Đảm bảo kiểm soát lạm phát 4-4,5%
Trong Phiên họp thứ 35 vừa bế mạc chiều qua (11/7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 5 và tháng 6/2024.
Ông Dương Thanh Bình, Trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) phản ánh, cử tri đặc biệt quan tâm đến việc Quốc hội điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024, quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 1/1/2025 và điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2024.
“Cử tri vui mừng khi mức lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2024. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải quyết, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc trong thời gian vừa qua. Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ sự phấn khởi khi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, chế độ ưu đãi người có công cũng được tăng để cải thiện và nâng cao đời sống cho những đối tượng này”, báo cáo của Ban Dân nguyện nêu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện |
Nhưng, ông Bình cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về việc giá cả một số mặt hàng đều biến động tăng, giá nguyên vật liệu biến động mạnh và duy trì ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. “Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường trong thời gian tới”, ông Bình cho hay.
Để việc tăng lương là thực chất, công tác điều hành giá đã được thực hiện như thế nào? Một phần câu trả lời cũng đã có từ Bộ Tài chính.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặt bằng giá hàng hóa diễn biến theo quy luật hằng năm, tăng vào dịp lễ tết đầu năm, giảm dần và tương đối ổn định ở các tháng tiếp theo. Sang tháng 3, nhu cầu mua sắm của người dân giảm sau Tết và yếu tố thời tiết ổn định thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả dồi dào khiến mặt bằng giá giảm.
Tháng 4 và tháng 5, mặt bằng giá tương đối ổn định, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0,05-0,07% so với tháng trước, chủ yếu do một số yếu tố như thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến nguồn cung rau củ tại địa phương, cũng như làm tăng nhu cầu sử dụng điện nước, mua sắm các mặt hàng điện lạnh và nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát tăng, từ đó đẩy giá các nhóm hàng này tăng nhẹ.
Ở chiều ngược lại, giá xăng dầu trong nước có xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu các giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá thời gian tới để đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong đó, sẽ tăng cường tập trung các giải pháp như giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá. Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các bộ, ngành xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ, điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra là 4-4,5%.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
Bộ Tài chính cũng “hứa” sẽ tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá. Đồng thời, sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường cũng là giải pháp được Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện.
Làm rõ nguyên nhân để dân thiệt thòi
Vẫn nằm trong phản ánh của cử tri, theo Ban Dân nguyện, cử tri và nhân dân tiếp tục lo lắng về tình trạng người bệnh tham gia bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh vẫn không có một số thuốc, hóa chất xét nghiệm thuộc danh mục thuốc do bảo hiểm y tế chi trả. “Từ đó, người bệnh phải đi mua thuốc bên ngoài hoặc xét nghiệm ở các bệnh viện tư nhân nhưng không được bảo hiểm y tế thanh toán. Điều này rất thiệt thòi cho người bệnh tham gia bảo hiểm y tế”, ông Bình nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề này, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói, trả lời trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định không thiếu thuốc, không thiếu các cơ chế, chính sách, quy định bảo đảm cho các bệnh viện thực hiện việc mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế. “Nhưng có vẻ, sau một quá trình thực hiện, các bệnh viện vẫn chưa giải quyết được vướng mắc, hạn chế này, gây ảnh hưởng đến người dân, nhất là người bệnh”, ông Y Thanh Hà Niê K’đăm nhận xét.
Nhấn mạnh việc “các hộ cận nghèo đi khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế mà không có thuốc, phải mua thuốc ngoài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế, đời sống”, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm và có những biện pháp cụ thể để giải quyết tình trạng nêu trên, nhất là cần làm rõ do trách nhiệm của ngành y tế hay do nguyên nhân khách quan.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế. “Bộ trưởng báo cáo không thiếu thuốc, vật tư y tế, nhưng thực tế các bệnh viện, cơ sở y tế giải quyết vấn đề này rất khó khăn, chủ yếu người dân vẫn phải đi mua ngoài đối với một số loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế, vấn đề này phải làm rõ”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị.
Tập hợp tình hình khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện khái quát, trong tháng 5 và tháng 6/2024, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có xu hướng tăng, tăng chủ yếu thuộc các lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng và lao động.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Ban Dân nguyện và các cơ quan hữu quan cần phân tích, làm rõ việc tăng khiếu nại, tố cáo, phản ánh của cử tri trong các lĩnh vực nêu trên có nguyên nhân ở đâu. Tăng do chính quyền cơ sở, địa phương hay do vướng mắc của pháp luật, do giải quyết không thấu đáo hay do nhận thức của người dân khiến cho dù đã giải quyết nhiều lần, hết thẩm quyền rồi, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại, tố cáo, từ đó có giải pháp phù hợp để giải quyết.