Cơ quan, tổ chức được uỷ quyển đã cấp C/O mẫu EUR.1 trị giá 18.7 tỷ USD đi 27 nước EU. |
Chính phủ vừa gửi tới Quốc hội báo cáo về việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu sang thị trường EU.
EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/20219, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 08 tháng 6 năm 2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020.
Số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan bất dịch bệnh diễn biến phức tạp, đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, trong đó xuất khẩu tăng 14,2% so với năm 2020, đạt 40,12 tỷ USD, Việt Nam xuất siêu năm 2021 đạt 23,23 tỷ USD.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa sang hầu hết thị trường lớn trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2020, trừ xuất khẩu sang Pháp, Hungary, Rumani, Litva và Estonia giảm.
8 tháng 2022, xuất khẩu vẫn có mức tăng trưởng khá so với nhiều thị trường có FTA khác, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 42,4 tỷ USD, tăng 14,9% so với 8 tháng năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 32,077 tỷ USD, tăng 24,2%, xuất siêu sang thị trường EU 21,76 tỷ USD tăng 47,4% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản... sang thị trường EU tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm 2021 , trong khi xuất khẩu sắt thép các loại, hạt tiêu, cao su, chè, giấy và các sản phẩm từ giấy có tỷ lệ giảm.
Các doanh nghiệp cũng tăng tận dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O) theo EVFTA để nâng cao cạnh tranh cho hàng hóa. Tính từ 1/8/2020 đến 31/8/2022, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã 18,7 tỷ USD đi 27 nước EU, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Về thị trường, nếu năm 2020, C/O được cấp chủ yếu cho hàng hóa xuất khẩu sang các thị trường có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như: Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. Đến năm 2021 -2022, thị trường nhập khẩu đa dạng hơn, bao gồm toàn bộ các nước EU và tăng mạnh ở các thị trường truyền thống, có dung lượng thị trường lớn. Trong đó, các thị trường có kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O cao là Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, ..
Sau hơn 2 năm rưỡi thực thi EVFTA, giày dép là mặt hàng có trị giá cấp C/O cao nhất. Các mặt hàng có trị giá xuất khẩu đi EU được cấp C/O EUR.1 trên 300 triệu USD gồm: thủy sản, vali túi xách, chất dẻo, hàng dệt may.
Chính phủ đánh giá: "Việc triển khai thực hiện hiệp định EVFTA thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho Việt Nam, giúp ta mở rộng thị trưởng, thiết lập quan hệ đối tác thương mại với nhiều đối tác chưa có quan hệ FTA từ trước và còn dư địa hợp tác lớn (như EU), đưa chất lượng hợp tác kinh tế - thương mại đi vào chiều sâu,thúc đẩy các nỗ lực cải cách trong nước, cải thiện môi trường kinh doanh".
Tuy nhiên, nhìn nhận, phân tích tổng thể, Báo cáo đánh giá: xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác FTA được dự báo chỉ tăng mạnh trong giai đoạn 2019 – 2026 do giai đoạn này hàng hóa của Việt Nam có giá thấp hơn so với trước khi tham gia vào các FTA tại thị trường các nước thành viên.
Khi mức độ cắt giảm thuế quan trong FTA càng cao, nguy cơ các nước gia tăng hàng rào thuế quan và phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) để bảo hộ nền sản xuất trong nước trong thời gian tới thì doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với gia tăng các vụ kiện phòng vệ thương mại, chống trợ cấp, tự vệ, chống bán phá giá từ các nước đối tác, gây cản trở cơ hội tiếp cận và phát triển thị trường. Từ đó, kim ngạch xuất khẩu có nguy cơ giảm trong các giai đoạn tiếp theo.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải thực hiện cam kết miễn giảm thuế sâu theo EVFTA và các FTA khác như CPTPP, UKVFTA, RCEP, tuy nhiên hàng rào kỹ thuật của nước ta còn ít, chưa hiệu quả, chưa bảo vệ được nền sản xuất trong nước.