dụng theo tải trọng từng loại xe).

Dự án xây dựng tuyến đường kết nối vào cảng Phước An có chiều dài gần 6 km, điểm đầu giao với nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; điểm cuối tuyến kết nối trực tiếp với cảng Phước An, Đồng Nai.

Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án sẽ đưa vào khai thác từ đầu năm 2025.

Sau khi đưa vào khai thác, tuyến đường này thông qua đường 319 sẽ hình thành trục giao thông kết nối trực tiếp từ cảng Phước An đến 2 tuyến cao tốc là Bến Lức - Long Thành và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 7515/VPCP - CN gửi Bộ trưởng các bộ: GTVT, tài chính, Kế hoạch và Đầu tư truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Theo đó, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT căn cứ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp rà soát danh mục các Dự án nâng cấp mở rộng các tuyến đường cao tốc quy mô phân kỳ (đang khai thác, đang đầu tư) đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, phù hợp với tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải (trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe).

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 2 làn xe do VEC đầu tư.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT thống nhất với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia.

Phó thủ tướng cũng giao Bộ GTVT hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung để nâng cấp, mở rộng các dự án La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, sớm triển khai mở rộng đáp ứng nhu cầu; trong đó trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn trong tháng 10/2024.

Bộ GTVT cũng có trách nhiệm xem xét kiến nghị của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc triển khai đầu tư nâng cấp mở rộng các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC quản lý theo quy định pháp luật, báo cáo cấp thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền; hoàn thành trước ngày 30/10/2024.

Bộ Tài chính được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để thống nhất, hoàn thiện nội dung báo cáo, đề xuất việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó bổ sung nhu cầu vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.  

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Bộ GTVT và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai các nhiệm vụ nêu trên”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Trước đó, vào đầu tháng 6/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các Dự án hạ tầng giao thông.

Trong đó, giao Bộ GTVT ưu tiên đầu tư mở rộng các dự án cao tốc 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô quy hoạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách bổ sung để nâng cấp các dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn (hiện có quy mô 2 làn xe); Cao Bồ - Mai Sơn (4 làn xe hạn chế), sớm triển khai mở rộng đáp ứng nhu cầu.

Bộ GTVT cũng cần khẩn trương hoàn thành nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó báo cáo rõ về thuận lợi, khó khăn của việc đầu tư theo phương thức PPP.

Tại Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT rút kinh nghiệm về việc tính toán, dự báo lưu lượng khi đề xuất đầu tư các dự án cao tốc có quy mô 2 làn xe, quy mô phân kỳ, đến nay phải đề xuất mở rộng ngay khi mới đưa vào khai thác sử dụng; đồng thời rà soát lại quy mô quy hoạch, nhu cầu thực tế, dự báo lưu lượng, đảm bảo tầm nhìn dài hạn 20 năm đối với các đoạn tuyến ra vào cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

“Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng phù hợp và phối hợp với Bộ tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án GTVT”, Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT nêu rõ.

Cùng với trách nhiệm chủ lực của Bộ GTVT trong việc nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án mở rộng các cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Hà Nội - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai), cầu Giẽ - Ninh Bình (để đồng bộ với quy mô của đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cao Bồ - Mai Sơn sau khi được mở rộng lên 6 làn xe), báo cáo Thủ tướng về các dự án nêu trên, trong đó cần làm rõ khả năng thực hiện, khó khăn, vướng mắc, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến việc tìm nguồn kinh phí cho việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng.

Quảng Nam điều chỉnh chủ trương đầu tư Nhà máy thuỷ điện An Điềm II

Tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án đầu tư Nhà máy thuỷ điện An Điềm II, được đầu tư xây dựng tại xã Ba (huyện Đông Giang) và xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc). Dự án này do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng làm chủ đầu tư.

Nhà máy thuỷ điện An Điềm II được điều chỉnh nội dung mục tiêu và quy mô dự án, tổng vốn đầu tư, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 28 dự án thủy điện nhỏ.

