Doanh nghiệp
FPT, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Twitter Beans Coffee chia sẻ cách kinh doanh không gián đoạn
Hà Nguyễn - 22/06/2021 12:02
FPT vừa triển khai chuỗi hành động nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong trên tất cả các khía cạnh, từ kinh doanh, vận hành đến quản trị nhân sự trong bối cảnh Covid-19.

FPT vừa chính thức triển khai chuỗi hành động nhằm tìm kiếm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong trên tất cả các khía cạnh từ kinh doanh, vận hành đến quản trị nhân sự trong bối cảnh Covid-19.

Mục tiêu là để giúp các doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn, giảm thiểu và chủ động ứng phó trước tác động của đại dịch Covid-19.

Chuỗi hành động khởi đầu với Hội thảo trực truyến được tổ chức vào ngày 24/6/2021 với chủ đề “Kinh doanh không gián đoạn - Kinh nghiệm và giải pháp sáng tạo”.

Sự kiện này sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Twitter Beans Coffee…

Đây đều là các doanh nghiệp đang kinh doanh thành công trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, những kinh nghiệm “thực chiến”, những cách làm mới giúp hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh không gián đoạn của các doanh nghiệp này sẽ là kinh nghiệm quý báu cho các doanh nghiệp Việt Nam khác.

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 có thể nói đã tác động khôn lường, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động.

Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây, có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%). 

Trước sức ép từ Covid-19, để tăng sức đề kháng, doanh nghiệp buộc phải chủ động thay đổi tư duy và chiến lược trong cách tiếp cận khách hàng, cân đối dòng tiền, đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên và sự liền mạch của chuỗi cung ứng.

Theo FPT, để có thể thay đổi sâu từ bên trong trên tất cả các khía cạnh trên, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ba “không”: Không bị động - Không gián đoạn - Không chạm.

Trong đó, “Không bị động” là chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động giảm thiểu các tác động của đại dịch và đón đầu, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi của xã hội, thị trường, công nghệ…

“Không gián đoạn” là liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới, nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn; thông suốt trong quản trị, vận hành.

Còn “Không chạm” là tăng cường tương tác đa kênh đảm bảo kết nối không tiếp xúc nhưng liền mạch, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác, cán bộ nhân viên.

“Với kinh nghiệm vượt qua những thách thức và tác động của Covid-19 trong thời gian qua, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nói riêng”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Cũng vì lý do đó, FPT mong muốn bằng chính những kinh nghiệm thực tế và năng lực công nghệ của mình có thể hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động, tốc độ, linh hoạt sẵn sàng cho trận chiến dài hơi với Covid-19, góp phần đảm bảo kinh doanh không gián đoạn.

Theo kế hoạch, FPT sẽ có một lộ trình toàn diện cùng các doanh nghiệp Việt. Ngoài chuỗi hội thảo trực tuyến, FPT còn giới thiệu bộ giải pháp kinh doanh không gián đoạn, do FPT và Base.vn phát triển.

Bên cạnh đó, FPT cũng sẽ triển khai các gói “Trợ lực 0 đồng dành cho doanh nghiệp”, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm các sản phẩm dịch vụ - giải pháp trong “Bộ giải pháp kinh doanh không gián đoạn”.

Thông qua lộ trình đồng hành toàn diện này, FPT kỳ vọng có thể truyền cảm hứng, tạo thêm động lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững hướng đến mô hình doanh nghiệp số, đóng góp cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế

Tin liên quan
Tin khác