Trồng chuối là một trong 3 lĩnh vực mũi nhọn mà Hoàng Anh Gia Lai hướng tới trong tương lai. Ảnh: Lê Toàn |
Hạ giá, giảm khối lượng vẫn chưa chốt được cổ đông
Trong bối cảnh không được như kỳ vọng sau nhiều năm chuyển đổi từ lĩnh vực bất động sản sang nông nghiệp, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (viết tắt HAGL, mã HAG) cho thấy nhiều dấu hiệu khó khăn về dòng tiền để tiếp tục tìm động lực tăng trưởng ở các lĩnh vực mới trong nông nghiệp, cũng như giải quyết bài toán đáo nợ quá hạn tại ngân hàng và trái phiếu.
Để có thêm nguồn vốn, từ năm 2022 tới nay, HAGL liên tục lên kế hoạch huy động vốn, thông qua việc hợp tác với các tổ chức lớn để mở đường cho quá trình huy động vốn. Tuy nhiên, quá trình gọi vốn đang gặp nhiều khó khăn, liên tục phải thay đổi, điều chỉnh và chưa thể thực hiện.
Còn nhớ, ngày 8/4/2022, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức khi đó đã dành cả tiếng đồng hồ chia sẻ về kế hoạch phát hành riêng lẻ 161,9 triệu cổ phiếu với giá 10.500 đồng/cổ phiếu, huy động 1.700 tỷ đồng.
“Chúng tôi đang cần tiền để đầu tư mở rộng, không cần tư vấn. Trong đó, các đối tác tham gia đợt phát hành riêng lẻ dự kiến là một công ty chứng khoán và Công ty Quản lý quỹ Việt Cát”, ông Đức nói.
Song, tới ngày 17/4/2023, HAGL bất ngờ cho biết không thể hoàn thành đợt chào bán 161,9 triệu cổ phiếu do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán từ chối chào mua.
Sau đó, tới ngày 26/9/2023, một lần nữa, HAGL thông qua kế hoạch chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.300 tỷ đồng. Trong số tiền huy động, dự kiến 700 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai thông qua hình thức cho vay và thanh toán các khoản nợ; 330,5 tỷ đồng dùng thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012, mã HAG2012.300; còn lại 269,5 tỷ đồng để cơ cấu lại nợ cho công ty con là Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang thông qua hình thức cho vay để thanh toán nợ vay của công ty này tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong.
Điểm đáng lưu ý, tới ngày 23/11/2023, HAGL đã công bố danh sách nhà đầu tư, gồm Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát dự kiến mua 60 triệu cổ phiếu, sở hữu 5,67% vốn điều lệ (trở thành cổ đông lớn); Công ty cổ phần Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, sở hữu 4,73% vốn điều lệ; ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến mua 20 triệu cổ phiếu, sở hữu 1,89% vốn điều lệ.
Mặc dù vậy, chỉ sau đó 1 ngày, HAGL lại thông báo hủy danh sách 3 nhà đầu tư tham gia đợt phát hành riêng lẻ với lý do có sai sót trong quá trình trao đổi thông tin, cần sửa đổi, điều chỉnh.
Như vậy, mặc dù đã giảm lượng cổ phiếu chào bán từ 161,9 triệu cổ phiếu về 130 triệu cổ phiếu, đồng thời hạ giá chào bán từ 10.500 đồng/cổ phiếu, xuống 10.000 đồng/cổ phiếu, nhưng HAGL vẫn không thể thực hiện thương vụ gọi vốn, không thống nhất được với nhóm cổ đông dự kiến mua.
Trái với khó khăn trong quá trình gọi vốn, giá cổ phiếu HAG lại có dấu hiệu bùng nổ trong các đợt gọi vốn, đặc biệt trước thời điểm công bố danh sách cổ đông tham gia mua ngày 23/11/2023. Theo thống kê từ ngày 18/10 đến ngày 24/11 (kết thúc phiên 24/11 HQGL mới công bố hủy danh sách), cổ phiếu HAG đã tăng 35,1%, từ 7.700 đồng, lên 10.400 đồng/cổ phiếu và tới ngày 28/11, cổ phiếu HAG giao dịch ở vùng 10.700 đồng/cổ phiếu.
Vấn đề vẫn là tái cấu trúc nợ
Đối với trái phiếu mã HAGLBOND16.26, tính tới ngày 30/9/2023, Công ty đã chậm thanh toán tổng lãi lên tới 2.870,59 tỷ đồng và chậm thanh toán gốc lũy kế 1.157 tỷ đồng, lũy kế cả gốc và lãi chậm thanh toán là 4.027,59 tỷ đồng.
Lý do chậm thanh toán được Công ty đưa ra do liên quan nguồn tiền để thanh toán từ khoản nợ của Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của Công ty.
Thực tế, tại thời điểm cuối quý III/2023, HAGL ghi nhận tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 7.778,8 tỷ đồng, bằng 140,3% vốn chủ sở hữu. Trong khi đó, quỹ tiền mặt chỉ còn 62,3 tỷ đồng, chiếm 0,3% tổng tài sản.
Thêm nữa, tại thời điểm 30/9/2023, HAGL ghi nhận lỗ lũy kế 2.640,6 tỷ đồng, chiếm 28,5% tổng vốn điều lệ.
Với thực tế như vậy, thách thức đối với HAGL là nguồn vốn để phát triển mảng nông nghiệp.
Được biết, trong nhiều năm qua, việc HAGL liên tục xoay trục để tìm động lực tăng trưởng đã tạo ra sự hoài nghi về chiến lược dài hạn. Khi đầu tư chăn nuôi bò, ông Đoàn Nguyên Đức rất tự tin, nhưng sau đó, doanh thu giảm dần và không còn ghi nhận. Việc theo đuổi trồng chuối hiện nay, hay sắp tới là trồng sầu riêng không thể khẳng định sẽ thành công hay không.
Có thể thấy, HAGL vẫn còn nhiều vấn đề nội tại chưa giải quyết, trong đó, lớn nhất là vấn đề tái cơ cấu nợ vay, cũng như tìm được nhà đầu tư mới để “bơm” vốn tiếp tục tham vọng phát triển trong 3 lĩnh vực là trồng chuối, nuôi heo và sắp tới là trồng sầu riêng.