Đầu tư và cuộc sống
Giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam
Hưng Anh - 15/10/2024 10:56
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức Hội thảo “Một số giải pháp đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam”.

Triển khai các mô hình giảng dạy tiếng Anh trong trường học

Hội thảo được nhằm đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Bộ Chính trị, trong đó đặt ra mục tiêu từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Thông qua các nội dung tham luận chuyên sâu được trình bày tại hội thảo, đại biểu tham gia cùng nhau thảo luận, chia sẻ về thực trạng triển khai dạy và học tiếng Anh hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã nêu lên một số nhóm giải pháp tiêu biểu như xây dựng môi trường học tập và sử dụng tiếng Anh, đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh.

Tại TP.HCM triển khai nhiều mô hình giảng dạy tiếng Anh hiệu quả trong trường học. Ảnh: Sơn Nam

Ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh: “Để triển khai thực hiện thành công mục tiêu đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học ở Việt Nam, chúng ta cần có sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các cơ sở giáo dục, các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nghiệp cùng với sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và toàn xã hội”.

Mô hình triển khai các khung chương trình giảng dạy và các giải pháp kiểm tra, đánh giá dựa trên việc phân tầng 3 cấp độ triển khai bao gồm cấp độ triển khai giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai một cách toàn diện, giảng dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai ở mức độ tiêu chuẩn, và cấp độ thấp nhất là bắt đầu từng bước triển khai thực hiện.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM đã và đang thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính đột phá như chương trình tăng cường tiếng Anh; chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam” thuộc Đề án 5695; mô hình trường chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” tại TP.HCM theo Quyết định số 07/QĐ-UBND.

Kết quả khả quan của Đề án 5695 là điểm sáng cho thấy TP.HCM hoàn toàn có thể bắt đầu triển khai thực hiện đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học theo cấp độ cao nhất của mô hình trên (triển khai một cách toàn diện) ở một số trường.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu sớm cho Chính phủ sớm ban hành đề án

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, trong đó có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam,...

“Như thế chúng ta cần 5 trụ cột chính là quản lý nhà nước, các nhà khoa học - chuyên gia, nhà đào tạo (cơ sở giáo dục), nhà trường, nhà doanh nghiệp cùng tham gia hiến kế để thực hiện đề án mang tính quốc gia này.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành một đề án mang tầm quốc gia về đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, trong đó có các giải pháp về nguồn lực, cơ chế chính sách, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, tạo cơ hội cho giáo viên bản ngữ hợp tác, làm việc tại Việt Nam.

Theo tôi, đến năm 2025 có thể xây dựng xong đề án này và xác định rõ lộ trình cũng như các giải pháp thực hiện. Kinh nghiệm thực tiễn của TP.HCM về thực hiện Đề án 5695 của UBND TP.HCM cho thấy cần có một chiến lược, một kế hoạch cụ thể,...

Chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó xác định các giải pháp trước mắt, lâu dài và đột phá. Như thế, cách làm đồng bộ nhưng phải xác định đâu là giải pháp đột phá, không dàn hàng ngang, nơi nào có điều kiện phù hợp thì thực hiện. Khuyến khích các địa phương có đủ điều kiện như TP.HCM sẽ là đầu tàu dẫn dắt, định hướng việc dạy và học tiếng Anh hiệu quả”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Tin liên quan
Tin khác