Làm dễ, họa nhiều
Chị P.H.D (20 tuổi, quận Bình Thạnh) sưng đỏ tai, chảy mủ vàng, sốt sau xỏ khuyên, được chẩn đoán nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai.
Chị D. từng xỏ 2 khuyên ở dái tai, đợt này chị xỏ thêm 1 khuyên ở vành tai. Sau 2 ngày xỏ khuyên, chị D. đau rát vành tai, nhưng nghĩ rằng đây là phản ứng bình thường sau thủ thuật.
Bác sỹ đang giải thích cấu trúc giải phẫu tai cho một người bệnh. |
Sau 1 tuần, chị tự tìm nhiều cách chăm sóc vùng xỏ khuyên, nhưng tình trạng đau nhức vùng tai không giảm, thêm triệu chứng sưng đỏ, mưng mủ, nóng, đỏ, rát vị trí xỏ khuyên. Chị D. đến cơ sở y tế khám.
Khai thác tiền sử, thăm khám, nội soi tai mũi họng, các bác sỹ cho biết, bệnh nhân bị nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai, kê đơn thuốc kháng sinh, kháng viêm để điều trị, kèm sát khuẩn tại chỗ.
Với thói quen xăm mình mà nhiều người đang lựa chọn, theo các bác sỹ, xăm thì dễ nhưng khi muốn xóa đi lại gặp vô vàn khó khăn, nguy cơ tới sức khỏe. Anh L.V.B. (32 tuổi, quê Bình Thuận) có hình xăm đầu tiên 5 năm trước, khi đi xuất khẩu lao động ở châu Phi.
Nhớ nhà và muốn tạo động lực làm việc, anh xăm chân dung cha mẹ kín lưng. Sau đó công việc không thuận lợi, được bạn bè tư vấn, anh xăm thêm hình rồng vờn mây bằng mực đen dọc cánh tay trái để đổi vận.
Chưa đổi vận anh đã bị cha mẹ chửi mắng, suýt từ mặt khi phát hiện người con trai độc đinh xăm trổ. Cha mẹ anh buồn phiền vì sinh con ra trắng trẻo, lành lặn, cố gắng giữ cho con không một vết sẹo trên người, giờ con lại vẽ lên người mực xanh, mực đỏ. Ở quê B., phần lớn những người xăm mình hay bị định kiến là người xấu.
Khi đón con ở trường, đi chợ, đi chơi,… anh thường xuyên nhận được những ánh nhìn không mấy thiện cảm. Nỗi buồn trở thành hối hận khi con gái đầu lòng không muốn đi học mẫu giáo vì bị các bạn tẩy chay, nói bố con anh là người xấu. Anh cũng không thể xin việc trong nhà máy gần nhà, dù đúng chuyên môn vì “luật bất thành văn” không nhận người xăm trổ của chủ đầu tư.
Anh B. hối hận, muốn xóa hình xăm nhưng chuyện này không đơn giản. Một thẩm mỹ viện báo chi phí 60 triệu đồng xóa xăm riêng cánh tay, gấp 6 lần phí xăm con rồng, song không đảm bảo sạch mực tuyệt đối.
Anh B. từng xóa xăm một lần, quá trình chiếu tia laser quá đau đớn, gây bỏng rộp, viêm da. Cùng lúc gặp khó khăn về kinh tế, anh B. tạm bỏ cuộc, chấp nhận mặc áo dài tay khi ra ngoài.
Còn H.L.Q.K. (17 tuổi, Đồng Nai) thì sau khi xăm hình, hối hận không có cách nào ngoài việc mỗi tháng đến bệnh viện một lần để tìm lại màu da bình thường.
Nửa năm trước, K. lén đi xăm hình hổ trên lưng, bắt chước thần tượng. Không ngờ thợ xăm “non tay”, trải qua 6 tiếng đi mực đau đớn chảy nước mắt, K. nhận lại hình con hổ xấu xí, nguệch ngoạc, nhiễm trùng da trải dài từ bả vai đến thắt lưng.
K. buộc phải nói với bố mẹ để tới bệnh viện điều trị nhiễm trùng. Đợi ba tháng cho vết thương lành hẳn và màu mực đã ổn định, phụ huynh dẫn K. đi xóa xăm tại một cơ sở y tế đa khoa trên địa bàn TP.HCM.
Hối hận muộn màng
Theo các bác sỹ, nhiễm trùng sau xỏ khuyên thường gặp ở một số bạn trẻ, xỏ nhiều khuyên ở dái tai, vành tai. Xỏ khuyên vốn là cách làm đẹp khá phổ biến.
Trước đây, vị trí xỏ thường là dái tai (vị trí này không có sụn, ít khi có biến chứng) nhưng hiện nay, nhiều người trẻ thường thích xỏ khuyên ở nhiều vị trí liên quan đến sụn vành tai. Dái tai có mô mềm và mỡ, sự lưu thông máu mạnh nên xỏ khuyên ở vị trí này lành nhanh chóng, ít nhiễm trùng.
Vùng vành tai, sụn tai có mô dày, cứng và lưu thông máu ít hơn. Lỗ xỏ ở những vị trí này sẽ mất nhiều thời gian hơn để lành. Nhiễm trùng sụn tai có thể gây ra các vấn đề phức tạp hơn ngoài sốt, chảy máu và sưng tấy như nhiễm trùng toàn thân, ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên tai như: vị trí xỏ khuyên không được khử trùng đúng cách; dụng cụ xỏ hoặc khuyên tai không được tiệt trùng; không vệ sinh lỗ xỏ cẩn thận sau khi xỏ hoặc do chạm vào vết xỏ nhiều lần mà tay không được vệ sinh sạch sẽ.
Một số triệu chứng của nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên như: sốt, chảy mủ, đỏ, sưng, ngứa, rát… Nếu nhiễm trùng (sụn tai, vành tai, dái tai…) không được điều trị kịp thời có thể gây áp xe, nhiễm trùng lan rộng gây viêm mô tế bào, viêm tai ngoài mạn tính, suy giảm thính lực…
Ths.Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khuyến cáo, khi có nhu cầu, người dân nên lựa chọn cơ sở xỏ khuyên tai có kinh nghiệm, uy tín và đảm bảo vệ sinh. Sau khi xỏ khuyên tai, cần rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước khi chạm vào vùng xỏ khuyên, sử dụng tăm bông được thấm ướt với nước muối sinh lý để làm sạch vùng xỏ khuyên tai 2 lần/ngày.
Giữ yên khuyên tai cho đến khi vết thương lành hoàn toàn, quá trình này có thể mất đến 6 tuần. Tránh bơi lội ở bể bơi, ao, hồ, sông, suối… hay kể cả tắm bồn khi mới xỏ khuyên. Không nên tự ý bôi bất kì loại thuốc nào lên lỗ xỏ khi chưa hỏi ý kiến của bác sĩ.
Nếu các triệu chứng viêm loét lỗ xỏ, chảy máu liên tục sau 2 ngày xỏ khuyên, sưng đỏ vùng xỏ khuyên và lan rộng, sốt cao, mủ vàng chảy liên tục… cần đến khám với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được hướng dẫn điều trị, hạn chế biến chứng.
Về hành trình gian nan để xóa xăm theo bác sỹ Quách Thị Bích Vân, chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, số ca xóa xăm tại đây có xu hướng tăng dần.
Hiện trung bình mỗi tháng, bệnh viện và phòng khám tiếp nhận khoảng 130-150 lượt xóa xăm, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và 2/3 khách là nam giới.
Một nghiên cứu đăng trên Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, có quy mô 1.100 người lớn ở Mỹ có hình xăm tham gia, cho thấy 18,2% hối hận về một hoặc nhiều hình xăm của họ và những người hối hận đã xăm hình lâu hơn. Ngoài ra, 52,1% quan tâm đến việc xóa, che hoặc sửa lại một hoặc nhiều hình xăm. Hiện, Việt Nam chưa có khảo sát nào ghi nhận tỷ lệ này.
