Cụ thể, 6 đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được đánh giá gồm: Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI), Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC), Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) và Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC).
Xếp hạng này diễn ra sau việc nâng mức IDR ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ “BB” lên “BB+” vào ngày 8/12/2023. Fitch cũng đã nâng mức xếp hạng khả năng thanh toán nợ không đảm bảo có ưu tiên trả trước (senior unsecured ratings) của EVN và EVNNPT từ “BB” lên “BB+”.
Xếp hạng của EVN, EVNNPT và 5 tổng công ty điện lực có mối liên kết trực tiếp với chất lượng tín dụng của công ty mẹ. |
Theo Fitch Ratings, xếp hạng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ngang bằng với xếp hạng của quốc gia Việt Nam theo tiêu chí xếp hạng các đơn vị liên quan đến Chính phủ (GRE) của Fitch, phản ánh khả năng hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước.
Hồ sơ tín dụng độc lập (SCP) của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được đánh giá ở mức “BB”. Xếp hạng của EVNNPT phản ánh hồ sơ tín dụng độc lập là “BB+”, ngang bằng với IDR của công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Xếp hạng của 5 tổng công ty điện lực: EVNHANOI, EVNHCMC, EVNSPC, EVNNPC và EVNCPC - được xếp hạng ngang bằng với xếp hạng của công ty mẹ là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, phù hợp với tiêu chí xếp hạng liên kết giữa công ty mẹ và công ty thành viên (PSL) của Fitch.
Fitch đánh giá, động cơ chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc hỗ trợ 5 tổng công ty là “Cao”, dựa trên tính pháp lý “Thấp” và các động cơ chiến lược và vận hành “Cao”. Fitch đánh giá tất cả các hồ sơ tín dụng độc lập của các tổng công ty là “BB”, giống như của EVN.
Xếp hạng của EVN, EVNNPT và 5 tổng công ty điện lực có mối liên kết trực tiếp với chất lượng tín dụng của công ty mẹ. Sự thay đổi trong đánh giá của Fitch về chất lượng tín dụng của công ty mẹ tương ứng sẽ tự động dẫn đến sự thay đổi trong xếp hạng của các tổ chức này.
Trong thời gian qua, EVN và các đơn vị thành viên đã nỗ lực quản lý vận hành, cung ứng điện trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Năm 2023, EVN và các đơn vị đã thực hiện chủ đề năm "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", tiếp tục triển khai chuyển đổi số, đẩy mạnh các giải pháp sản xuất, cung ứng điện, tiết kiệm điện... Tính đến cuối năm 2023, số xã có điện trên cả nước đạt 100% và số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,6%.
Ngoài ra, EVN đã thực hiện quyết liệt hàng loạt biện pháp, đặc biệt áp dụng chuyển đổi số để cải thiện dịch vụ và nâng cao chất lượng cung cấp điện. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.
Từ tháng 1/2022, EVN đã công bố hệ sinh thái số - EVNCONNECT, hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế, sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Trong năm 2023, EVN liên tục giữ vững vị trí Top 3 bộ, ngành dẫn đầu phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cung cấp dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Theo Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI 2022) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 4/2023, điện năng giữ vững vị trí dẫn đầu tại Chỉ số cơ sở hạ tầng trong PCI năm thứ 6 liên tục điện năng.
Tiếp cận điện năng là lĩnh vực ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực nhất, với 62,5% doanh nghiệp đánh giá mức độ chuyển biến ở mức Rất tốt/Tốt.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các doanh nghiệp trong nước, chất lượng điện năng cũng là một trong những điểm sáng trong chất lượng cơ sở hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Lĩnh vực điện năng tiếp tục được 1.300 doanh nghiệp FDI đánh giá cao nhất trong chất lượng cơ sở hạ tầng năm 2022. Chất lượng điện là lĩnh vực tiếp tục nhận được sự đánh giá tích cực của các doanh nghiệp FDI trong nhiều năm qua.