Cụ thể, về quy mô, dự án có diện tích đất sử dụng là 1.214.292 m2.  Các hạng mục công trình gồm có Nhà máy thủy điện tổng công suất 29,6 MW; trạm biến áp tăng áp; trạm cắt; đường dây 110kV 1 mạch và 2 mạch …

Dự án có tổng vốn đầu tư là 989,9 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư hơn 472 tỷ đồng; giai đoạn 2 là hơn  517 tỷ đồng.

Vốn của Công ty Cổ phần thuỷ điện Sông Vàng góp là hơn 155 tỷ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư của giai đoạn 2; vốn vay ngân hàng là hơn 362 tỷ đồng, chiếm 70% tổng vốn đầu tư của giai đoạn 2.

Theo quyết định của tỉnh Quảng Nam, tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 1 đã đầu tư hoàn thành nhà máy thủy điện với công suất 15,6 MW, phát điện thương mại vào năm 2010.

Giai đoạn 2 của dự án sẽ đầu tư mở rộng thủy điện với công suất 14 MW. Từ tháng 10/2024 đến tháng 4/2025 sẽ tiếp tục thi công hạng mục bổ sung và các hạng mục còn lại, hoàn thành toàn bộ công trình và phát điện với phần mở rộng.

Tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Vàng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, bảo vệ môi trường, lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai. Nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật thì dự án mới được đi vào hoạt động.

Ngoài ra, không được tác động đến rừng và đất rừng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng, vận hành công trình theo quy định…

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 28 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất theo thiết kế là 440,26MW. Tất cả 28 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều đã được cấp chủ trương đầu tư.

Trong đó, dự án thủy điện được cấp chủ trương đầu tư gần nhất là dự án thủy điện Thủy điện An Điềm II mở rộng tại Quyết định số 1934/QĐ-UBND ngày 20/7/2020.

Dự án thủy điện Thủy điện An Điềm II mở rộng, nâng công suất từ 15,6MW lên 29,6MW, tăng 14MW, theo Quyết định số 498/QĐ-BCT ngày 14/02/2020 của Bộ Công Thương

Trong 28 dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thì có 18 dự án đã vận hành phát điện với tổng công suất theo thiết kế là 252,16MW. Trong đó, dự án thủy điện An Điềm II đã vận hành phát điện từ năm 2010 với công suất 15,6MW, đang thi công xây dựng phần mở rộng (14MW).

Ngoài ra, 5 dự án đang thi công xây dựng với tổng công suất theo thiết kế là 115,60MW; 5 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư để khởi công xây dựng với tổng công suất theo thiết kế là 72,50MW…

Đến cuối năm 2024, TP.HCM quyết giải ngân hết 30.000 tỷ đồng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tại cuộc họp lần thứ 5 của Thường trực Ban Chỉ đạo các công trình, Dự án trọng điểm Thành phố và giao ban đầu tư công.

Người dân trên đường Cách Mạng Tháng 8 (Quận 3) dỡ nhà giao mặt bằng làm Metro số 2. Ảnh: Lê Toàn

Theo đó, đối với nhóm các dự án liên quan tới bồi thường, giải phóng mặt bằng và đất đai, ông Mãi yêu cầu trước ngày 18/10, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện đề xuất giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thực hiện để đảm bảo năm 2024 giải ngân được 28.000 - 30.000 tỷ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; tham mưu, đề xuất UBND Thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cần chủ động hướng dẫn các quận, huyện, TP. Thủ Đức những thay đổi trong quy định của pháp luật về đất đai; đồng thời, giám sát, theo dõi chặt chẽ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các địa phương liên quan đến dự án.

Ông cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung toàn nguồn lực để giải ngân được số vốn 30.000 tỷ đồng trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trước đó, tại Hội nghị lần thứ 33 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, Chủ tịch UBND Thành Phố Phan Văn Mãi cũng nói Thành phố sẽ tập trung cho giải phóng mặt bằng rạch Xuyên Tâm (Bình Thạnh, Gò Vấp) với 12.976 tỷ đồng, dự án bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với 5.092 tỷ đồng và 2 đoạn Vành đai 2 (TP. Thủ Đức) với 7.600 tỷ đồng và các dự án khác.

“Sau khi rà soát, chúng ta có thể giải ngân được khoảng 28.000 tỷ đồng đối với nhóm này”, ông nói.

