Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 3/11: Thần tốc cứu sống ca bệnh đột quỵ
D.Ngân - 03/11/2024 09:43
Vừa qua, Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu tại số 366 Tỉnh lộ 10 (Q. Bình Tân, TP.HCM) đã cấp cứu thần tốc cứu sống bệnh nhân đột quỵ.

Bác sỹ tại trung tâm tiêm chủng cấp cứu thần tốc ca đột quỵ

Theo đó, vào sáng ngày 30/10, ông P.V.T, 62 tuổi, gặp tình trạng nguy kịch và đột ngột té ngã khi đang di chuyển trên đường. Gia đình định đưa ông về nhà, nhưng ông T. đã yêu cầu được chuyển tới Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu gần đó để nhận sự trợ giúp y tế

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM chúc mừng đội ngũ nhân viên y tế tại FPT Long Châu.

Ngay khi tiếp nhận trường hợp của ông T., Bác sỹ Ngô Trần Nhật Giang tại hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu, số 366 Tỉnh Lộ 10 đã đánh giá tình trạng khẩn cấp, nghi ngờ ông đang gặp cơn nhồi máu cơ tim.

Trong giây phút quyết định, bác sỹ Giang nhanh chóng phối hợp cùng đội ngũ điều dưỡng, sử dụng thuốc aspirin và clopidogrel nghiền nhỏ, đút ông T. uống nhằm giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Trung tâm cũng gấp rút gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Ông T. sau đó được chẩn đoán chính xác nhồi máu cơ tim, được can thiệp đặt stent và hiện đã vượt qua cơn nguy kịch.

Sáng ngày 1/11, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám sát kinh doanh khu vực của FPT Long Châu cùng Bác sỹ Giang đã đến bệnh viện thăm hỏi tình trạng sức khỏe, động viên ông T. trong quá trình hồi phục.

Không chỉ riêng trường hợp này, trước đó, vào ngày 11/10/2024, Hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu, tại số 441 Ngô Quyền, Sơn Trà, Đà Nẵng cũng đã cấp cứu thành công một em bé bị hóc kẹo khi đang trên đường tan học về. Bé được ba mẹ đưa vào trung tâm trong tình trạng khó thở và hô hấp kém.

Bác sỹ An tại hệ thống đã ngay lập tức làm nghiệm pháp Heimlich để cấp cứu cho bé. Được biết, đây là phương pháp được sử dụng khi tắc nghẽn đường thở nặng và đe dọa tính mạng do dị vật hoặc do thức ăn.

Sau quá trình cấp cứu, vật thể đã được đưa ra ngoài, bé hô hấp bình thường trở lại. Khi tình hình sức khỏe bé ổn định, gia đình đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến bác sỹ An vì sự cứu giúp kịp thời. 

Ngày 6/7/2024, bác sỹ Trần Thị Như Quỳnh, Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngân Chi cùng các nhân viên của hệ thống nhà thuốc và tiêm chủng FPT Long Châu tại địa chỉ số 203 đường 3/2 (Quận 10) cũng vinh dự được Sở Y tế TP.HCM tuyên dương, khi đã phản ứng nhanh chóng, kịp thời cấp cứu và cứu sống một phụ nữ bị sốc phản vệ tại hiện trường do ngộ độc thuốc gây tê sau thủ thuật thẩm mỹ. 

Đề xuất tiêu chí phân loại thuốc không kê đơn

Tại dự thảo Thông tư quy định việc đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Bộ Y tế đề xuất tiêu chí phân loại thuốc không kê đơn.

Theo quy định hiện đang được áp dụng tại Thông tư 07/2017/TT-BYT ban hành Danh mục thuốc không kê đơn, thuốc được xem xét lựa chọn vào Danh mục thuốc không kê đơn khi đáp ứng 8 tiêu chí sau đây:

Thuốc có độc tính thấp, trong quá trình bảo quản và khi vào trong cơ thể người không tạo ra các sản phẩm phân hủy có độc tính, không có những phản ứng có hại nghiêm trọng đã được biết hoặc được Tổ chức Y tế thế giới cơ quan quản lý có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài khuyến cáo có phản ứng có hại dẫn đến một trong những hậu quả sau đây: Tử vong; đe dọa tính mạng; buộc người bệnh phải nhập viện để điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh;

Để lại di chứng nặng nề hoặc vĩnh viễn cho người bệnh; gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi; bất kỳ phản ứng có hại khác gây hậu quả nghiêm trọng về mặt lâm sàng cho người bệnh do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đánh giá, nhận định.

Thuốc có phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi, ít có ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị các bệnh cần theo dõi lâm sàng.

Thuốc được chỉ định trong điều trị các bệnh không phải là bệnh nghiêm trọng và người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự kê đơn và theo dõi của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đường dùng, dạng thuốc đơn giản mà người sử dụng có thể tự dùng (chủ yếu là đường uống, dùng ngoài da) với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị.

Thuốc ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng. Thuốc ít có khả năng gây tình trạng lệ thuộc.

