Ngày 3/6, giá thu mua hạt tiêu tại các địa phương trọng điểm trồng loại cây này tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Cao nhất là Đắk Lắk khi đạt 142.000 đồng/kg. Hay tại Đắk Nông tăng tới 10.000 đồng/kg, đạt 144.000 đồng/kg. Đây là mức tăng theo ngày cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Giá tiêu liên tục tăng một cách đáng lo ngại. |
So với tuần trước, giá tiêu trong nước đã tăng thêm 13.000 - 14.000 đồng/kg. Động lực tăng giá đến từ tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu, trong khi nhu cầu đang hồi phục tích cực; cùng với đó là giá cước vận tải biển tăng mạnh trở lại khiến chi phí xuất khẩu tiêu tăng lên.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 5, gia hạt tiêu xuất khẩu bình quân đạt 4.308 USD/tấn, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân giá hồ tiêu liên tục tăng là do tồn kho hồ tiêu tại các nước sản xuất chính như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil đều ở mức thấp do nhu cầu tiêu thụ cao trong thời gian qua. Hoạt động thu mua hồ tiêu của các doanh nghiệp tăng mạnh để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ trong năm. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hồ tiêu trong nước và quốc tế đang có xu hướng tăng do người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các gia vị tự nhiên, tốt cho sức khỏe. Thêm vào đó, nhu cầu dự trữ hồ tiêu cũng tăng do lo ngại nguồn cung có thể tiếp tục giảm trong tương lai, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tăng cường mua vào để dự trữ.
Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), trong ngày 2/6 (theo giờ địa phương), giá tiêu các loại được duy trì ổn định.
Cụ thể, giá tiêu đen Lampung của Indonesia đạt 5.062 USD/tấn. Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ nguyên ở mức 5.900 USD/tấn. Tương tự, giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia ổn định ở mức 4.900 USD/tấn.
Giá tiêu trắng Muntok của Indonesia hiện ở mức 7.341 USD/tấn. Giá tiêu trắng ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 7.300 USD/tấn.
Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 4.800 USD/tấn với loại 500 g/l; loại 550 g/l mức 5.000 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 7.200 USD/tấn.