Thủy điện Pá Hu hòa lưới điện quốc gia vào quý IV/2020. Ảnh: Lê Toàn |
Giá cổ phiếu trượt dài sau khi niêm yết
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất điện, các dự án nhà máy mới liên tục hòa lưới điện quốc gia, có tổng số 5 nhà máy đã hòa lưới điện, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (Trường Thành Group) được kỳ vọng sau khi niêm yết trên sàn HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) ngày 18/9/2020, sẽ tăng tốc và tình hình kinh doanh ổn định.
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sau gần 3 năm niêm yết, từ ngày 22/9/2020 đến 1/8/2023, giá cổ phiếu TTA đã giảm 55,3%, từ đỉnh 18.810 đồng/cổ phiếu về 8.400 đồng/cổ phiếu và chưa có dấu hiệu tăng trở lại. Trong hơn 7 tháng đầu năm 2023, dù thị trường chứng khoán hồi phục với Chỉ số VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm, hàng loạt cổ phiếu về lại vùng đỉnh cũ, nhưng giá cổ phiếu TTA có dấu hiệu đi ngang và miễn nhiễm với đà hồi phục của thị trường, thậm chí đã giảm gần 5% từ ngày 1/1 đến 1/8/2023.
Trái với diễn biến giá cổ phiếu liên tục lao dốc và trượt dài, kết quả kinh doanh từ năm 2020 đến 2022 của Trường Thành Group liên tục tăng trưởng. Trong đó, năm 2021, doanh thu tăng 33,4%, lên 661,3 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 3,3%, lên 133,4 tỷ đồng; năm 2022, doanh thu tăng 22,3%, lên 808,7 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 53,7%, lên 204,98 tỷ đồng.
Tuy nhiên, “gió đổi chiều” trong nửa đầu năm 2023, Công ty báo cáo doanh thu đạt 323,89 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 53,56 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Lý giải điều này, Công ty cho biết, hiện tượng EI Nino quay lại khiến thủy điện suy yếu. Dự báo, kết quả còn giảm mạnh trong năm 2023, trong đó doanh thu giảm do sản lượng các nhà máy thủy điện giảm mạnh - nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận giảm.
Với việc đang vận hành 3/5 nhà máy thủy điện, hiện tượng EI Nino quay lại dự báo tiếp tục thách thức hoạt động kinh doanh của Trường Thành Group trong những tháng còn lại của năm tài chính 2023. Trong khi đó, Công ty chưa có thêm dự án mới bổ sung vào sản lượng điện suy giảm tại các nhà máy thủy điện.
Thực tế, bên cạnh việc kinh doanh không thuận lợi, nhà đầu tư còn lo ngại về khối nợ quá lớn tại Trường Thành Group so với các doanh nghiệp cùng ngành. Trong đó, thời điểm ngày 30/6/2023, tổng dư nợ của Công ty tăng thêm 93,1 tỷ đồng so với đầu năm, lên 2.269,6 tỷ đồng, bằng 117% vốn chủ sở hữu (đầu năm bằng 114% vốn chủ sở hữu).
Ngược lại, cùng thời điểm 30/6, Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (mã TEG) có hệ số tổng dư nợ trên vốn chủ sở hữu là 16%; Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) có hệ số tổng dư nợ trên vốn chủ sở hữu là 96%; Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (mã REE) có hệ số tổng dư nợ trên vốn chủ sở hữu là 54%...
Nhìn chung, Trường Thành Group là một trong những doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực năng lượng, trong đó sử dụng tỷ lệ nợ vay khá lớn để tài trợ cho việc triển khai các dự án và thuộc nhóm sử dụng đòn bẩy nợ vay cao trong ngành.
Trì hoãn kế hoạch gọi vốn mới
Được biết, năm 2021, Trường Thành Group thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 250 tỷ đồng, nhằm thực hiện cơ cấu các khoản nợ và bổ sung nguồn vốn cho các dự án mới. Tuy nhiên, sau đó, Công ty thông qua việc không thực hiện chào bán.
Đến năm 2022, Trường Thành Group tiếp tục trình cổ đông kế hoạch phát hành riêng lẻ 50 triệu cổ phiếu (huy động 500 tỷ đồng theo mệnh giá), mục đích là bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh và triển khai trong năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, Công ty chưa triển khai và quyết định không triển khai nữa do việc này không cần thiết và có thể gây lãng phí nguồn lực. Trong năm 2023, Công ty không đề cập kế hoạch huy động vốn mới, chủ yếu vận hành 5 dự án đã hòa lưới điện quốc gia.
Thực tế, việc lên kế hoạch huy động vốn trùng với kế hoạch Trường Thành Group khảo sát để triển khai dự án mới theo Quy hoạch Điện VIII. Trong đó, Công ty lên kế hoạch khảo sát 7 dự án mới, nhưng vẫn chưa cho thấy việc triển khai thêm dự án mới.
Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Trường Thành Group thông qua chủ trương khảo sát, chuẩn bị đầu tư 7 dự án. Trong đó, Công ty nhận thấy một dự án không khả thi là Dự án Điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (hồ Trà Co), các dự án còn lại vẫn đang được khảo sát và bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII.
Trái với kế hoạch triển khai hàng loạt dự án mới giai đoạn 2021 - 2025, thực tế tại thời điểm ngày 30/6/2023, tài sản dở dang dài hạn của Trường Thành Group chỉ ghi nhận 46,07 tỷ đồng, chiếm 1,03% tổng tài sản. Trong đó, chủ yếu ghi nhận 42,8 tỷ đồng Dự án Thủy điện tích năng Phước Hòa (đầu năm cũng ghi nhận 42,8 tỷ đồng). Ngược lại, quỹ tiền mặt tại thời điểm cuối quý II/2023 chỉ còn 2,3 tỷ đồng (gồm tiền và các khoản tương đương tiền ngắn hạn, tiền gửi kỳ hạn dài).
Như vậy, các dự án lên kế hoạch triển khai nhưng chưa thực hiện dẫn tới việc Trường Thành Group trì hoãn kế hoạch gọi vốn. Ngoài ra, do sở hữu quỹ tiền mặt hạn chế, muốn triển khai dự án mới, chắc chắn Công ty phải huy động thêm nguồn vốn bên ngoài, nhưng việc đã sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao sẽ là thách thức không nhỏ đối với kế hoạch gọi vốn mới.