Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Theo PGS-TS Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách - VEPR), trong bối cảnh Covid-19 bùng phát, hầu hết các nước không sử dụng chính sách tài khóa gián tiếp là giảm các loại thuế. Lý do là, sử dụng chính sách tài khóa này dễ dẫn đến rủi ro là thu ngân sách nhà nước giảm đột ngột, nợ công gia tăng và đặc biệt là nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách tăng mạnh.
Cũng theo ông Thế Anh, sau khi có kết quả khảo sát doanh nghiệp lần thứ hai về tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện, nên phân nhóm doanh nghiệp để thực hiện các gói hỗ trợ.
Theo đó, với nhóm doanh nghiệp không bị hoặc ít bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, nên sử dụng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Đối với nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, chính sách hỗ trợ theo hướng kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
“Nếu phải sử dụng chính sách tài khóa thông qua việc giảm thuế, thì chỉ nên áp dụng đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT), vì giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ hỗ trợ được một số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng hoặc đang hưởng lợi từ các tác động của dịch bệnh, chứ không giúp được đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn”, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, nếu cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa thì nên giảm các nghĩa vụ đóng góp khác của doanh nghiệp, trong đó có kinh phí công đoàn.
Chia sẻ vấn đề này, TS. Đinh Tuấn Minh, Trưởng phòng Phân tích (Ngân hàng TMCP Quân đội) lo ngại, nếu sử dụng gói tài khóa quá mức thì bội chi, nợ công, nghĩa vụ trả nợ gia tăng. “Giảm thuế thì dễ, nhưng tăng thuế vô cùng khó khăn, vì sẽ bị phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân. Nếu không tăng thuế trở lại, ngân sách thu không đủ chi, buộc phải dừng việc điều chỉnh tiền lương cơ sở, thậm chí còn phải cắt giảm lương hưu, cắt giảm an sinh xã hội, dẫn tới bất ổn xã hội, thậm chí là bất ổn chính trị. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bị lâm vào vòng luẩn quẩn này”, ông Minh cảnh báo.
PGS-TS Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, phương án giảm thuế, nếu có, cần phải phân loại ngành nghề, lĩnh vực, có ưu tiên, ưu đãi theo thứ tự. “Ngành nghề nào cũng hỗ trợ thì không đủ nguồn lực và không có trọng tâm, trọng điểm, dẫn đến chính sách kém hiệu quả, lãng phí nguồn lực”, ông Thọ phân tích.
Theo ông Thọ, nếu có giảm thuế GTGT để kích cầu tiêu dùng, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh trong nước, thì phải hỗ trợ đúng đối tượng, không nên giảm thuế tràn lan.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực rất băn khoăn về đề xuất giảm thuế, ngay cả với thuế GTGT, vì nếu giảm, ngân sách nhà nước sẽ hụt thu rất mạnh. “Năm 2021, dự toán thu thuế GTGT là 330.882 tỷ đồng, chỉ cần giảm 10% thì ngân sách nhà nước giảm thu trên 33.000 tỷ đồng. Chưa kể, trong tổng số ngân sách thu được từ GTGT, hàng hóa nhập khẩu đóng góp 93.500 tỷ đồng, nếu giảm thuế thì cũng phải giảm thuế cho cả hàng hóa nhập khẩu, nên sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước không được cải thiện. Còn đề xuất giảm thuế GTGT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thì không khả thi”, ông Lực phát biểu.
Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Minh Tân khẳng định, việc giảm thuế GTGT không cứu được doanh nghiệp vì sắc thuế này đánh vào khâu tiêu dùng, chứ không phải đánh vào khâu sản xuất.
“Thuế GTGT đánh vào các mặt hàng thiết yếu rất thấp, có giảm cũng không giải quyết được gì. Hơn nữa, những người có thu nhập trung bình trở xuống dù có giảm thuế, hạ giá thành sản phẩm cũng không gia tăng chi tiêu, vì với các mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng chỉ mua sắm, sử dụng dịch vụ vừa đủ với nhu cầu”, ông Tân giải thích.