Ngân hàng - Bảo hiểm
Giá vàng hồi phục sau khi dữ liệu lạm phát tại Mỹ suy giảm
Phạm Anh - 26/01/2024 11:45
Hưởng ứng đà hồi phục của thị trường quốc tế, giá vàng trong nước cũng "nóng" lên trong phiên giao dịch ngày hôm nay.

Các thương hiệu vàng trong nước đồng loạt tăng giá

Ở thị trường trong nước, vàng miếng SJC cũng được hưởng lợi từ đà hồi phục của thị trường quốc tế. Tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng SJC đã tăng trở lại lên mức 74,3 – 76,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giữa chiều mua và bán tiếp tục duy trì ở mức 2,5 triệu đồng/lượng.

Mức chênh lệch trên cũng được duy trì ở Tập đoàn DOJI và PNJ. Giá vàng tại PNJ đang yết ở mức 74 triệu đồng/lượng (mua vào) và 76,5 triệu đồng/lượng (bán ra). Trong khi, vàng miếng SJC tại DOJI thấp hơn 400.000 đồng ở cả hai chiều.

Tại Bảo tín Minh châu, giá vàng SJC đang được niêm yết ở mức 74,18 triệu đồng - 76,45 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán đã thu hẹp 2,3 triệu đồng mỗi lượng.

Chênh lệch giá vàng miếng SJC và vàng thế giới hiện đang ở mức quanh 15 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K tại SJC tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 100.000 đồng ở chiều bán ra mỗi chiều, giao dịch ở mức 62,75 triệu đồng/lượng mua vào và 64,05 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, TS. Trần Thọ Đạt cho rằng thị trường vàng Việt Nam đã đến lúc phải liên thông với thị trường thế giới, phải loại bỏ chênh lệch giá, đặc biệt là chênh lệch giá vàng SJC như hiện nay bằng các giải pháp thị trường, sản xuất vàng miếng phải trao cho thị trường. Đồng thời, phải sớm chuyển đổi thị trường vàng vật chất sang thị trường vàng kỳ hạn, giao dịch thông qua các hợp đồng. Và điều cuối cùng là quản lý thị trường vàng phải có giải pháp thích hợp để huy động được khối lượng vàng lớn ước tính có khoảng 400 tấn vàng trong dân.

Thị trường quốc tế hồi phục nhẹ

Giá vàng quốc tế phục hồi nhẹ từ mức thấp nhất trong tuần trong phiên giao dịch ngày hôm nay sau khi số liệu về GDP mới tại Mỹ cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này đang tăng chậm lại.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao đang giao dịch ở mức 2.021,51 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2024 trên sàn Comex New York tăng 0,22% lên 2.022,3 USD/ounce.

Theo đó, rong quý IV/2023, GDP của Mỹ tăng 6,3% sau khi điều chỉnh với lạm phát. Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 2,5%. Tốc độ này cao hơn năm 2022 với mức tăng trưởng GDP đạt 1,9%.

Động lực tăng trưởng chính của Mỹ là tiêu dùng cá nhân tăng 2,8% trong quý IV/2023. Đầu tư của doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản cũng góp phần giúp kinh tế tăng trưởng vượt dự báo. Lạm phát lõi cũng tăng ở mức 2% quý thứ hai liên tiếp, khớp với mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Về mặt lạm phát, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) tháng 11/2023 tăng 2,7% so với một năm trước; thấp hơn đáng kể so với mức 5,9% vào tháng 11/2022.

Chỉ số PCEPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm) đi lên 3,2% so với cùng kỳ. Hồi tháng 11/2022, PCEPI lõi tăng tới 5,1%. PCEPI lõi là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Cùng với đó, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, tổng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần này đạt 214.000, tăng 25.000 so với tuần trước và vượt xa ước tính của các chuyên gia là 199.000.

Có thể thấy, sức mạnh tiêu dùng ổn định và thị trường lao động mạnh mẽ đã giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ trong cả năm. Song, nền kinh tế đứng đầu thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức khác trong tương lai. Một số chuyên gia lo ngại về tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt.

Ông Bart Melek, Trưởng nhóm chiến lược hàng hóa tại TD Securities cho rằng, nền kinh tế đang mạnh hơn nhiều so với dự kiến cùng với tỷ lệ lạm phát đang suy giảm đã giúp cho các thị trường có thể không cần chuẩn bị cho việc lãi suất tăng đột biến. Đây là điều vô cùng có lợi cho thị trường vàng.

Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm tài sản không sinh lãi như vàng. Ngoài ra, dữ liệu kinh tế tích cực cũng đã khiến lợi suất trái phiếu kho bạc đi xuống và tạo điều kiện củng cố đà hồi phục của vàng.

Ở diễn biến khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) công bố quyết định giữ nguyên mức lãi suất cao kỷ lục 4%, đồng thời tái khẳng định cam kết chống lạm phát. Đây là lần thứ ba liên tiếp, ECB giữ nguyên lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất nhằm kiềm chế mức tăng của giá cả.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể đã rơi vào suy thoái trong quý trước và khởi đầu chậm chạp vào tháng Giêng, khiến quý hiện tại là quý thứ 6 liên tiếp với tăng trưởng gần như bằng 0 hoặc âm.

Lạm phát khu vực đồng Euro đang giảm đều đặn, mặc dù tăng lên 2,9% trong tháng 12 vừa qua từ mức 2,4% của tháng 11/2023.

Tỷ lệ lạm phát tăng trong tháng cuối năm vừa qua chủ yếu do các yếu tố kỹ thuật như hết trợ cấp của chính phủ và giá năng lượng thấp vượt quá số liệu cơ bản dùng để tính tỷ lệ lạm phát.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đang được giao dịch ở khoảng 103,45 điểm.

Sáng ngày 26/1, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.036 VND/USD, tăng 5 đồng so với phiên trước. Với biên độ +/-5% theo quy định, biên độ dao động của tỷ giá USD tương ứng là 22.835 - 25.239 VND/USD. Tại Vietcombank, tỷ giá hiện đang được yết ở mức 24.410 VND/USD (mua vào tiền mặt) và 24.780 VND/USD (bán ra), tăng 10 VND/USD ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với phiên trước. Trên thị trường tự do, giá USD điều chỉnh nhẹ sau khi tăng vọt lên hôm qua. Dù vậy, theo khảo sát tại đa số cửa hàng, USD đều vượt trên 25.000 đồng.

Khác với xu hướng tích cực thường thấy vào đầu năm, áp lực đối với tỷ giá hiện nay đang cao dần. Theo SSI Research, nguyên nhân một phần đến từ việc thị trường đang đánh giá lại khả năng giảm lãi suất của Fed.

Tin liên quan
Tin khác