Về việc theo dõi quá trình thực hiện dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công, người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc rà soát, lập kế hoạch cụ thể về nhiệm vụ chi tiết trong việc thực hiện dự án và kế hoạch giải ngân theo số vốn Kế hoạch dự kiến giao cả năm 2024.

Cập nhật lại kế hoạch giải ngân tới ngày 31/1/2025 đối với từng dự án trên hệ thống phần mềm quản lý đầu tư công của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

UBND Thành phố giao trưởng các đơn vị ngoài việc tập trung chỉ đạo xử lý các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thủ tục theo chỉ đạo của UBND Thành phố, hàng ngày theo dõi, chỉ đạo xử lý dứt điểm tất cả các nhiệm vụ tồn đọng được ghi nhận trên hệ thống phần mềm và cập nhật kết quả giải quyết trên hệ thống Đối với các dự án đang vướng mắc về quy hoạch.

Văn phòng UBND Thành phố tham mưu, đề xuất xử lý hồ sơ gấp đối với các dự án trọng điểm trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND Thành phố các nội dung cần trình HĐND Thành phố trong các kỳ họp gần nhất đảm bảo bố trí đủ vốn và điều tiết linh hoạt kế hoạch vốn phục vụ nhiệm vụ giải ngân.

Tính đến hết ngày 30/9, tổng vốn số vốn đã giải ngân là 15.987 tỷ đồng, đạt 20,2% trên tổng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thành phố được giao 249.000 tỷ đồng đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó 49% vốn được giao giữa kỳ.

Thông thường, việc giao vốn phải giao ngay đầu kỳ, tuy nhiên, khi Thành phố thực hiện nghị quyết 98, Thành phố được bổ sung thêm 107.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Những dự án dùng số vốn này phần lớn đang quá trình triển khai thủ tục, chưa đến thời điểm giải ngân số tiền lớn.

Ngoài ra, khi Luật đất đai có hiệu lực cũng làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của Thành phố, có 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng.

Ngay từ đầu năm 2024, Thành phố đã lập các thủ tục để giải ngân công tác giải phóng mặt bằng trong quý III. Nhưng khi Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8, thành phố này phải dừng lại để điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án do tăng chi phí giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt thủ tục, pháp lý; dự án phải dừng để điều chỉnh quy hoạch; quy định mới về đấu thầu... cũng là nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM chậm. Một số dự án có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của chủ đầu tư cũng như quy trình thủ tục để thực hiện, tác động đến tiến độ giải ngân.

Bình Định kiến nghị nâng cấp Quốc lộ 19C với kinh phí 540 tỷ đồng

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký văn bản đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam quan tâm đưa vào kế hoạch danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 để đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua tỉnh theo quy hoạch được duyệt với dự kiến kinh phí đầu tư khoảng 540 tỷ đồng.

Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định nằm dọc theo Quốc lộ 19C.

Mục tiêu là đáp ứng nhu cầu vận tải hiện tại và trong tương lai, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Định và khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Về lý do kiến nghị trên, UBND tỉnh Bình Định thông tin, tuyến đường Quốc lộ19C được nâng cấp từ đường tỉnh ĐT.638 vào năm 2014. Nhưng sau 10 năm chuyển thành quốc lộ, tuyến đường vẫn chưa được đầu tư nâng cấp.

Quốc lộ 19C hiện trạng cơ bản chỉ đạt cấp VI, bề rộng nền đường khoảng 6,5 m, mặt đường từ 3,5 m - 5,5 m; công trình cầu, cống trên tuyến đa số chỉ đảm bảo khai thác với tải trọng H13.

Trong khi theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg, ngày 1/9/2021, tuyến Quốc lộ 19C dài khoảng 206 km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Định  dài 39,38km; được quy hoạch đạt cấp III - IV, quy mô 2 - 4 làn xe.

