Giá dầu WTI giao sau của Mỹ tăng hơn 3% lên 108,25 USD/thùng trong phiên giao dịch sáng 21/3. Ảnh: AFP |
Giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 3% trong phiên giao dịch sáng nay 21/3 theo giờ châu Á. Trong đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đạt mức 111,46 USD/thùng còn giá dầu WTI giao sau của Mỹ tăng lên 108,25 USD/thùng.
Giá dầu đã vượt mốc kỷ lục 130 USD/thùng trước khi giảm hơn 20% xuống dưới 100 USD/thùng vào tuần trước.
Theo lý giải ngày 21/3 của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản), hai yếu tố đang đẩy giá dầu tăng trở lại là sự bất ổn kéo dài của cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và kỳ vọng tác động của đợt bùng phát Covid-19 mới đây ở Trung Quốc sẽ ít nghiêm trọng hơn dự báo. Bởi lẽ, cuối tuần trước thành phố Thâm Quyến - trung tâm sản xuất công nghiệp hàng đầu của Trung Quốc - đã mở cửa trở lại một phần khi 5 quận của thành phố này được phép khôi phục lại các hoạt động và nối lại giao thông công cộng, theo Reuters.
Trong khi đó, sau một số cuộc đàm phán hòa bình, các quan chức Ukraine và Nga đến nay vẫn chưa đạt được những nhượng bộ quan trọng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksyy đã kêu gọi một vòng đàm phán khác với Nga. "Nếu những nỗ lực này thất bại, điều đó có nghĩa đây là một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba", Tổng thống Zelenskyy nói trong cuộc phóng vấn của đài CNN vào sáng 20/3.
Hai nhà phân tích Brian Martin và Daniel Hynes của ANZ Research cho rằng: "Cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine bị đổ bể đã khiến giá dầu thô tiếp tục bật lên vào ngày 18/3". "Tuy nhiên, nó không thể bù đắp được mức sụt giảm hồi đầu tuần, với giá dầu Brent đóng cửa giảm hơn 4%", hai chuyên gia của ANZ đánh giá.
Nguồn cung thắt chặt tiếp tục khiến thị trường lo ngại và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) chính thức kêu gọi các chính phủ thực hiện "các biện pháp khẩn cấp" để tiết giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang nổi lên.
Xung đột Nga - Ukraine làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung dầu mỏ do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga. Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng cho biết họ sẽ loại bỏ dần sử dụng các nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo số liệu thống kê từ Goldman Sachs, Nga cung cấp 11% lượng tiêu thụ dầu toàn cầu và 17% lượng khí đốt toàn cầu trong năm 2021. Riêng với Tây Âu, Nga cung cấp 40% lượng tiêu thụ khí đốt của khu vực này.
Đài CNBC cho biết, đại diện chính phủ các nước thành viên EU sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này và EU sẽ xem xét lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Nga.
Phía Ngân hàng Commonwealth (Australia) cho rằng giá dầu đã giảm xuống dưới mức đỉnh gần đây do các thị trường chủ yếu vẫn định giá dầu mỏ dựa trên hy vọng sẽ có một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng khoảng Nga - Ukraine.
Ông Vivek Dhar, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa năng lượng tại Ngân hàng Commonwealth cho rằng: "Tình trạng thiếu hụt nguồn cung liên quan đến các lệnh trừng phạt hiện đang nhằm vào Nga, sẽ ngày càng đóng vai trò chi phối nhiều hơn trong việc định đoạt giá dầu".
Theo các nhà phân tích của ANZ Research, việc ngành công nghiệp dầu mỏ thế giới không có khả năng lấp đầy bất kỳ khoảng trống tiềm năng nào, rõ ràng đã được phản ánh việc kêu gọi tiết giảm nhu cầu dầu mỏ.
Hãng tin Reuters dẫn nội dung thông báo mới nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cho biết một số nhà sản xuất dầu mỏ vẫn đang chưa đáp ứng đủ hạn ngạch nguồn cung, đồng thời chỉ ra rằng liên minh năng lượng này đã bỏ lỡ mục tiêu hơn 1 triệu thùng/ngày.
Để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang nổi lên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã đề xuất một kế hoạch chi tiết gồm 10 điểm, nhằm tiết giảm nhu cầu dầu mỏ. Theo đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế kêu gọi thực hiện giảm tốc độ giới hạn cho các phương tiện, làm việc tại nhà tối đa 3 ngày/tuần, và hạn chế đi lại bằng đường hàng không để giải quyết công việc.
"Chúng tôi ước tính rằng việc thực hiện đầy đủ các biện pháp trên ở các nền kinh tế phát triển có thể cắt giảm nhu cầu dầu khoảng 2,7 triệu thùng/ngày trong vòng 4 tháng tới", Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định.