Gia tăng tai nạn lao động
Đã qua 15 năm phát động Tuần lễ Quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng chống cháy nổ và lần thứ 16 sẽ diễn ra từ ngày 16 - 22/3, nhưng số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước.
| ||
Một vụ tai nạn lao động (ảnh minh họa) |
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong năm 2013, mặc dù số người bị TNLĐ và số vụ TNLĐ giảm 1,2% so với năm 2012, nhưng số vụ gây chết người lại tăng 1,8% (tăng 10 vụ) và số người chết tăng 3,5% (tăng 21 người). Đặc biệt, số vụ TNLĐ có 2 người bị thương nặng trở lên tăng tới 19%.
Có tới 59% số vụ TNLĐ trong năm 2013 là do người sử dụng lao động dùng các thiết bị không đảm bảo an toàn, không được huấn luyện biện pháp an toàn lao động.
Trong khi đó, chỉ có 26% số vụ lao động có nguyên nhân do lao động vi phạm quy trình, quy phạm an toàn hoặc không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Đáng nói là, Cục An toàn lao động chỉ nhận được 175 biên bản điều tra trong tổng số 562 vụ tai nạn lao động chết người (189 người chết) trong năm 2013.
Lý giải vấn đề này, ông Thắng cho biết, hiện có 2 loại báo cáo: báo cáo nhanh của cơ sở và báo cáo định kỳ. Với báo cáo nhanh, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường cố tình giấu giếm, hoặc cố tình làm sai lệch thông tin. Còn báo cáo định kỳ của các địa phương cũng không đầy đủ, được tổng hợp từ các báo cáo nhanh và thiếu các yếu tố phân tích.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cấp chưa tốt, nên tiến độ điều tra các vụ TNLĐ chết người còn rất chậm so với quy định. Trong khi theo quy định hiện hành, trong vòng 20 - 40 ngày, cơ quan hữu trách phải nhận được báo cáo, thì có những trường hợp sự việc xảy ra từ đầu năm, nhưng đến cuối năm, cơ quan quản lý mới được biết. Đặc biệt, nhiều vụ tai nạn xảy ra trong khai thác khoáng sản tư nhân, trong các công trình xây dựng nhà ở của dân không có ai điều tra, thống kê và báo cáo.
Không mạnh tay, khó xoay tình thế
Mặc dù số vụ tai nạn vẫn tăng hàng năm, nhưng theo ông Thắng, “với khoảng 400 thanh tra viên lao động trên toàn quốc như hiện nay, chúng tôi không thể nào làm xuể, khi có tới 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động”.
Ngoài ra, thanh tra lao động của Bộ chỉ xây dựng, đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ và thanh tra điểm ở các tập đoàn, tổng công ty mang tính chất liên ngành trên toàn quốc, chứ không thanh tra toàn bộ vụ việc ở các địa phương. Trong khi đđó, trách nhiệm đầu tiên trong việc đảm bảo an toàn thuộc về người sử dụng lao động.
Chia sẻ vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trách nhiệm đầu tiên là chủ sử dụng lao động phải trang bị, huấn luyện người lao động về các quy tắc an toàn. Kế đến là ý thức tuân thủ quy tắc của người lao động và trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương.
Theo ông Lợi, cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường huấn luyện, phổ biến pháp luật và nâng cao vai trò của người đại diện lao động tại doanh nghiệp là tổ chức công đoàn. Đặc biệt, phải xử lý vi phạm một cách nghiêm khắc, chứ không thể xử lý nhẹ như hiện nay.
“Việc xử lý trách nhiệm với các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn mà không có báo cáo sẽ như thế nào, trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương ra sao? Ai đảm bảo việc các doanh nghiệp sẽ trang bị đủ thiết bị an toàn cho lao động sau khi tai nạn xảy ra để sự việc không tái diễn? Đã không đủ thanh tra viên để kiểm tra nhiều doanh nghiệp mà việc xử lý cũng chưa đầy đủ như vậy, nên tai nạn tăng là điều dễ hiểu. Chí ít, bên cạnh việc xử lý hành chính thật nặng, phải buộc đóng cửa hoặc dừng sản xuất”, ông Lợi đề xuất.
Thực tế, một khó khăn là, hiện chưa có chế tài nào quy định trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương để xảy ra nhiều tai nạn lao động. Dù trong Chỉ thị của Ban Bí thư có nhắc đến điều này, nhưng xử lý như thế nào lại không có quy định cụ thể.
Việc xem xét xử lý hình sự chủ sử dụng lao động để xảy ra tai nạn chết người hiện cũng rất ít, như năm 2013 chỉ xử lý hình sự có vài vụ trong tổng số 562 vụ tai nạn chết người.
Phan Long