Dù dịch trên địa bàn còn phức tạp nhưng theo đại diện CDC Đồng Tháp, nhờ kiểm soát tốt và huy động các nguồn lực mà đến nay, gánh nặng bệnh tật do bệnh gây ra đang giảm.
Đẩy mạnh y tế tư nhân tham gia vào phát hiện ca nghi ngờ nhiễm HIV, đưa vào quản lý, xét nghiệm sàng lọc, điều trị dự phòng Prep... góp phần làm giảm gánh nặng do dịch bệnh gây ra. |
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Công Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đồng Tháp cho hay, trong 10 năm gần đây, mỗi năm tỉnh phát hiện khoảng 397 trường hợp nhiễm HIV, trong đó năm 2019 lên tới 416 trường hợp.
Từ năm 2013 đến nay số trường hợp nhiễm HIV dao động không quá 500 trường hợp, nhưng đến các năm gần đây có chiều hướng tăng lên do được sự hỗ trợ từ các nguồn tài trợ, tỉnh đẩy mạnh tiến hành mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế xã, phường thị trấn, ngoài cộng đồng thông qua các đợt giám sát trọng điểm, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên,…
Số trường hợp chuyển AIDS và tử vong có sự biến đổi đáng kể, năm 2013 số trường hợp chuyển AIDS và tử vong cao nhất lần lượt là 390 và 203 trường hợp.
Theo đó, nếu như năm 2013 tử vong do AIDS đến 203 người, nhưng 10 năm sau, con số này giảm mạnh chỉ còn 69 người. Trên thực tế số trường hợp chuyển AIDS, tử vong giảm rõ rệt nói lên hiệu quả của thuốc điều trị kháng virus (ARV) đóng góp rất lớn.
Các trường hợp khi được phát hiện nhiễm HIV nhanh chóng đưa vào điều trị trong ngày. Đây là thành quả điều trị ARV ở Đồng Tháp.
Ngoài ra, những năm qua, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm đáng kể. Hàng năm, có trên 95% thai phụ được xét nghiệm tầm soát HIV. Vì thế, từ năm 2020-2023, không có trường hợp con lây HIV từ mẹ.
Tỷ lệ ca nhiễm mới từ nghiện chích ma túy cũng giảm rõ rệt. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV qua quan hệ tình dục không an toàn chiếm 99%.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, Phó Trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, CDC Đồng Tháp cho biết, việc tăng cường giám sát nhóm MSM, phát hiện sớm đưa vào điều trị Prep, cắt đứt nguồn lây là mục tiêu quan trọng của ngành Y tế tỉnh nhà để giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP và K=K) được triển khai nhằm hướng tới mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030. Với những nỗ lực và kết quả triển khai trong thời gian qua, Việt Nam dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về PrEP và K=K.
PrEP (Dự phòng trước phơi nhiễm HIV) sử dụng thuốc kháng vi-rút (ARV) để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV.
PrEP bao gồm việc dùng thuốc kháng vi-rút hay chất ức chế men sao chép ngược nucleoside của HIV (NRTI) để ngăn chặn sự phát triển của vi-rút HIV trong cơ thể người dùng.
Trước khi bắt đầu sử dụng PrEP và tối thiểu 3 tháng/lần trong thời gian điều trị bằng thuốc, người tham gia điều trị sẽ phải xét nghiệm HIV và có kết quả âm tính.
Nếu đã tiếp xúc với HIV hoặc có các triệu chứng cấp tính, người bệnh sẽ phải đợi để chắc chắn rằng mình có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi tiếp tục dùng thuốc PrEP. Không được dùng PrEP cho những người đang mắc HIV. Hiện nay trên thế giới có hai loại gồm thuốc uống và PrEP dạng tiêm.
Để có thể ngăn ngừa làn sóng dịch HIV/AIDS, theo lãnh đạo CDC An Giang, cơ quan này đã triển khai hoạt động tư vấn, xét nghiệm ở 100% huyện, thành; đa dạng hóa các hình thức tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là tư vấn xét nghiệm HIV cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV, nhóm MSM, đặc biệt nhóm MSM trẻ tuổi.
An Giang hiện có 6 điểm được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định HIV, để kết nối những người có kết quả nhiễm đến địa điểm điều trị ARV và những người có nguy cơ cao đến điều trị dự phòng.
Tỉnh này cũng đã triển khai hệ thống giám sát ca bệnh từ khi nhiễm HIV đến khi tử vong. Hiện đang thí điểm kết nối dữ liệu bệnh nhân đang điều trị tại OPC (quản lý trên phần mềm HMED) kết nối dữ liệu với hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV INFO). Bước đầu ghép nối thành công hơn 5.000 ca.
Tỉnh An Giang cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai xét nghiệm bạn tình/bạn chích (PNS), đồng thời tiếp cận mạng lưới xã hội người có nguy cơ cao và báo cáo ca bệnh và số liệu chương trình bằng phần mềm.