Thời sự
Kinh tế khó khăn, tăng trưởng GDP quý I ước chỉ đạt 3,32%
Hà Nguyễn - 29/03/2023 09:37
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng 3,21% của quý I/2020, tính trong cả giai đoạn 2011-2023. Dịch vụ là ngành duy nhất có tốc độ tăng trưởng cao.

Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2023 ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế khó khăn khiến tốc độ tăng trưởng của quý đầu năm chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 trong giai đoạn 2011-2023.

Trong giai đoạn này, tăng trưởng GDP các quý I lần lượt tăng 5,96%; 4,94%; 4,68%; 5,54%; 6,25%; 5,49%; 5,17%; 7,78%; 7,09%; 3,21%; 4,92%; 5,05%; 3,32%.

Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm đã ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng GDP quý I/2023

Cụ thể, Tổng cục Thống kê cho biết, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2023 tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Trong khi đó, ngành lâm nghiệp tăng 3,66% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm.

Ngược lại, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Thực tế, trong giai đoạn này, ngoại trừ quý I năm nay là giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm, các năm trước đều tăng, kể cả trong bối cảnh khó khăn. Cụ thể, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp của các quý I các năm từ 2011-2023 tăng lần lượt là 8,37%; 7,40%; 3,81%; 4,14%; 8,38%; 6,05%; 3,84%; 8,88%; 8,13%; 4,48%; 5,93%; 7,16%; và -0,82%.

Trong các ngành công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - vốn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, đã giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm.

Tương tự, ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, nhưng cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực dịch vụ trong quý I/2023 thể hiện rõ sự phục hồi. Có được kết quả này là nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê, một số ngành dịch vụ có đóng góp lớn vào vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay.

Chẳng hạn, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2023, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,66%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,47%; khu vực dịch vụ chiếm 43,65%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,22%. Trong khi đó, Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,57%; 37,08%; 42,06%; 9,29%.

Về sử dụng GDP quý I/2023, theo Tổng cục Thống kê, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 46,11% vào tốc độ tăng chung; tích lũy tài sản tăng 0,02%, đóng góp 0,14%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,33%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 10,52%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 53,75%.

Điều đáng nói, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Điều này càng cho thấy, kinh tế - xã hội 2023 còn nhiều khó khăn.

Tin liên quan
Tin khác