Dọc theo tuyến Quốc lộ 19C, UBND tỉnh Bình Định đã và đang tập trung ưu tiên triển khai đầu tư xây dựng phát triển các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cụ thể, đoạn qua huyện Tuy Phước có Khu công nghiệp Phước An đang hoạt động và tỉnh đang tiếp tục quy hoạch, đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp Tân Hoàng Giang, Bình An, Quy Hội,…; đoạn qua huyện Vân Canh có Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đang dần hình thành, đang quy hoạch đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Vân Canh…

 “Đặc biệt, hiện nay, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp hình thành, tuyến Quốc lộ 19C với vai trò là tuyến kết nối lên cao tốc nên lưu lượng vận tải sẽ tăng cao đột biến vào sau năm 2025 khi đường bộ cao tốc Bắc Nam đưa vào khai thác”, UBND tỉnh Bình Định đề cập.

Với thực trạng như trên, UBND tỉnh Bình Định cho rằng, với quy mô như hiện tại sẽ không đảm bảo nhu cầu lưu thông dễ gây ách tắt và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.

Được biết, vào tháng 1/2024, cử tri tỉnh Bình Định đã có kiến nghị gửi Bộ Giao thông - Vận tải về quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 19C đoạn qua địa bàn thị trấn Vân Canh.

Trong nội dung phản hồi ngày 3/4/2024, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết đã cân đối được khoảng 9.711 tỷ đồng để đầu tư 3 Dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước và khởi công mới 6 dự án đối với kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất với kiến nghị đầu tư mở rộng Quốc lộ 19C đoạn qua thị trấn Vân Canh theo quy mô quy hoạch.

“Tuy nhiên, do kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông - Vận tải được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15, ngày 28/7/2021 tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án hạ tầng chiến lược nên chưa thể cân đối nguồn lực để thực hiện thêm các dự án khác trong đó có Quốc lộ 19C”, Bộ Giao thông - Vận tải từng phản hồi.

Đồng thời, Bộ Giao thông - Vận tải cũng cho hay, căn cứ nhu cầu đầu tư theo kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét khi có điều kiện về nguồn lực…

Doanh nghiệp muốn làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài phải có vốn tối thiểu 1.491 tỷ đồng

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc tổ chức khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn 1).

Ban Giao thông cho biết, Dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 19.617 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp là 9.943 tỷ đồng (chiếm 50,69% tổng mức đầu tư Dự án).

Hướng tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. 

Để được tham gia Dự án nhà đầu tư phải có vốn chủ sở hữu là 1.491 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư Dự án theo quy định tại khoản 1 Điều 77 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Còn phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 9.674 tỷ đồng, chiếm 49,31% tổng mức đầu tư Dự án. Phần vốn Nhà nước tham gia chủ yếu để thực hiện giải phóng mặt bằng.

Theo Dự thảo thông báo chuẩn bị gửi đến nhà đầu tư, dự kiến mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư cho dự án sơ bộ khoảng 11,77%/năm. Thời hạn thu phí Dự án dự kiến là 16 năm 9 tháng.

Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư sẽ đàm phán cạnh tranh trong trường hợp có không quá 3 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu thực hiện Dự án.

Trong trường hợp có từ 6 nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật Việt Nam trở lên đăng ký quan tâm thì sẽ đấu thầu rộng rãi trong nước có sơ tuyển.

Trường hợp có dưới 6 nhà đầu tư quan tâm; trong đó có ít nhất một nhà đầu tư được thành lập theo pháp luật nước ngoài đăng ký quan tâm thì đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, Ban Giao thông đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP.HCM ký phát hành thông báo khảo sát sự quan tâm của nhà đầu tư.

Sau đó, giao Ban Giao thông là đầu mối tiếp nhận hồ sơ quan tâm của nhà nhà đầu tư rồi đánh giá tổng hợp số lượng nhà đầu tư quan tâm để xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Cần Thơ quyết tâm thu ngân sách đạt chỉ tiêu được giao

Thông tin tại cuộc họp cơ quan báo chí định kỳ quý III/2024, tổ chức sáng ngày 15/10, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố tiếp tục duy trì xu hướng tăng, trong quý I tăng 4,6%, quý II là 5,86%, ước quý III tăng 8,34% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng năm 2024, tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước (xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố; 4/5 thành phố lớn; 9/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long).

Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển phát biểu tại cuộc họp cơ quan báo chí định kỳ quý III năm 2024.

