Trong báo cáo của UBND TP.HCM gửi Bộ tư pháp cho biết, 5 năm thực hiện Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là hụi), Thành phố không có một chủ hụi hay thành viên dây hụi nào báo cáo việc tổ chức hay chơi hụi của mình với chính quyền địa phương theo quy định.
Trong khi đó, số vụ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về quyền và nghĩa vụ trong quan hệ về hụi tăng vọt từng năm. Nếu như năm 2020 chỉ 1 vụ, thì năm 2023 lên tới 21 vụ và 8 tháng năm 20224 đã xử 9 vụ.
UBND TP.HCM cho rằng, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP được ban hành cơ bản tạo hành lang pháp lý cho người dân trong các giao dịch về hụi.
Tuy nhiên, một số quy định của Nghị định số 19/2019/NĐ-CP chưa phù hợp với thực tiễn, không bảo đảm tính khả thi làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật.
Cụ thể, theo quy định, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi là tổ chức từ 2 dây hụi trở lên. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định giới hạn số lượng dây hụi mà chủ hụi có thể tổ chức. Do đó, trên thực tế, một chủ hụi có thể tổ chức nhiều dây hụi khác nhau đã tạo nên mạng lưới chồng chéo, khó kiểm soát, khi “vỡ hụi” tạo phản ứng dây chuyền, gây hậu quả lớn cho người tham gia và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội của địa phương.
Một vụ vỡ hụi ở Đồng Nai. |
Hoặc nữa, theo quy định, chủ hụi có nghĩa vụ nộp thay phần hụi của thành viên nếu đến kỳ mở hụi mà có thành viên không góp phần hụi, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, quy định này đã tạo gánh nặng cho chủ hụi, nhiều dây hụi mất khả năng thanh toán và tuyên bố vỡ hụi do chủ hụi phải nộp thay phần hụi cho thành viên không góp phần hụi trong thời gian dài, một số thành viên tham gia dây hụi nhận thức việc chủ hụi đã đóng phần của mình nên không quan tâm đến việc góp hụi hoặc đã lợi dụng quy định này để “giật hụi”.
Bên cạnh đó, theo quy định, một người có thể trở thành thành viên mới của dây hụi khi có sự đồng ý của chủ hụi và tất cả các thành viên và góp đầy đủ các phần hụi theo thỏa thuận tính đến thời điểm tham gia. Nhưng trên thực tế, hầu hết các thành viên tham gia dây hụi đều không biết rõ tổng cộng số lượng thành viên tham gia dây hụi và việc đồng ý thành viên mới tham gia dường như chỉ dựa vào ý chí chủ quan của chủ hụi, do đó, rất khó kiểm soát tính công khai, minh bạch của các dây hụi, mặt khác lại không có quy định về giới hạn tối đa số lượng thành viên tham gia dây hụi nên nhiều trường hợp “vỡ hụi” có số lượng thành viên tham gia dây hụi rất đông, gây hậu quả khó khắc phục.
Cũng theo quy định, thành viên có quyền sao chụp sổ hụi và yêu cầu chủ hụi hoặc người giữ sổ hụi cung cấp các thông tin liên quan đến dây hụi. Tuy nhiên, thực tế người dân ít quan tâm đến việc lập văn bản thỏa thuận về dây hụi, quản lý sổ hụi, giấy biên nhận về giao dịch mà chủ yếu trên cơ sở niềm tin và thỏa thuận bằng miệng, do đó khi phát sinh tranh chấp thường không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh việc tham gia dây hụi cũng như số tiền cụ thể đã góp cho chủ hụi.
Bởi những bất cập, thiếu thực tế trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu thực hiện hoặc đề xuất, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hoạt động hụi, như: quy định về số lượng dây hụi mà chủ hụi có thể được tổ chức để tránh tình trạng “vỡ hụi” dây chuyền; quy định về số lượng thành viên tham gia dây hụi; quy định về cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động tổ chức hụi...