Thuốc ít có nguy cơ bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng. Thuốc đã có thời gian lưu hành tại Việt Nam tối thiểu từ 5 năm trở lên.

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất, thuốc được phân loại là thuốc không kê đơn phải đáp ứng tất cả 5 tiêu chí sau đây:

Thuốc phải được chứng minh là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các bệnh; có độ an toàn rộng để an toàn cho sức khỏe người sử dụng; có độc tính thấp, trong quá trình bảo quản và khi vào trong cơ thể người không tạo ra các sản phẩm phân hủy có độc tính;

không gây độc tính liên quan đến sinh sản, độc tính di truyền hoặc gây ung thư không có tác dụng không mong muốn cần có sự giám sát, theo dõi của thầy thuốc và không có tương tác với các thuốc thường dùng hoặc các thực phẩm mà có thể dẫn đến các phản ứng bất lợi nghiêm trọng.

Thuốc được chỉ định trong điều trị ngắn hạn đối với các bệnh không phải là bệnh nghiêm trọng mà người bệnh có thể tự điều trị, không nhất thiết phải có sự kê đơn và theo dõi của nhân viên y tế.

Thuốc ít có khả năng gây tình trạng lệ thuộc; ít có nguy cơ bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích làm ảnh hưởng đến sự an toàn của người sử dụng; không làm che giấu các bệnh nghiêm trọng dẫn đến chậm trễ trong việc chẩn đoán và điều trị.

Thuốc phải có dạng bào chế và đường dùng đơn giản mà người sử dụng có thể tự dùng mà không cần sự hỗ trợ kỹ thuật hoặc hướng dẫn của nhân viên y tế (như dạng uống hoặc bôi ngoài da); không có yêu cầu đặc biệt về điều kiện bảo quản, xử lý thuốc trước và sau khi sử dụng thuốc; có nhãn rõ ràng, cung cấp hướng dẫn sử dụng đầy đủ thông tin về cảnh báo, thận trọng và các thông tin giúp người sử dụng đưa ra quyết định về việc sử dụng thuốc.

Trong thành phần không chứa dược liệu thuộc Danh mục dược liệu độc do Bộ Y tế ban hành đối với thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền không kê đơn.

Nguy cơ dịch bệnh mới nổi

Tại Hội nghị Khoa học toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS, các chuyên gia đã cảnh báo về nỗi lo dịch bệnh mới nổi.

Các bệnh mới nổi là những bệnh chúng ta không dự đoán được. Nó có thể là những bệnh không có gì đặc biệt nhưng cũng có thể là bệnh gây đại dịch. Do đó phải giám sát sớm để xem nó có nguy cơ gây ra đại dịch lớn hay không. Nếu có nguy cơ đó phải nỗ lực kiểm soát để tránh gây ra thiệt hại vô cùng to lớn.

Một nguy cơ khác, theo chuyên gia này, các bệnh lý trước đây đã tồn tại chúng ta kiểm soát tốt nhưng sau đó lại buông lơi thì có thể bùng phát lên gọi là bệnh tái nổi. Ví dụ như bạch hầu, ho gà, uốn ván trước đây tiêm chủng tốt thì số người bị bệnh ít. Khi tiêm chủng không đảm bảo thì bùng phát ở các địa phương.

Ở vụ dịch vừa qua một số địa phương ghi nhận sự bùng phát ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh. Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu kiểm soát tiêm vắc-xin không tốt có thể đe dọa bùng phát các bệnh nguy hiểm hơn như bại liệt.

Ngoài ra, một số bệnh trước đây chưa có, mà sau đó đã phát hiện ở Việt Nam cũng rất đáng lưu tâm. Ví dụ các bệnh lý do nấm, ký sinh trùng. Khi có nguồn lực tốt hơn, ta phải nghiên cứu để kiểm soát nó.

Sự thay đổi của môi trường sống, điều kiện kinh tế xã hội cũng tạo điều kiện cho nhiều loại ký sinh trùng có cơ hội bùng phát. Điển hình là bệnh giun đũa chó mèo lây truyền từ thú cưng sang con người gần đây đã gia tăng lên nhiều.

Theo đó, chó mèo mang nhiều loại ký sinh trùng. Nếu khi nuôi không được tẩy giun thường xuyên, trứng của ký sinh trùng có thể vương vãi gây ô nhiễm môi trường. Trứng khi bám vào lông vật nuôi sau đó chúng ta vuốt ve và không vệ sinh tốt thì rất dễ lây nhiễm.

Bên cạnh đó, các loại ký sinh trùng như rận, bọ, ve trên vật nuôi bản chất cũng đã mang nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm lên con người.

Một hành vi khác của người dân làm tăng nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng, được BS Cấp cảnh báo, là thói quen ăn các món không được nấu chín (nộm, tái, gỏi). Nếu được chế biến từ các loại thịt, rau mang ký sinh trùng thì nguy cơ lây nhiễm vào người là rất cao.

Ngoài ra, việc quản lý chất thải không tốt (duy trì nhà vệ sinh thải xuống nước, đất hoang) cũng làm tăng nguy cơ phát tán các loại ký sinh trùng.

Tin liên quan
Tin khác