Một số ngành, lĩnh vực kinh tế tăng khá so với cùng kỳ như: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 9 tháng năm 2024 ước tăng 8,02% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,93% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và doanh thu dịch vụ 9 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 1.793,3 triệu USD tăng 9,8%; doanh thu du lịch 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.493 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 75% kế hoạch.

Đến ngày 30/9/2024, tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán được giao 8.863 tỷ đồng, đạt 71,48% dự toán Trung ương giao và đạt 71,22% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 16,56% so với cùng kỳ.

Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, thành phố quyết tâm phải đạt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2024, với các giải pháp như: ngoài thu thuế, phí; tập trung các nguồn thu khác từ đất gồm: thu chuyển mục đích sử dụng đất, thu từ bố trí các nền tái định cư cho các hộ dân, thu từ các Dự án, thu từ đấu giá đất công...

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, vẫn còn các lĩnh vực chưa đạt tiến độ kế hoạch năm. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn, tình trạng thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm người lao động để duy trì hoạt động kinh doanh. Mặc dù tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, các đơn hàng xuất khẩu nhỏ lẻ. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, nhất là ở khâu bảo quản và chế biến, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển mạnh. Tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất cây trồng.

Lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương thức PPP

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 466/TB-VPCP ngày 14/10/2024 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại Thông báo, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao về sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền của các địa phương: Thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên trong thời gian qua đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ trong việc giải phóng mặt bằng và triển khai các Dự án thành phần trên địa bàn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc triển khai Dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; lựa chọn nhà đầu tư,...

Phó thủ tướng kết luận: Dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022; do đó, việc điều chỉnh các nội dung liên quan đến cơ cấu nguồn vốn, thay đổi phương án tài chính của Dự án thành phần 3 đầu tư theo phương thức PPP... phải trình Quốc hội xem xét, quyết nghị.

Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan rút kinh nghiệm trong việc khảo sát, đánh giá, đưa ra số liệu thiếu chính xác khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Trong đó có trách nhiệm chính của các đơn vị tư vấn). 

UBND TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan rà soát chính xác số liệu, thống nhất việc điều chỉnh, cân đối về số liệu tăng, giảm tổng mức đầu tư các dự án thành phần,... trên cơ sở đó cân nhắc kỹ nội dung và thời điểm trình Quốc hội. Lưu ý, việc triển khai Dự án thành phần 3 cần tham vấn các nhà đầu tư quan tâm, bảo đảm tính khả thi và đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải phối hợp, hướng dẫn Thành phố Hà Nội và các địa phương thực hiện đúng các nội dung đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội; khẩn trương tiến hành lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thành phần 3 theo phương thức đối tác công tư (PPP);

Đồng thời, rà soát, tổng hợp các vướng mắc của cả 3 địa phương, trong đó lưu ý quy định tại Nghị quyết số 140/2024/QH15 của Quốc hội; quá trình triển khai và thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định để trình cấp thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án (khi cần thiết).

Đảm bảo chất lượng, tiến độ thẩm định Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Chiều nay 14/10, Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tổ chức phiên họp thứ hai để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) gửi Hội đồng tại Tờ trình số 10625/TTr - BGTVT ngày 2/10/2024.

Ảnh minh họa

Biểu dương tinh thần làm việc trách nhiệm của tư vấn lập dự án, tư vấn thẩm tra, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành và các thành viên của Hội đồng thẩm định Nhà nước khi chỉ trong một thời gian rất ngắn đã hoàn thành báo cáo thẩm tra; hồ sơ dự án sau giải trình; dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định đảm bảo tiến độ, chất lượng.

“Đây là công trình hạ tầng giao thông quan trọng rất đặc biệt cả về quy mô, công nghệ, có tác động tới cả trăm năm nên quá trình thẩm định phải thể hiện được tâm, tầm và trí tuệ để có thể kiến nghị, đề xuất các ý kiến chất lượng đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lên cấp có thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.

Quá trình thẩm định, cho ý kiến Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án cần bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng và Thường trực Chính phủ.

