Cổ phiếu trượt dài
Niêm yết sàn UPCoM ngày 23/10/2023 với tham vọng tập trung vào phát triển năng lượng tái tạo, nhưng Công ty cổ phần Helio Energy liên tục trượt dài hậu niêm yết, dù hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu và tiếp mở rộng đầu tư ngành cốt lõi.
Thống kê từ ngày 20/5 đến ngày 28/10, giá cổ phiếu HIO giảm 67,2%, từ 32.900 đồng còn 10.800 đồng/cổ phiếu và vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.
Mặc dù cổ phiếu lao dốc và chỉ giao dịch vùng 11.000 đồng/cổ phiếu, nhưng Helio Energy vẫn đang chuẩn bị kế hoạch chào bán 21 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ chào bán 1:1) để huy động 210 tỷ đồng. Trong đó, toàn bộ số tiền huy động, Công ty sẽ dùng để mua 17.795.102 cổ phiếu Công ty cổ phần SD Trường Thành với giá 11.801 đồng/cổ phiếu, chiếm 59,32% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần SD Trường Thành.
Thực tế, đầu tháng 10/2024, dù chưa triển khai tăng vốn và chưa chính thức thâu tóm thành công Công ty cổ phần SD Trường Thành, nhưng Helio Energy đã lên kế hoạch dùng 6.995.102 cổ phiếu Công ty cổ phần SD Trường Thành để thế chấp vay vốn ngân hàng, tương ứng 39,31% cổ phần dự kiến nhận chuyển nhượng tại Công ty cổ phần SD Trường Thành.
Được biết, Helio Energy được thành lập tháng 6/2020. Công ty liên tục thực hiện chiến lược M&A với 34 công ty trong giai đoạn 2021-2022 (trước niêm yết sàn UPCoM). Mục tiêu là các đơn vị sở hữu dự án điện mặt trời mái nhà, các dự án vận hành từ cuối năm 2020 và đang hưởng giá bán điện ưu đãi.
Tính tới cuối quý II/2024, Helio Energy sở hữu 26 công ty con trực tiếp, 7 công ty con gián tiếp và 5 công ty liên kết gián tiếp, đồng thời sở hữu hệ thống nhà máy điện mặt trời áp mái có tổng công suất tới 37,16 MWp.
Duy trì tỷ lệ đòn bẩy cao
Cuối năm 2021, Helio Energy vay 324,32 tỷ đồng, bằng 149,3% tổng vốn chủ sở hữu và tiếp tục tăng dư nợ vay trong năm 2022, lên 366,99 tỷ đồng và bằng 164,2% vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, kể từ khi niêm yết tới ngày 30/6/2024, Helio Energy đã giảm 94,89 tỷ đồng nợ vay so với thời điểm cuối năm 2022, về 272,1 tỷ đồng và bằng 109,3% tổng vốn chủ sở hữu. Tuy vậy, dù giảm nợ vay, nhưng tỷ lệ đòn bẩy của Helio Energy vẫn cao hơn hơn nhiều so với mức trung bình của ngành là 70% (theo dữ liệu Chứng khoán SSI tại thời điểm cuối năm 2023).
Thực tế, dù đẩy mạnh mở rộng công suất thông qua chiến lược M&A giúp cải thiện doanh thu và lợi nhuận trong các kỳ báo cáo, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) và hiệu quả sử dụng vốn (ROE) của Helio Energy vẫn đang thấp hơn mức trung bình ngành.
Cụ thể, năm 2022 ghi nhận ROA là 1,05% so với trung bình ngành là 10,91%; ROE ghi nhận 2,84% so với ngành là 17,09%. Năm 2023 ghi nhận ROA là 1,75% so với ngành là 8,32%, ROE ghi nhận 4,41% so với ngành là 13,04%. Trong nửa đầu năm 2024 ROA là 2,99% và ROE là 6,68%.
Thêm nữa, đang trong giai đoạn huy động vốn để mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo, nên Helio Energy không trả cổ tức năm 2023 và có kế hoạch tiếp tục không trả cổ tức trong năm 2024.
Được biết, lĩnh vực năng lượng tái tạo vẫn được đẩy mạnh phát triển. Theo Quy hoạch Điện VIII, mục tiêu nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 31-39% trong hệ thống, với 5.000 - 10.000 MW vào năm 2030 (năm 2023, công suất điện tái tạo đạt 21.664 MW, chiếm 26,9% tổng công suất nguồn điện).
Việc Chính phủ tập trung phát triển nguồn điện từ các dự án năng lượng tái tạo đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong ngành tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sau giai đoạn tăng trưởng nóng 2018-2022, các dự án năng lượng tái tạo đang bộc lộ nhiều thiếu sót và hạn chế, như giá đắt hơn thủy điện, nguồn không ổn định công suất, thiếu tin cậy vì phụ thuộc vào thời điểm, theo mùa và đặc biệt, hệ thống truyền tải chưa phát triển kịp sự phát triển ồ ạt của các dự án.
Chính vì vậy, trong hơn 1 năm trở lại đây, hoạt động đầu tư mới các dự án năng lượng tái tạo chậm lại rõ rệt và nhóm cổ phiếu năng lượng tái tạo trở nên kém hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.