Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+/Getty Images) |
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8/6 đã chính thức phê duyệt Dự án quan trọng vì lợi ích chung của châu Âu (IPCEI) thứ hai về vi điện tử, bao gồm 68 dự án trị giá 21 tỷ euro (khoảng 22,6 tỷ USD).
Đây là dự án kế tiếp sau IPCEI đầu tiên, được thống nhất vào năm 2018, dẫn đến việc mở rộng các nhà máy của hai tập đoàn Infineon và Bosch tại Dresden (Đức) và Áo, cũng như công nghệ quang học in thạch bản dưới 10 nm của tập đoàn Carl Zeiss.
IPCEI này sẽ tập trung vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng, từ cảm biến và bộ vi xử lý đến 5G, ô tô và công nghệ mạng dựa trên graphene, qua đó có thể được tích hợp vào một loạt các ứng dụng và ngành công nghiệp hạ nguồn. Những sản phẩm đầu tiên sẽ được đưa ra thị trường vào năm 2025 nhằm tạo ra khoảng 8.700 việc làm trực tiếp có tay nghề cao.
Theo bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của EC, việc chuyển đổi xanh và kỹ thuật số đòi hỏi các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến. Bà Vestager nhấn mạnh: “Đây là lý do tại sao chúng ta phải tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển và sản xuất chip của chính châu Âu. Chúng ta cần phải là những người tiên phong và phát triển các giải pháp thực sự sáng tạo...".
Liên minh châu Âu (EU) có các công cụ khác để hỗ trợ ngành công nghiệp vi điện tử, đáng chú ý là Đạo luật Chip châu Âu nhằm hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và đổi mới. Điều này giúp lấp đầy khoảng trống từ nghiên cứu đến sản xuất, bằng cách phát triển năng lực thiết kế và dây chuyền thí điểm, đồng thời hợp lý hóa các thủ tục, cho phép xây dựng các nhà máy lắp ráp và nhà máy sản xuất đĩa bán dẫn (wafer).
IPCEI hiện đã được 14 quốc gia thành viên tham gia, bao gồm Áo, Séc, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Italy, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Romania, Slovakia và Tây Ban Nha. Khoản tài trợ công của dự án đã lên đến 8,1 tỷ euro, dự kiến sẽ bổ sung thêm 13,7 tỷ euro từ các nguồn đầu tư tư nhân.
Dự án cũng sẽ tạo ra một hệ sinh thái rộng lớn hơn, cho phép hơn 30 bên liên quan tham gia từ các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và các dự án của công ty trên khắp châu Âu. Na Uy cùng 5 quốc gia thành viên bổ sung - Bỉ, Hungary, Latvia, Bồ Đào Nha và Slovenia - cũng sẽ cấp viện trợ theo quy định Quy định miễn trừ khối chung (GBER) cho hệ sinh thái nói trên.
Ngoài ra, EC cũng đang tích cực hợp tác với các quốc gia thành viên để thiết kế và phát triển thêm 4 dự án IPCEI mới, liên quan đến các các công nghệ quan trọng khác như sức khỏe, điện toán đám mây và hydro.