Cụ thể, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với phương án đầu tư toàn tuyến theo hình thức đầu tư công, tốc độ 350 km/h, vận chuyển hành khách là chính, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể chở hàng hóa khi cần thiết.

Việc đầu tư Dự án với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn chiến lược… bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây, các cảng biển, sân bay của đất nước và kết nối với các nước trong khu vực, trước mắt là Trung Quốc, Lào, Campuchia và Đông Nam Á.

Tại Thông báo số 458/TB-VPCP, Thường trực Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải bám sát chủ trương đầu tư toàn tuyến với tốc độ thiết kế 350km/h đã được Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua để tính toán, thiết kế phương án kĩ thuật phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Theo đó, về hướng tuyến phải nghiên cứu thẳng nhất có thể nhằm giảm chi phí, bảo đảm tốc độ khai thác, tạo ra không gian phát triển mới, tiết kiệm chi phí; tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp; thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; bảo đảm thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Đối với các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới.

Trên cơ sở các định hướng lớn đó, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ GTVT, tư vấn lập dự án phối hợp chặt chẽ với tư vấn thẩm tra, tổ chuyên gia thẩm định liên ngành tập trung làm rõ, giải trình cụ thể, có sức thuyết phục cao đối với một số vấn đề quan trọng của Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gồm: dự báo nhu cầu, phạm vi phục vụ; lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; tổng mức đầu tư; phương án huy động vốn; các cơ chế chính sách đặc thù…

“Phải tính đúng, tính đủ chi phí xây dựng, không tô hồng bức tranh tài chính, đặc biệt là trong giai đoạn vận hành khai thác để có cơ chế xử lý hiệu quả dù đây là Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng rất cao”, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước chỉ đạo.

Về tiến độ thực hiện Dự án (chuẩn bị và thực hiện đầu tư trong vòng 10 năm), Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng đây là tiến độ rất gấp, nhất là trong bối cảnh công trình có quy mô lớn, phức tạp về công nghệ, chưa từng có tiền lệ.

Vì vậy, Bộ GTVT, tư vấn lập dự án và các đơn vị liên quan phải xác định đầy đủ các yếu tố rủi ro và xây dựng các giải pháp xử lý nhằm đảm bảo tính khả thi về tiến độ theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương.

Do thời hạn trình Báo cáo chủ trương đầu tư Dự án lên Quốc hội phải hoàn thành trong ngay ngày 19/10/2024 để kịp xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 nên tiến độ thẩm định Dự án cần phải thực hiện rất khẩn trương, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan.

Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng (35 thành viên) phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, dân tộc khi góp ý, bỏ phiếu đối với dự thảo Báo cáo kết quả thẩm định.
Bộ GTVT khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ, ngành, Thường trực Chính phủ và ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với những nội dung không tiếp thu phải giải trình đầy đủ, chặt chẽ để thuyết phục được Hội đồng thẩm định Nhà nước, các cấp có thẩm quyền thông qua.

“Tiến độ thẩm định, trình Báo cáo chủ trương đầu tư Dự án đang rất gấp nhưng không vì thế mà châm chước, bỏ qua yêu cầu về chất lượng thẩm định”, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam nhắc nhở.

Được biết, tại Tờ trình số 10625, Bộ GTVT đề xuất tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 1.545 km.

Trên cơ sở quy hoạch, kết quả nghiên cứu của Tư vấn, Bộ GTVT đề xuất phạm vi đầu tư Dự án có điểm đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi); điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm); tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.

Dự án sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Dự án có sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha; hình thức đầu tư Dự án là đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD).

Nguồn vốn đầu tư Dự án là nguồn vốn từ ngân sách trung ương bố trí theo các kỳ trung hạn, vốn góp của các địa phương, vốn huy động có chi phí thấp và ít ràng buộc,...

Trong quá trình xây dựng và vận hành, sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư các khu dịch vụ, thương mại tại các ga; đầu tư thêm phương tiện để khai thác khi có nhu cầu.

Bộ GTVT đề xuất lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến trong năm 2035.

