Tuy chỉ là lao động tự do, song Nguyễn Đình Thùy (sinh năm 1976, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Vi Hồng Tiến (sinh năm 1976, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đã đưa ra thông tin gian dối về việc đang công tác tại mộ số bộ ngành, có thể hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, Thùy và Tiến tự giới thiệu với nhiều người rằng đang công tác tại Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều mối quan hệ tại các cơ quan Nhà nước để can thiệp hoạt động đấu thầu, xin dự án đầu tư công...
Trong năm 2015, thông qua mối quan hệ xã hội, ông Lê Đức T., Giám đốc một công ty xây dựng, được Thùy giới thiệu có nhiều mối quan hệ tại Bộ Giao thông - Vận tải, có thể xin cấp vốn cho dự án “Cải tạo nâng cấp đường liên xã Châu Hội” tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An và giao cho công ty của ông T. trúng thầu thi công.
Hai bị cáo bị Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra xét xử. |
Thùy yêu cầu ông T. phải đưa 500 triệu đồng để lo chi phí xin dự án, đồng thời viết giấy cam kết 20 ngày sau sẽ xong công việc. Hết thời hạn trên, Thùy tiếp tục đưa ra lý do có vướng mắc, yêu cầu chi thêm 200 triệu đồng, song vẫn không xin được dự án mà chiếm đoạt luôn số tiền ông T. đã đưa.
Cùng thủ đoạn trên, năm 2017, Thùy giới thiệu với ông Dương Tuấn K. (trú tại phường Đại Kim, Hà Nội), rằng mình đang công tác ở Bộ Giao thông - Vận tải, có quan hệ thân thiết với lãnh đạo.
Thùy cho biết, cơ quan đang đề xuất Chính phủ nhiều dự án giao thông, sử dụng nguồn Trái phiếu Chính phủ còn dư; đồng thời cho ông K. xem một số văn bản với nội dung thống kê các dự án còn dư vốn, đề xuất phương án sử dụng vốn trái phiếu.
Tin lời Thùy, ông K. đã nhờ xin cho công ty của mình trúng thầu dự án Xây dựng tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắc Lắc với tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của Thùy, ông K. đã nhiều lần đưa tổng số tiền 105.000 USD và 150 triệu đồng để nhờ xin dự án này.
Cũng trong năm 2017, Thùy quen Vi Hồng Tiến và được Tiến giới thiệu đang công tác ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có nhiều mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo Bộ, có thể nhờ can thiệp để xin được dự án.
Tiến nói với Thùy, nếu có doanh nghiệp nào xin dự án, Tiến sẽ nhờ lãnh đạo can thiệp để giao dự án, song doanh nghiệp trúng thầu phải chi phí hoa hồng từ 3-5% tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, chuẩn bị hồ sơ năng lực, tờ trình để nộp, doanh nghiệp còn phải chi phí gửi kèm hồ sơ là 20.000 USD đối với mỗi dự án.
Do được hứa hẹn chia phần trăm nếu có doanh nghiệp “xuống tiền” xin dự án, nên dù không biết chắc chắn Tiến có thể xin được hay không, nhưng Thùy đã giới thiệu với nhiều người quen về việc này.
Theo đó, Thùy lên mạng tải công văn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn ngân sách Nhà nước năm 2018 đối với các dự án, rồi đưa cho các doanh nghiệp xem.
Tin lời Thùy hứa hẹn, ông Dương Tuấn K. tiếp tục rủ bạn góp 50.000 USD (mỗi người 25.000 USD) để nhờ xin dự án Nạo vét lòng hồ Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, ông Bùi Quang N. (trú tại phường Đại Kim, Hà Nội), là hàng xóm của Thùy, cũng đưa 40.000 USD để nhờ xin cho Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng và thương mại Thành An trúng thầu Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải và Dự án sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nam Hà, với tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng.
Thùy cam kết sau 10 ngày, sẽ dẫn ông N. đến gặp lãnh đạo Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm việc, hướng dẫn nộp hồ sơ và tham gia dự thầu; nếu không xin được dự án, Thùy sẽ trả lại tiền.
Tuy nhiên, sau đó Thùy và Tiến không thực hiện được các cam kết đã đưa ra, và cũng không trả lại tiền đã nhận, nên bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra xác định, riêng Nguyễn Đình Thùy đã chiếm đoạt của các bị hại gần 4,5 tỷ đồng; Thùy cùng Vi Hồng Tiến chiếm đoạt của ông N. số tiền 40.000 USD ( tương đương 932 triệu đồng). Số tiền này, Thùy đã trả lại ông N. 500 triệu đồng.
Quá trình điều tra, Nguyễn Đình Thùy thừa nhận toàn bộ hành vi vi phạm; trong khi đó Vi Hồng Tiến không thừa nhận đã nhận 40.000 USD từ Thùy để lo chạy dự án cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các cá nhân liên quan và dữ liệu thu thập được trong quá trình điều tra, cơ quan tố tụng khẳng định có đủ căn cứ để buộc tội Vi Hồng Tiến với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 40.000 USD.
Sau khi xem xét hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, bị hại tại tòa, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội quyết định tuyên phạt Nguyễn Đình Thùy 13 năm tù và Vi Hồng Tiến 12 năm tù, đồng thời buộc trả lại số tiền đã nhận của các bị hại.