Theo bác sỹ Vân, điểm chung của những người đi xóa hình xăm là cùng độ tuổi 15-35. Những hình hay được xóa nhất là hình có kích thước lớn, xấu, cũ, vỡ nét, phai màu; hình xăm đôi, tên hoặc chân dung người yêu cũ; hình xăm ghê rợn, kỳ quái, có ý nghĩa tiêu cực; hình ở vị trí khó che chắn như mặt cổ, gáy, tay, bàn chân hoặc xăm lông mày, mi mắt…
“Nguyên nhân xóa xăm nhiều nhất là do hối hận, lo lắng khi hình xăm ảnh hưởng tới công việc, học tập, các mối quan hệ hoặc không còn phù hợp với hiện tại”, bác sỹ Vân nói.
Tuy nhiên, việc xóa xăm phức tạp hơn rất nhiều so với xăm hình. Theo đó, thợ xăm chỉ mất vài chục phút để hoàn thiện một hình xăm nhỏ, đơn giản hoặc vài ngày cho hình lớn, nhiều màu, nhiều hiệu ứng. Nếu giảm đau tốt thì có thể thao tác liên tục, giảm thời gian thực hiện và có thể xăm hình ở bất kỳ đâu miễn là có dụng cụ xăm.
Ngược lại, muốn xóa hình xăm nhanh, đạt hiệu quả ngay thì chỉ có một phương pháp là phẫu thuật cắt bỏ vùng da này. Đây là can thiệp y tế lớn, bắt buộc phải đến cơ sở y tế được cấp phép, có thể phải gây mê, gây tê. Phương pháp này dù thực hiện bởi bác sỹ vẫn tiềm ẩn rủi ro nhiễm trùng, sẹo xấu sau phẫu thuật.
Xóa xăm bằng công nghệ laser pico được đánh giá an toàn cao, khi tác động chính xác đến sắc tố mục tiêu mà ít gây tổn thương mô xung quanh, hiệu quả cao, ít làm tăng sắc tố sau viêm. Song phương pháp này cần nhiều tháng, nhiều năm và chi phí điều trị tương đối cao.
Mỗi lần xóa xăm bằng laser cần cách nhau trung bình 4 tuần để da có thời gian hồi phục, các hạt mực xăm được bạch cầu thu gom và đào thải ra ngoài.
Việc sử dụng năng lượng laser tác động lên hình xăm cũng có một số phản ứng đi kèm nhất định tại vùng da điều trị. Do đó, trong một lần chiếu tia, không thể tác động trên vùng diện tích quá lớn, bác sĩ Vân cho biết thêm.
Những hình xăm lớn, phức tạp với nhiều màu sắc, mực đi sâu vào lớp bì khó xóa khỏi da hơn. Hình xăm nhiều màu cần phải phối hợp nhiều loại laser hoặc nhiều phương pháp xóa xăm khác, như tái tạo da bằng hoá chất (peel), mài mòn da.
Mực xăm loại cũ, tự pha chế đáp ứng tốt hơn với điều trị laser. Mực chuyên nghiệp bền màu, có màu vàng, đỏ, xanh cần kết hợp nhiều loại laser có bước sóng khác nhau và cần điều trị nhiều lần.
Rất khó để hình xăm biến mất 100% hay trở về màu da bình thường. Khả năng đáp ứng điều trị nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều vào thành phần mực xăm, độ sâu của mực trong da, cơ địa của người bệnh.
Các bác sỹ khuyến cáo, khi có nhu cầu xóa xăm nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu, để được khám trực tiếp và tư vấn liệu trình điều trị cụ thể, hướng dẫn chăm sóc trong và sau điều trị nhằm giảm biến chứng và đạt hiệu quả tốt nhất.