Y tế - Sức khỏe
Hậu quả khôn lường khi ham làm đẹp với giá rẻ
Dương Ngân - 26/10/2024 22:56
Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng tai biến thẩm mỹ vẫn diễn ra phổ biến. Việc hiểu rõ nguyên nhân, hệ lụy và áp dụng các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe người sử dụng dịch vụ này.
Các bác sỹ khoa Vi phẫu và Tái tạo (Bệnh viện Bỏng quốc gia) phẫu thuật cho bệnh nhân bị tai biến do làm thẩm mỹ

Lỗi cả khách quan và chủ quan

Thời gian gần đây, các cơ sở y tế ghi nhận nhiều trường hợp tai biến do thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ ở những spa “chui”, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo trên mạng để rồi “tiền mất, tật mang”.

Mới đây, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân nữ 35 tuổi, bị hoại tử vùng bụng, có nhiều ổ dịch trong bụng. Theo lời kể của bệnh nhân, đầu tháng 7, bệnh nhân đi làm phẫu thuật hút mỡ tạo hình thành bụng tại một cơ sở y tế. Sau phẫu thuật được ít ngày, bệnh nhân thấy đau xung quanh vết mổ, một số vùng da bị thâm đen.

Quá trình thăm khám, các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận thấy toàn bộ da vùng bụng và rốn của bệnh nhân bị hoại tử đen, chảy nhiều dịch mủ. Chẩn đoán biến chứng và nhiễm trùng sau hút mỡ tạo hình thành bụng.

Một ca tai biến khác là trường hợp chị N.N.V (42 tuổi, ở Thái Nguyên). Sau hơn 2 tháng thực hiện phẫu thuật nâng ngực bằng mỡ tự thân, chị N.N.V đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám trong tình trạng đau, sưng nề, mưng mủ trầm trọng hai bên ngực.

Bộ Y tế cần bổ sung quy định trong việc kiểm soát chặt các sản phẩm được sử dụng trong lĩnh vực thẩm mỹ (bao gồm thuốc, vật tư, thiết bị y tế). Tạo lập dữ liệu số trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực thẩm mỹ; triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, bệnh viện đa khoa có khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ nội khoa và các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; tạo dựng cơ sở dữ liệu trong công tác quản lý hành nghề thẩm mỹ...

Kết quả siêu âm và chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân cho thấy hình ảnh các ổ dịch viêm, áp xe rải rác tuyến vú. Bệnh nhân được chọc dịch ổ áp xe lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, kết quả dương tính với vi khuẩn Mycobacterium fortuitum (NTM). Bác sỹ xác định, chị V. nhiễm trùng da mô mềm do NTM.

GS-TS. Trần Thiết Sơn, Chủ tịch Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hà Nội cho biết, biến chứng trong làm đẹp là điều dễ gặp khi những kỹ thuật làm đẹp không được thực hiện bởi các bác sỹ được đào tạo chuyên nghiệp, không được thực hiện tại cơ sở được cấp phép. Những tai biến này làm xấu đi hình ảnh của ngành thẩm mỹ.

“Bất kỳ can thiệp nào cũng đều chứa đựng rủi ro. Trong phẫu thuật thẩm mỹ, biến chứng thường gặp là nhiễm trùng, dị dạng, biến dạng ở vị trí thẩm mỹ, thậm chí tử vong”, ông Sơn nói.

Theo thống kê của Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, tỷ lệ ca xảy ra biến chứng là 14%, tương đương 25.000 - 35.000 ca trên tổng số khoảng 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ hàng năm.

Còn tại Trung tâm Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Tái tạo (Bệnh viện Bỏng quốc gia), TS. Tống Hải, Chủ nhiệm khoa Vi phẫu và Tái tạo cho biết, thời gian qua ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến điều trị sau khi gặp tai biến thẩm mỹ.

Các bệnh nhân thuộc 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất là những trường hợp sử dụng dịch vụ bởi các bác sỹ “tay ngang”, hoặc bác sỹ còn ít kinh nghiệm, không tầm soát những biến chứng.

Nhóm thứ hai là các trường hợp thực hiện thẩm mỹ tại spa, không phải là phòng khám, nhân viên không phải là bác sỹ. Nhóm này thường để lại di chứng khó có thể khắc phục.

Ngoài các rủi ro chung của phẫu thuật, theo bác sỹ Hải, các biến chứng liên quan đến gây mê là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong phẫu thuật thẩm mỹ. Nguy cơ tuy rất nhỏ, nhưng vẫn có và đó là lý do vì sao bệnh nhân cần lựa chọn các cơ sở uy tín để thực hiện thẩm mỹ.

Hãy là “người tiêu dùng thông thái”

Làm đẹp là nhu cầu của rất nhiều người. Các chuyên gia khuyến cáo, người có nhu cầu thẩm mỹ hãy là “người tiêu dùng thông thái”. Theo đó, không nên ham rẻ, tìm đến những địa chỉ không phải là cơ sở y tế, mà phải tìm đến phòng khám, trung tâm chuyên khoa thẩm mỹ được cấp phép, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc bệnh viện đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ - nơi có đội ngũ bác sỹ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại. Những cơ sở này đều tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn, đội ngũ bác sỹ chuyên nghiệp và có khả năng xử lý các biến chứng nếu xảy ra.

Người có nhu cầu thẩm mỹ nên tham khảo ý kiến từ bác sỹ chuyên khoa thẩm mỹ. Bác sỹ sẽ tư vấn về các phương pháp, nguy cơ rủi ro có thể xảy ra và giúp xác định phương pháp nào là phù hợp nhất với nhu cầu và tình trạng sức khỏe của từng người.

Đồng thời, tìm hiểu về các thuốc, hóa chất, vật liệu cấy ghép khi đưa vào cơ thể có tác dụng chính là gì, tác dụng phụ không mong muốn, nguy cơ và biến chứng...

Bác sỹ Tống Hải khuyến cáo, những người mắc các bệnh mãn tính nan y như suy tim, suy thận, xơ gan; mắc các bệnh máu (bạch cầu tủy cấp - mãn), thiếu máu kéo dài, đái tháo đường khó kiểm soát, rối loạn đông máu (duy trì thuốc liên tục); mắc các bệnh hệ thống đang trong thời kỳ tiến triển… thì không nên phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài ra, người không ổn định về tâm lý, rối loạn trầm cảm lo âu, tâm thần phân liệt hoặc phụ thuộc vào các chất kích thích kéo dài cũng chống chỉ định với phẫu thuật thẩm mỹ.

Trước những sai phạm và sự cố y khoa liên quan đến thẩm mỹ, ngành y tế kiến nghị một số giải pháp. Trước hết, siết chặt quản lý, đảm bảo tuân thủ nghiêm những quy định trong hành nghề thẩm mỹ, cả về giấy phép hành nghề chuyên khoa thẩm mỹ và thẩm định cho phép một cơ sở y tế cung ứng dịch vụ thẩm mỹ.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông; công khai, minh bạch thông tin các cơ sở thẩm mỹ vi phạm pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ.

Chuẩn hóa các hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật của chuyên khoa thẩm mỹ, trong khi chờ Bộ Y tế ban hành các hướng dẫn quy trình kỹ thuật, các sở y tế cần huy động các chuyên gia đầu ngành biên soạn hướng dẫn, phổ biến, tập huấn, giám sát, kiểm tra sự tuân thủ của tất cả phòng khám thẩm mỹ.

Tin liên quan
Tin khác