Hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến là một điểm sáng của nền kinh tế trong 9 tháng qua |
Nền kinh tế đã thoát khỏi “điểm đáy”
Tổng cục Thống kê, vào cuối tuần trước, đã công bố, tăng trưởng GDP quý III/2023 ước đạt 5,33%. Con số này không đạt kỳ vọng và chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (3% và -6,03%), nhưng bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, xu hướng là “tích cực”, khi tốc độ tăng trưởng này đã cao hơn mức tăng trưởng 3,28% của quý I và 4,05% của quý II/2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2023, cũng nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã phục hồi tích cực, quý sau cao hơn quý trước, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp.
Hơn thế, điều đáng mừng là, ngoài khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế, thì khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng tích cực, quý III tăng 5,19%, trong khi quý I giảm 0,4%, quý II chỉ tăng 2,1%. “Điểm đáy” của những khó khăn dường như đã được vượt qua.
“Các địa phương đầu tàu cũng có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tăng trưởng GDP quý III/2023 không như kỳ vọng, nhưng đã phục hồi tích cực khi quý sau cao hơn quý trước, từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thanh. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Một trong những địa phương phục hồi khá mạnh mẽ có thể kể đến là TP.HCM. GRDP quý III/2023 của đầu tàu kinh tế này đã tăng 6,71% so với cùng kỳ năm ngoái, đưa tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt 4,57%. Trong khi đó, quý III, GRDP của Hà Nội tăng 6,49%, còn 9 tháng tăng 6,08%. Các con số tương ứng ở Bình Dương là 7,51% và 4,49%; ở Đồng Nai là 6,4% và 5,03%. Đáng chú ý, Hải Phòng tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, quý III là 10,48%, còn 9 tháng là 10,08%. Quảng Ninh cũng tương tự, đạt mức tăng tương ứng 10,64% và 9,88%…
Ngoài tăng trưởng GDP tích cực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các điểm sáng khác của nền kinh tế trong 9 tháng qua còn là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Việc giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về con số tương đối (46,7%) và số tuyệt đối (cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng) cũng đã tác động tích cực đến nền kinh tế.
Một vài chỉ số khác có thể lấy làm dẫn chứng để chứng minh xu thế tích cực hơn của nền kinh tế. Đó là khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm (8 triệu lượt khách); giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III đã tăng 4,57% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,61% (trong khi quý I giảm 0,49%, quý II tăng 0,6%).
“Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Kịch bản nào cho tăng trưởng quý IV?
Dù những tín hiệu tích cực hơn của nền kinh tế đã được chỉ ra, nhưng thực tế, những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro phía trước còn rất lớn. Áp lực cho nền kinh tế, có thể nói, đang khá nặng nề. Lý do là, với tốc độ tăng trưởng 5,33% của quý III, tăng trưởng GDP của 9 tháng chỉ đạt 4,24%. “Con số này chưa đạt mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.
Thực tế, theo kịch bản đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, thì tăng trưởng GDP 9 tháng phải đạt mức 6,3%. Còn theo kịch bản đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật hồi đầu tháng 7/2023, muốn tăng trưởng GDP cả năm đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%; quý IV đạt 9%. Trong khi đó, với kịch bản tăng trưởng 6,5%, thì quý III phải đạt mức tăng trưởng 7,4%, còn quý IV là 10,3%.
Nhưng những diễn biến trong thực tại của nền kinh tế đã không đi theo bất cứ kịch bản nào. Tăng trưởng GDP quý III chỉ đạt 5,33%, còn cách xa những con số được đặt ra trong hai kịch bản được cập nhật. Khó khăn đã lớn hơn dự báo. Bởi thế, ở thời điểm này, câu hỏi được đặt ra là, nền kinh tế sẽ đi theo hướng nào? Liệu tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở mức bao nhiêu?
Câu trả lời có lẽ liên quan đến kịch bản tăng trưởng GDP quý IV và cả năm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cập nhật, dựa trên kết quả của 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp…
Lần này không phải là hai, mà là ba kịch bản đã được đặt ra. Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, thì quý IV/2023 cần tăng 7,0%. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, thì quý IV cần tăng 8,8%. Và kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Như vậy, ở các kịch bản tăng trưởng mới được cập nhật này, kịch bản tăng trưởng 6,5% - như mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị - đã không được đặt ra. Có lẽ, khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay là vô cùng khó khăn.
“Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương trong triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thực tế, tăng trưởng GDP quý IV phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, cũng như các hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, sự phục hồi tuy còn yếu của hoạt động công nghiệp trong quý III tiếp tục là tín hiệu lạc quan hơn cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm. Nhưng thực tế, khó kỳ vọng có sự bứt phá, khi kinh tế và thị trường toàn cầu vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Chưa kể, ở trong nước, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với những thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính; xuất nhập khẩu vẫn đang sụt giảm; còn sản xuất công nghiệp phục hồi chậm…
Trong phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, các đại biểu khi thảo luận về tình hình kinh tế 2023-2024 cũng bày tỏ sự lo lắng về những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt. Các dự báo về việc nền kinh tế khó có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm nay đã được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhắc tới.
Trong khi đó, ngay trước khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu kinh tế 9 tháng, khi cập nhật dự báo về tình hình kinh tế của Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay từ 6,5% (trong báo cáo đưa ra rồi tháng 4/2023) xuống còn 5,8% trong năm nay. Con số của năm 2024 cũng hạ từ 6,8% xuống 6,5%.
“Môi trường bên ngoài yếu kém, gồm cả sự phục hồi chậm chạp tại Trung Quốc, đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam nói.
Không những thế, theo ông Shantanu Chakraborty, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro đáng kể. “Ở trong nước, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công và những yếu kém về cấu trúc trong nội tại nền kinh tế là những nguy cơ chính dẫn tới giảm tốc tăng trưởng. Ở bên ngoài, tăng trưởng toàn cầu chậm lại đáng kể và sự phục hồi yếu ở Trung Quốc vẫn là nguy cơ đối với triển vọng kinh tế”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.
Vững vàng trước thử thách
Dù chỉ ra những thách thức, khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, song ông Shantanu Chakraborty cho rằng, nền kinh tế vẫn vững vàng và dự kiến phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là giải pháp được nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ. Như mọi kỳ họp khác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lại yêu cầu điều này. Cùng với đó, là tận dụng mọi cơ hội để xuất khẩu, cũng như thúc đẩy sự phát triển của tiêu dùng trong nước.
Khi đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng quý cuối năm, cũng như năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh việc phải tập trung thúc đẩy phát triển hiệu quả thị trường trong nước, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024; tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển…
Một giải pháp quan trọng khác, đó là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip, bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao…
“Cần triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, trong đó có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản theo Nghị quyết số 33/NQ-CP”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Trước đó, khi Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317 nhóm họp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ sự lo lắng khi cầu tín dụng hiện ở mức rất thấp. Tăng trưởng tín dụng sau 9 tháng chỉ ở mức 5,91%. Khi “dòng máu” nuôi dưỡng nền kinh tế không thông suốt, có nghĩa khó khăn vẫn còn lớn và nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh mẽ.
Để nền kinh tế tiếp tục vững vàng trước thử thách, rõ ràng, còn rất nhiều việc phải làm, bao gồm cả các giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn.