Ô tô - xe máy
Giải pháp nào cho nhu cầu sạc xe máy điện của người dùng Việt Nam
Như Loan - 27/06/2023 10:49
Xây dựng hệ thống trạm sạc, hệ thống đổi pin hay cải thiện tốc độ sạc của sản phẩm là những giải pháp từ các thương hiệu xe điện đối với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.

Một trong những yếu tố mà người tiêu dùng thường cân nhắc khi có ý định chuyển sang xe điện là tiện ích sạc xe, bao gồm hệ thống trạm sạc, thời gian sạc, tuổi thọ pin... Cũng chính vì vậy, để chạy đua trong cuộc chạy đua giành thị phần, các hãng xe điện Việt Nam đang triển khai nhiều cách khác nhau để giải quyết câu chuyện sạc xe cho khách hàng. Mỗi cách làm đều có những ưu - nhược điểm nhất định, nhưng nhìn chung đều được phát triển dựa trên mong muốn giúp trải nghiệm của khách hàng với việc sử dụng xe điện trở nên hoàn thiện hơn, từ đó khuyến khích người dùng sử dụng xe điện trong đời sống hàng ngày. 

Hệ thống trạm sạc

Một hệ thống trạm sạc của Vinfast


Hãng xe điện Vinfast đang tập trung giải quyết vấn đề bằng cách lắp đặt trạm sạc ở các bãi đỗ xe, hầm gửi xe trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và các nơi thuận tiện khác với quy mô lên tới 150.000 cổng sạc tại khắp 63 tỉnh thành. Hiện tại, VinFast đang áp dụng đơn giá sạc 3.117 đồng/kWh. Đây là mức giá hợp lý trong bối cảnh giá xăng dầu tương đối cao như hiện nay.

Những trạm sạc này chỉ phục vụ riêng cho xe máy và xe ô tô điện Vinfast và chưa có kế hoạch san sẻ cho các thương hiệu xe khác trong vòng 10 năm tới. Quyết định này của chủ tịch Vingroup khiến dư luận khá xôn xao, tuy nhiên, có thể thấy chiến lược độc quyền này cũng tương tự như các hãng xe khác trên thế giới. Ngay cả thương hiệu lớn như Tesla cũng mới đồng ý mở khoá trạm sạc trong vòng 2 năm trở lại đây, nhằm được hưởng lợi từ chính phủ Mỹ. 

 Giải pháp này giúp Vinfast khẳng định tiềm lực của thương hiệu, cũng như đảm bảo trải nghiệm của khách hàng. Tuy nhiên, Vinfast sẽ cần tính toán thật kĩ lưỡng để có thể quy hoạch hệ thống trạm sạc một cách hợp lý, sao cho thuận tiện nhất đối với người dùng. 

Cải thiện tốc độ sạc

Ở chiều ngược lại, thay vì phát triển hạ tầng trạm sạc, Dat Bike - một start-up Việt lựa chọn tập trung cải tiến sản phẩm để không phụ thuộc quá nhiều vào trạm sạc. Những dòng xe mới của Dat Bike như Weaver 200, Weaver++ có tốc độ sạc 30km chỉ trong vòng 20 phút tại các ổ điện gia dụng, đủ dùng cho quãng đường đi lại trong một ngày. Trong chiến dịch quảng bá mới nhất, Dat Bike đã đưa ra thông điệp gây ấn tượng rằng bất kỳ ổ điện nào cũng là một “trạm sạc nhanh”.

Theo ước tính, chỉ riêng thành phố Hồ Chí Minh đã có tới hàng triệu ổ điện có thể sạc được xe máy điện, nên start-up này đã công bố số liệu trên như một cách ví von làm nổi bật khả năng sạc nhanh hiện nay của sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể đăng ký tham gia vào mạng lưới trạm sạc cộng đồng của Dat Bike để đưa điểm dịch vụ lên bản đồ mạng lưới điểm sạc, tạo thêm tiện ích của người dùng xe điện nói chung. 


Ưu điểm của cách tiếp cận này là dễ dàng thiết lập các điểm sạc xe mà không cần đầu tư nhiều thiết bị kỹ thuật và nguồn điện công suất lớn, dễ dàng nhân rộng mô hình đặc biệt là khi có sự chung tay của cộng đồng. Tuy nhiên, đây là cách tiếp cận khó khăn cho bản thân doanh nghiệp và đội ngũ nghiên cứu phát triển sản phẩm vì bài toán làm sản phẩm với hiệu năng vượt trội với xe xăng đi kèm mức giá cạnh tranh được vẫn còn chưa có lời giải chính xác. 

Hệ thống trạm đổi pin

Hệ thống trạm đổi pin của Selex (Nguồn ảnh: Selex)


Một hình thức khác đang được áp dụng đến từ hãng xe máy điện Selex Motors đó là cho phép người dùng tháo và thay pin đã sạc đầy tại trạm, còn pin đã dùng cạn sẽ được trả lại vào trạm pin tự động để sạc, sẵn sàng sử dụng cho những lần sau. Hiện nay, Selex có khoảng 51 trạm đổi pin, trong đó có 24 điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại các trạm đổi pin tự động này, chủ xe có thể thay pin chỉ trong vòng 2 phút. 

Điểm đặc biệt là pin của Selex có thể tương thích với nhiều hãng xe máy điện khác trên thị trường. Cách tiếp cận này tuy độc đáo và khá thuận tiện cho khách hàng, nhưng mặt còn hạn chế là số lượng trạm đổi pin chưa  nhiều. Người dùng và các chuyên gia đều có nhận định rằng Selex sẽ còn phải đi một quãng đường dài để xây dựng cơ sở hạ tầng trạm đổi pin, biến ý tưởng này thành một giải pháp có tính thực tiễn cao và tiếp cận với nhiều người dùng hơn nữa. 

Các thương hiệu xe điện tại Việt Nam đều đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao tiện ích sạc xe điện. Dù đi theo hướng nào thì đều có điểm chung là khuyến khích việc sử dụng xe điện làm phương tiện cá nhân, nhằm xanh hoá giao thông đô thị. Chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai xanh không còn xa khi nhận thấy được sự nghiêm túc theo đuổi lĩnh vực công nghệ năng lượng mới đến từ vị trí của các doanh nghiệp trong nước. 

Tin liên quan
Tin khác