Nghệ An giao hơn 5.100 m2 đất cho Khu kinh tế Đông Nam

UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Quyết định số 381/QĐ-UBND ngày 10/10/2024 về việc điều chỉnh Quyết định giao đất số 17/QĐ-UBND.ĐC ngày 1/3/2011 của UBND tỉnh và Quyết định giao đất số 63/QĐ-KTT ngày 30/3/2011 của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Trước khi có quyết định giao đất, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích khoảng 207,76 km². 

UBND tỉnh Nghệ An điều chỉnh Điều 1 Quyết định số 17/QĐ-UBND.ĐC ngày 1/3/2011 của UBND tỉnh như sau: Giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An 5.145,2m2 đất tại các xã Nghi Quang và Nghi Long, huyện Nghi Lộc để đưa vào quản lý sử dụng theo quy hoạch và pháp luật (cụ thể, tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc diện tích là 1.686,6m2; tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc diện tích là 3.458,m2). Vị trí, ranh giới khu đất xác định theo Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính số 58/2024/BĐĐC/VPĐK được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh xác nhận ngày 4/3/2024.

Điều chỉnh khoản 1 Điều 1 Quyết định số 63/QĐ-KKT ngày 30/3/2011 của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam như sau: Cho Công ty Cổ phần Nông thôn mới, địa chỉ trụ sở chính tại số 73, đường Mai Hắc Đế, phường Quán Bàu, thành phố Vinh thuê đất tại Khu kinh tế Đông Nam, thuộc các xã Nghi Long và Nghi Quang, huyện Nghi Lộc với các nội dung chính như sau: Diện tích đất thuê 5.145,2m2, trong đó: Tại xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc diện tích là 1.686,6m2; tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc diện tích là 3.458,6m2.

Điều chỉnh khoản 4 Điều 1 Quyết định số 63/QĐ-KKT ngày 30/3/2011 của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam như sau: Vị trí, ranh giới khu đất xác định theo Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính số 58/2024/BĐĐC/VPĐK được Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh xác nhận ngày 4/3/2024 giữ nguyên, không thay đổi.

Các nội dung khác tại Quyết định giao đất số 17/QĐ-UBND.ĐC ngày 01/3/2011 của UBND tỉnh và Quyết định giao đất số 63/QĐ-KTT ngày 30/3/2011 của Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam giữ nguyên, không thay đổi.

UBND tỉnh Nghệ An giao Sở Tài nguyên và Môi trường ký hợp đồng thuê đất, thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Công ty Cổ phần Nông thôn mới theo quy định.

Được biết, trước khi điều chỉnh, Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An có diện tích khoảng 207,76 km² gồm một phần huyện Nghi Lộc, một phần huyện Diễn Châu, một phần Thành phố Vinh và một phần thị xã Cửa Lò. Theo quy hoạch, đây là một khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng và được kỳ vọng trở thành một trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, du lịch, thương mại, cảng biển lớn của vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam; một trung tâm đô thị lớn của Nghệ An.

TP.HCM bố trí 7.568 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 2 đoạn đường Vành đai 2

UBND TP. Thủ Đức vừa có Văn bản số 8194/UBND-VP báo cáo UBND TP.HCM về tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư 2 đoạn của Dự án đường Vành đai 2 đoạn qua địa bàn TP. Thủ Đức.

Trong đó, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (đoạn 1), chiều dài 3,5 km (bao gồm nút giao Bình Thái), diện tích thu hồi là 47,6 ha. Tổng số trường hợp dự kiến bị ảnh hưởng là 893 trường hợp, trong đó 872 hộ dân và 21 tổ chức.

Khu đất chuẩn bị xây dựng đường Vành đai 2 giao với đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Lê Toàn

Vốn đầu tư công bố trí năm 2024 để giải phóng mặt bằng đoạn này là 5.825,7 tỷ đồng.

Đối với đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng (đoạn 2), chiều dài 2,4 km, diện tích dự kiến thu hồi là 13,4 ha.

Tổng số trường hợp dự kiến bị ảnh hưởng là 258 trường hợp, trong đó có 253 hộ dân và 5 tổ chức. Vốn đầu tư công bố trí năm 2024 để giải phóng mặt bằng là 1.742 tỷ đồng

Về tiến độ thực hiện, UBND TP.Thủ Đức cho biết, đến nay đã hoàn thành lập và phê duyệt bản đồ hiện trạng vị trí ranh thu hồi đất dự án; định vị cắm mốc và bàn giao ranh ngoài thực địa; ban hành thông báo thu hồi đất; kiểm kê hiện trạng nhà đất các trường hợp bị ảnh hưởng.

