Ngày 20/10 tới, Bao bì Dầu thực vật sẽ chốt danh sách cổ đông, thanh toán 5.070 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 50,7% mệnh giá mỗi cổ phiếu trước khi giải thể. Tổng số tiền chi trả là hơn 76 tỷ đồng.
Theo đó, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật (Vocarimex) nắm giữ 51,05% vốn sẽ nhận về 38,8 tỷ đồng. PYN Elite Fund, cũng từng là cổ đông lớn của doanh nghiệp này, nhưng đã bán “lúa non” toàn bộ hơn 1,4 triệu cổ phiếu từ hồi tháng 3-4/2020 với giá chuyển nhượng dưới 3.000 đồng/cổ phiếu.
Mức thanh toán trên cao hơn 10,21% so với giá cổ phiếu đóng cửa ngày gần nhất (4.600 đồng/cổ phiếu), đồng thời, cũng giữ đúng cam kết cách đây 2 năm về việc thanh toán cho cổ đông với giá cao hơn thị giá thời điểm đó.
Bao bì Dầu thực vật hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại bao bì giấy, chai và nắp nút nhựa. Doanh nghiệp này thành lập từ năm 2002 và là một trong số các doanh nghiệp lên sàn sớm (tháng 12/2006).
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường tổ chức tháng 11/2018, các cổ đông đã quyết định giải thể công ty. Lãnh đạo công ty cho biết thị trường ngành bao bì thùng carton và dự kiến còn khó khăn hơn. Theo đó, công ty mất thị phần, mất thị trường, không thể tiếp tục hoạt động trong điều kiện sản lượng tiêu thụ, khách hàng ngày giảm sút. Công ty cũng xác định áp lực cạnh tranh quyết liệt trên thị trường khiến rủi ro hoạt động tăng lên. “Sẽ có nguy cơ mất hết vốn cổ đông nếu muốn gia tăng cạnh tranh, nâng cao hiệu quả hoạt động”, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Xuân Liễu khi đó cho hay.
Trong năm 2019, doanh nghiệp này đã triển khai bán tài sản, đặc biệt là chuyển nhượng nhà xưởng máy móc; đồng thời, thanh toán nợ ngân hàng, nợ thuế. Cụ thể, công ty đã sang nhượng toàn bộ tài sản là đất thuê khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương, nhà xưởng và máy móc thiết bị nhà máy Bao bì Bình Dương cho Công ty TNHH MTV Lập Thịnh, nhượng tài sản là đất thuê Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp, quận 12,TP.HCM và nhà xưởng trên đất cho Tập đoàn Kido, một bên liên quan tới công ty. Từ giữa năm 2017, Kido đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex - công ty mẹ của Bao bì Dầu thực vật lên mức chi phối. Ngoài ra, công ty cũng xử lý hàng tồn kho cùng các khoản công nợ và phối hợp với BIDV để phê duyệt đấu giá các máy móc thiết bị khác.
Giá trị tài sản cố định thời điểm cuối năm 2018 của công ty còn hơn 248,5 tỷ đồng. Bao bì Dầu thực vật thu về hơn 21,5 tỷ đồng tiền lãi chênh lệch từ thanh lý, nhượng bán gần hết các tài sản cố định. Dòng tiền từ hoạt động này chủ yếu được sử dụng để thanh toán các khoản nợ ngân hàng sau đó.
Theo số liệu cập nhật mới nhất đến quý I/2020, tổng tài sản của Công ty cổ phần Bao bì Dầu thực vật (mã VPK) còn gần 77,7 tỷ đồng, chủ yếu gồm tiền và các khoản phải thu. Gần như toàn bộ các khoản nợ thuế đã được thanh toán hết. Trong khi vốn góp chủ sở hữu xấp xỉ 150 tỷ đồng, khoản lỗ lũy kế đã ăn mòn một nửa (-75,17 tỷ đồng).