Thưa ông, tròn 55 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đã là một “tên tuổi” trong lĩnh vực xây dựng cả nước. Điều đó được thể hiện thế nào?
Khi mới thành lập, Xây dựng Bạch Đằng (tiền thân là Công ty Kiến trúc Hải Phòng) chỉ có 5 đơn vị trực thuộc với 1.223 cán bộ, công nhân viên.
| ||
Ông Phạm Tiến Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng |
Cho dù khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật của Công ty rất thiếu thốn và hạn chế, nhưng Xây dựng Bạch Đằng đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch phục hồi 3 năm sau chiến tranh bằng những đóng góp không nhỏ.
Nhiều công trình đã từng bước tạo nên thương hiệu Xây dựng Bạch Đằng ngay từ khoảng thời gian đó. Nhà máy Cá hộp Hải Phòng, Thủy tinh Hải Phòng, Sắt tráng men- nhôm, Nhựa Tiền phong… và 64 công trình xây dựng các loại đã được khẳng định.
Xây dựng Bạch Đằng luôn đồng hành cùng sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo từng giai đoạn lịch sử.
Giờ đây, sau 55 năm phát triển, Xây dựng Bạch Đằng đã là một tổng công ty lớn, với 20 đơn vị thành viên gồm các công ty con và công ty liên kết, với hơn 5.000 lao động (tính đến thời điểm hiện tại).
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty đã đạt được nhiều thành công và liên tục tăng trưởng. Nếu năm 1996, giá trị sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty mới đạt 320 tỷ đồng, thì năm 2002 đã nâng lên 804 tỷ đồng.
Giai đoạn 2003-2012 được đánh giá là giai đoạn có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất của Tổng công ty. Năm 2003, giá trị sản xuất - kinh doanh đạt 1.177 tỷ đồng, năm 2012 tăng lên 4.452 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, trong khi giá trị sản xuất - kinh doanh chỉ tăng 3,79 lần, thì lợi nhuận tăng gấp 6 lần. Và điều quan trọng nhất, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng đã tạo dựng được giá trị cốt lõi của mình trong hoạt động, kinh doanh và phát triển.
Ông có nhắc tới giá trị cốt lõi của Xây dựng Bạch Đằng. Vậy giá đó là gì, thưa ông?
Đó chính là “con người của Xây dựng Bạch Đằng”. Chúng tôi có một đội ngũ lao động chất lượng cao, với trên 1.000 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học; hơn 2.000 công nhân kỹ thuật cao. Thành công của Xây dựng Bạch Đằng sẽ không có được, nếu không có họ.
Tất cả công việc, từ khảo sát, thiết kế, ứng dụng khoa học - công nghệ trong thi công, đến kinh doanh, tiếp thị…, những người thợ, kỹ sư của Xây dựng Bạch Đằng đã được các đối tác trong nước, nước ngoài đánh giá cao. Điều này được ghi nhận qua chất lượng các công trình xây dựng.
Các công trình xây dựng mà Xây dựng Bạch Đằng đảm nhận không chỉ ở phạm vi địa phương, mà còn ở khắp đất nước và cả ở nước ngoài; không chỉ trong lĩnh vực dân sự, mà còn ở cả lĩnh vực quân sự, an ninh, quốc phòng.
Xây dựng Bạch Đằng đã tham gia nhiều dự án lớn và quan trọng mang tầm cỡ quốc gia, như Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch (I, II, III); Nhà máy Xi măng Chinfon; Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Na Dương; Nhà máy Sàng tuyển than Hòn Gai… từ những năm trước. Gần đây hơn, đó là Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I, công trình NVH tại Okinawa (Nhật Bản)…
Dự báo, từ nay đến hết năm sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Xây dựng Bạch Đằng sẽ làm gì để tiếp tục vượt qua và duy trì phát triển, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thiện đúng tiến độ những công trình đang thi công, như Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng; Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1; gói thầu A1, A3 của Dự án Nước Hải Phòng, Dự án Nước Đà Nẵng, Nha Trang.
Đồng thời, Tổng công ty sẽ bám sát các dự án hạ tầng và môi trường có sử dụng nguồn vốn ODA, các dự án nhiệt điện, nhà máy hóa chất, Khu lọc hóa dầu Nghi Sơn; Dự án Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, DAP 2 (Lào Cai)… để đẩy mạnh hoạt động thanh quyết toán, thu hồi vốn. Tất cả tập trung hoàn thành kế hoạch năm 2013 đã đề ra với doanh thu là 3.540 tỷ đồng.
Thu Lê