Doanh nghiệp
Giá tăng cao, nhập thức ăn gia súc và nguyên liệu sớm vượt 4 tỷ USD
Thế Hải - 20/10/2021 16:31
Giá thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng chóng mặt trên thị trường thế giới là nguyên nhân khiến chi ngoại tệ nhập khẩu nhóm hàng này đã vượt 3,74 tỷ USD và sớm vượt mốc 4 tỷ USD.
Giá tăng chóng mặt, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu sẽ sớm vượt 4 tỷ USD.

Chi nhập khẩu 9 tháng gần bằng cả năm 2020

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 9/2021 tăng trở lại 4,6% so với tháng 8/2021 và cũng tăng 18,4% so với cùng kỳ, đạt 411,07 triệu USD. Lũy kế 9 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng 29,7% (tương đương 800 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2020, đạt gần 3,75 tỷ USD.

Như vậy, mức nhập khẩu của 9 tháng 2021 đã xấp xỉ bằng kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2020 (3,84 tỷ USD).

9 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu nhiều nhất từ Argentina, với trị giá 1,27 tỷ USD, tăng 5,16%, chiếm 34% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Nhập khẩu nhóm hàng này từ thị trường Mỹ trong tháng 9/2021 tăng 13,4% so với tháng 8/2021 và tăng mạnh 92,3% so với tháng 9/2020, đạt 82,87 triệu USD, nâng kim ngạch 9 tháng lên 636,36 triệu USD, tăng mạnh 70,7% so với cùng kỳ, chiếm 17%.
Thị trường Brazil đứng thứ 3, tính riêng trong tháng 9/2021 đạt 68,71 triệu USD, tăng 109% so với cùng kỳ, lũy kế 9 tháng đạt 462,22 triệu USD, tăng 63,4%, chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch.
Nhập khẩu thức ăn gia súc từ thị trường EU 9 tháng năm 2021 cũng tăng mạnh 53,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 308,1 triệu USD, trong khi đó nhập khẩu từ thị trường Đông Nam Á tăng 16,7%, đạt 269,98 triệu USD.
Tổng cục Hải quan cho biết, nhâp khẩu thức ăn gia súc từ hầu hết các thị trường chủ đạo trong 9 tháng đầu 2021 đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.

Nhập khẩu nhóm hàng này trong năm 2020 đạt 3,84 tỷ USD, tăng 3,7% so với năm 2019. Cơ cấu thị trường chủ yếu vẫn là nhóm 3 nước gồm Argentina, Mỹ và Brazil, chiếm 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước.

Trong đó, nhập khẩu từ Argentina đạt 1,54 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, chiếm 40% tổng nhập khẩu; tiếp theo là nhập khẩu từ Mỹ  đạt 505,6 triệu USD, giảm 19,6%, chiếm 13,2%; nhập khẩu từ Brazil đạt 391,7 triệu USD, tăng 83,3% và chiếm 10,2% tổng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam.

Chưa hạ nhiệt được đà tăng

Ngành chăn nuôi trong nước đang phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, bình quân tăng trưởng khoảng 5 - 6%/năm và đã ghi nhận những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi gia trại/trang trại, tập trung. nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học.

Do vậy, nhu cầu sử dụng và nhập khẩu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng gia tăng. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), khoảng hơn 80% tổng nguồn nguyên liệu thô làm thức ăn chăn nuôi, bao gồm cả thức ăn chăn nuôi công nghiệp, là từ nguồn nhập khẩu.

Với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi thời gian qua tại Việt Nam, trong khi nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tự chế trong nước (cám gạo, tấm, sắn, ngô..) không đủ đáp ứng nhu cầu, việc gia tăng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi công nghiệp và các nguyên liệu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nước ngoài là điều tất yếu.

Nhưng hệ lụy của phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung nhập khẩu là chịu tác động mạnh về giá khi thị trường thế giới có biến động, nhất là từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng rất mạnh, bên cạnh đó do sản xuất đang hồi phục tại nhiều quốc gia, khiến có thời điểm tăng 35-40% so với hồi giữa năm 2020, cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh càng đẩy giá nhóm hàng này không ngừng nhảy múa.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đến thời điểm này chưa có hy vọng gì về việc giá thức ăn chăn nuôi trong nước sẽ giảm. Hiện nay, quá trình vận chuyển thức ăn gia súc, nguyên liệu về Việt Nam vẫn gặp trục trặc, chi phí vận chuyển các mặt hàng này tăng cao từ 200-300%.

Việt Nam đang có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong đó có khoảng 30 doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Trước tình trạng giá leo thang, Bộ Tài chính đã đề nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm lúa mỳ và ngô nhằm hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi trong nước.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm lúa mỳ và ngô. Bộ này trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng lúa mỳ, mã HS 1001.99.99 từ 3% xuống 0% và giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN của mặt hàng ngô, mã HS 1005.90.90 từ 5% xuống 3%.

Tin liên quan
Tin khác