Hiện nay các đơn vị đang tập trung triển khai công tác xác nhận pháp lý nhà đất, thu thập thông tin chuẩn bị thực hiện thẩm định giá đất,…

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành giải phóng mặt bằng, TP. Thủ Đức kiến nghị UBND TP.HCM ban hành quyết định thay thế hoặc điều chỉnh Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM, trong đó quy định nguyên tắc, phương pháp thẩm định giá bán căn hộ chung cư phục vụ tái định cư.

Ngoài ra, trong thời gian chờ UBND TP.HCM phê duyệt ban hành bảng giá đất chung, kiến nghị UBND Thành phố điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 về bảng giá đất, trong đó chỉ thực hiện điều chỉnh, bổ sung cục bộ các vị trí trong bảng giá đất tại khu tái định cư dự án nhằm kịp đưa vào phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để lấy ý kiến người dân trước khi phê duyệt theo quy định.

Trình lại dự án nâng đời cao tốc Cam Lộ - La Sơn trị giá 6.488 tỷ đồng

Bộ Giao thông Vận tải vừa có Tờ trình số 11000/TTr - BGTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Đây là lần thứ hai kể từ tháng 6/2024, Bộ Giao thông Vận tải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn sau khi tiếp thu, hoàn thiện ý kiến của các bộ, ngành địa phương liên quan.

Tại Tờ trình số 11000, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cam Lộ - La Sơn có điểm đầu trùng với điểm cuối Dự án đường bộ cao tốc đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối trùng với điểm đầu Dự án La Sơn - Hòa Liên thuộc địa phận xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chiều dài tuyến khoảng thuộc Dự án là 98,35 km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị dài khoảng 36,3 km; đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế dài khoảng 62,05 km.

Dự án sẽ mở rộng mặt cắt ngang tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ quy mô 2 làn xe lên 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 12m lên 22m, bề rộng mặt đường từ 11m lên 20,5m. Đối với các đoạn đã đầu tư nền đường 23,25m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.

Các công trình cầu trên tuyến sẽ giữ nguyên các cầu đã được đầu tư với quy mô 4 làn; thực hiện mở rộng các cầu còn lại đảm bảo quy mô 4 làn xe, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.

Bên cạnh đó, Dự án còn đầu tư hoàn chỉnh 2 nút giao với Tỉnh lộ 16 và Tỉnh lộ 12B theo hình thức khác mức liên thông, bảo đảm khai thác đồng bộ, an toàn; đầu tư hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra tải trọng xe và trung tâm quản lý điều hành tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Tổng diện tích đất chiếm dụng của Dự án là khoảng 29,05 ha, gồm 0,57 ha đất giao thông; 1,65 ha đất thổ cư; 24,36 ha đất sản xuất nông nghiệp (đất hoa màu); 0,11 ha đất nghĩa trang; 2,36 ha đất hỗn hợp dịch vụ công đô thị và đất dự trữ phát triển.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 6.488 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 5.078 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 84 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 406 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 920 tỷ đồng.

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả đầu tư, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành mở rộng tuyến đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị triển khai dự án theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ xây dựng phương án để thu hồi vốn nhà nước.

Kinh phí đầu tư Dự án được huy động từ nguồn vốn dự phòng chung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2023 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 là 5.488 tỷ đồng; nguồn vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 là 1.000 tỷ đồng.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, Dự án sẽ chuẩn bị đầu tư năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2025.

Cụ thể, thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến vào tháng 10/2024; phê duyệt dự án đầu tư dự kiến tháng 12/2024 19; phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán dự kiến vào tháng 2/2025; lựa chọn nhà thầu và khởi công Dự án dự kiến vào tháng 3/2025, cơ bản hoàn thành Dự án năm 2025 (không bao gồm thời gian bị ảnh hưởng của mưa, lũ).

Tin liên quan
Tin khác