Ngân hàng
Gần 60.000 tỷ đồng nợ xấu đã được đưa lên sàn giao dịch nợ
Thùy Liên - 18/01/2024 17:09
Sau hơn 2 năm hoạt động, Sàn giao dịch nợ vẫn chưa thể trở thành một “chợ” giao dịch nợ xấu sôi động.

Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, luỹ kế từ khi thành lập đến 31/12/2023, Sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng ký thành viên và cấp user truy cập website cho 216 khách hàng; ký kết 21 hợp đồng nguyên tắc môi giới bán khoản nợ xấu, tài sản đảm bảo.

Hơn hai năm qua, Sàn giao dịch đã đăng tải thông tin các khoản nợ của các tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng giá trị là 59.831 tỷ đồng; đăng thông tin tài sản đảm bảo của các TCTD trên website của Sàn giao dịch nợ với tổng giá trị là 1.829 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ còn khá khiêm tốn, đến nay, Sàn mới giúp các TCTD xử lý thành công 333 khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị 1.061 tỷ đồng.

VAMC cũng cho hay, năm 2023, kết quả mua nợ theo giá trị thị trường của VAMC không đạt kế hoạch NHNN giao. 

Về nguyên nhân khách quan, theo các quy định hiện hành, VAMC chỉ được đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu mà VAMC đã mua của các TCTD bao gồm khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường và mua bằng trái phiếu đặc biệt dẫn tới hạn chế đối tượng đấu giá, phạm vi hoạt động đấu giá của VAMC.  

Hơn nữa, phần lớn khách hàng được VAMC mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt đã ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không có khả năng phục hồi, không hợp tác, thậm chí liên quan đến các vụ án, đang chấp hành hình phạt ...; tài sản đảm bảo của các khoản nợ xuống cấp, thanh khoản kém...  

Năm 2024, VAMC cho biết sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm, khai thác danh sách các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, triển khai làm việc với các TCTD và đối tác, lựa chọn các khoản nợ có tính khả thi trong việc xử lý sau khi mua để thực hiện mua khoản nợ theo giá trị thị trường. Song song với đó VAMC tập trung rà soát, đánh giá thực trạng và phân loại khách hàng, khoản nợ/tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có phương án xử lý nợ phù hợp…

Đặc biệt, VAMC chú trọng việc xây dựng danh mục các tài sản đảm bảo là dự án bất động sản đáp ứng các điều kiện để chào bán tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Tiếp tục triển khai bán đấu giá/chào giá cạnh tranh/bán thỏa thuận các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ…

Đối với nhóm giải pháp tạo lập thị trường mua bán nợ xấu trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm của thị trường, VAMC thực hiện hiệu quả hoạt động mua, bán, xử lý nợ mua theo giá trị thị trường nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu; Xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/ tài sản đảm bảo; đẩy mạnh hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC nhằm quản lý, khai thác thông tin về khoản nợ/ tài sản đảm bảo; Chủ động tìm kiếm và mở rộng đối tác, các nhà đầu tư để thực hiện tư vấn, môi giới mua, bán nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ trên cơ sở danh mục nợ xấu đã được phân loại…  

Năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn nhất là trong hoạt động mua, bán, xử lý nợ xấ, vì vậy, lãnh đạo VAMC kiến nghị Chính phủ, NHNN và các Bộ, ngành có liên quan tăng cường nguồn lực cho VAMC về cả vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý TSBĐ, khoản nợ, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cho hoạt động mua, bán và xử lý nợ của VAMC cũng như các TCTD.  

Lãnh đạo VAMC cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC theo hướng không chỉ đấu giá nợ xấu/ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu VAMC mua nợ từ TPĐB, mua theo giá trị thị trường mà còn khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ của các TCTD lựa chọn bán đấu giá qua VAMC.

Tin liên quan
Tin khác