EU chi 1,66 tỷ USD nhập khẩu 652 nghìn tấn cà phê từ các nhà cung ứng Việt Nam trong năm 2023. |
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong năm 2023, thị trường Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu cà phê từ thế giới (mã HS 0901) đạt 4,05 triệu tấn, trị giá 20,79 tỷ USD, giảm 9% về lượng và giảm 10,2% về trị giá so với năm 2022.
Trong cơ cấu các thị trường nhập khẩu năm qua, EU nhập khẩu cà phê từ thị trường nội khối đạt xấp xỉ 1,31 triệu tấn, trị giá 9,26 tỷ USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 0,1% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, các nguồn cung cà phê truyền thống nội khối EU gồm: Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Pháp.
Nhập khẩu cà phê từ thị trường ngoại khối đạt 2,74 triệu tấn, trị giá 11,53 tỷ USD, giảm 10% về lượng và giảm 17% về trị giá so với năm 2022. Gồm, nguồn cà phê nhập từ Brazil đạt 921,8 nghìn tấn, trị giá gần 3,57 tỷ USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 24% về trị giá so với năm 2022.
Năm qua, EU nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 652 nghìn tấn, trị giá 1,66 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng và giảm 0,02% về trị giá so với năm 2022.
EU nhập khẩu cà phê Việt Nam với giá bình quân 2.356 EUR./tấn.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 14,85% năm 2022 lên 16,08% năm 2023. |
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thế giới tăng từ 14,85% năm 2022 lên 16,08% năm 2023. Tương tự, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của EU từ thị trường ngoại khối tăng từ 21,69% năm 2022 lên 23,75% năm 2023.
Nguyên nhân khiến EU giảm nhập khẩu cà phê là do nền kinh tế suy thoái, lạm phát duy trì ở mức cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu thụ cà phê của người dân châu Âu được dự báo sẽ bùng nổ trong năm nay.
Theo Liên đoàn Cà phê châu Âu, Liên minh châu Âu có mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người cao nhất thế giới, mặc dù mức tiêu thụ tại các thị trường thành viên khác nhau. Quy mô thị trường cà phê châu Âu dự tính đạt 47,88 tỷ USD vào năm 2024 và dự báo sẽ đạt 58,14 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng bình quân 3,96% trong giai đoạn 2024 – 2029.
Cà phê là một trong những thức uống phổ biến nhất ở Tây Âu do đã ăn sâu vào văn hóa và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hàng ngày của người tiêu dùng.
Ngoài ra, nhu cầu về cà phê cũng ngày càng tăng trong khu vực do số lượng quán cà phê mới mở, sự phát triển của các chuỗi cửa hàng cà phê và số lượng người mua máy pha cà phê ngày càng tăng.
Do đó, châu Âu được coi là thị trường tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất cà phê nào cũng muốn khai thác.
Với nhu cầu lớn hàng năm, EU nhập khẩu cà phê từ nguồn cung ngoại khối tập trung chủ yếu từ các thị trường Brazil, Việt Nam, Honduras, Uganda…, trong đó Việt Nam hiện là nguồn cung cà phê ngoại khối lớn thứ hai cho EU, chỉ sau Brazil.
Cà phê Việt sang EU thuận lợi hơn kể từ khi Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 8/2020, giúp ngành cà phê Việt Nam gia tăng giá trị và tiếp tục mở rộng thị phần tại EU.
Đặc biệt, thuận lợi hơn cả với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và các sản phẩm khác của cà phê về mức thuê 0%, tạo điều kiện cho chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao được kim ngạch xuất khẩu.
Xuất khẩu cà phê của nước ta trong năm ngoái đạt sản lượng 1,61 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD. Mặc dù so với năm 2022, sản lượng cà phê xuất khầu giảm 9,6%, nhưng nhờ giá xuất khẩu được cải thiện, nên ngoại tệ mang về tăng 3,1%.
Quý I/2024, xuất khẩu cà phê đạt 800.000 tấn, trị giá gần 1,9 tỷ USD, tăng lần lượt 44,4% và 54,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, niên vụ 2023/2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống 1,6 – 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 1,78 triệu tấn niên vụ 2022/2023.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam năm 2024 dự báo có thể đạt mốc 4,6-5 tỷ USD.