Y tế - Sức khỏe
Giàu tài nguyên dược liệu, nhưng đáng buồn người Việt vẫn phải dùng hàng nhập khẩu
D.Ngân - 23/04/2022 19:41
Dù có tiềm năng lớn song việc phát triển nguồn dược liệu trong nước phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe vẫn đang vấp phải rào cản lớn.

Nhiều rào cản

Tại Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát triển và sử dụng nguồn dược liệu vì sức khỏe cộng đồng” được tổ chức ngày 23/4, nhiều đề xuất liên quan tới công tác phát triển nguồn dược liệu được đặt ra.

Dù có tiềm năng lớn song việc phát triển nguồn dược liệu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe vẫn đang vấp phải rào cản lớn.

Chủ tịch Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng động Việt Nam Nguyễn Hồng Quân nêu lên một thực tế đáng buồn về công tác phát triển nguồn dược liệu, đó là Việt Nam đang dần mất tự chủ về dược liệu; nguồn dược liệu sử dụng trong nước phần lớn vẫn được nhập khẩu.  

Phân tích rõ hơn về việc phát triển nguồn dược liệu trong nước, ThS. Ngô Quốc Luật, Viện trưởng Viện Công nghệ Đại Việt, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chế biến cây thuốc Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho rằng, vai trò của cây thuốc trong việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng và đem lại lợi ích kinh tế cho người dân là không thể phủ nhận.

Tuy nhiên, chất lượng dược liệu đưa vào sử dụng hiện nay chưa được quan tâm đặc biệt, chưa tuân thủ trồng theo tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” (GACP-WHO) theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. 

Cụ thể, nhiều vùng trồng, nhiều địa phương vẫn chưa có sự kiểm soát sản xuất dược liệu an toàn (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trừ sâu bệnh không theo danh mục quy định; Phân bón hoạt chất hoá học gây ô nhiễm môi trường đất đai và tồn dư chất độc hại trong dược liệu …). Đặc biệt, nhiều cơ sở chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật chế biến an toàn.

Còn theo PGS.TS.Trần Thị Oanh, nguyên Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), nghiên cứu về cây thuốc được thực hiện ở nhiều bộ, ngành, địa phương và cơ sở, nhưng thiếu dữ liệu liên kết, dẫn đến nhiều nghiên cứu chồng chéo nhau, thậm chí lặp lại các nghiên cứu đã làm trước đây, dẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội. 

Một lượng lớn các nghiên cứu chủ yếu là nghiên cứu cơ bản về cây thuốc, được thực hiện rời rạc, theo ý tưởng của các nhà khoa học thường không được thực hiện đến sản phẩm cuối cùng, dẫn đến thiếu thực tiễn và không được ứng dụng trong thực tế.

Đó còn là việc thiếu các nhà máy sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ dược liệu với dây chuyền công nghệ sản xuất đồng bộ tiên tiến và hiện đại để sản xuất các sản phẩm hoạt chất tinh khiết, cao toàn phần từ dược liệu đạt chất lượng.

Hay việc đầu tư cho công tác nghiên cứu kiểm tra, kiểm soát chất lượng dược liệu và thuốc từ dược liệu còn chưa đồng bộ. Việc xây dựng và hoàn thiện được các phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, kiểm nghiệm còn hạn chế, chưa kể là thiếu các quy trình, quy chuẩn, dược liệu chuẩn, bộ dược liệu đối chiếu, ngân hàng chất chuẩn, ngân hàng chất đối chiếu.

Lời giải nào?

Từ thực tế nêu trên các chuyên gia cho rằng, cần ứng dụng những thành tựu của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển dươc liệu từ việc tiếp cận chia sẻ thông tin để truy xuất nguồn gốc dược liệu;

Đồng thời quản lý các yếu tố đầu vào (hệ thống phần mềm đánh giá chất lượng) đến theo dõi, giám sát quy trình trồng, chăm sóc (bằng hệ thống máy cảm biến và máy tính chủ trung tâm), khâu sơ chế, đóng gói tự động, vận chuyển, lưu trữ và lưu hành sản phẩm với sự hỗ trợ của hệ thống thông tin dữ liệu lớn (big data).

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá giá trị y học của nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Nghiên cứu, áp dụng và chuyển giao các công nghệ mới, tiên tiến trong chiết xuất, xác định thành phần dược chất, bào chế các dạng sản phẩm thuốc từ dược liệu. Tập trung vào các công nghệ tiên tiến, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Tăng cường hợp tác quốc tế với các quốc gia có trình độ khoa học - công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển dược liệu và có nhiều điều kiện tương tự như Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Thái Lan

Khai thác hiệu quả các hợp tác quốc tế thông qua nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đặc biệt là các công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh trong trồng trọt, chế biến dược liệu và bào chế các loại thuốc từ dược liệu.

Xây dựng các chương trình đào tạo từ cấp đại học đến sau đại học về nghiên cứu và phát triển dược liệu ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực dược liệu.

Mở rộng và triển khai thường xuyên các hoạt động tập huấn, đào tạo tại chỗ cho bà con nông dân, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất dược liệu, đào tạo kết hợp chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên dược liệu, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) nêu quan điểm, bước đi đúng đắn nhất và có hiệu quả nhanh là tập trung đầu tư cho công nghệ nguyên liệu, tạo ra nguyên liệu dược đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.

"Chỉ khi ngành công nghiệp sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP- WHO sản phẩm mới có vị trí tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu", chuyên gia nêu ý kiến.

Theo số liệu của Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, tổng giá trị sử dụng tại Việt Nam khoảng 5,14 tỷ USD/2018, trong đó chế phẩm từ vị thuốc (thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) khoảng 440 triệu USD (chế phẩm từ dược liệu khoảng 330 triệu USD và vị thuốc khoảng 110 triệu USD).
Tổng giá trị nguyên liệu, dược liệu sản xuất thuốc 200 triệu USD (tương đương 50.000-60.000 tấn dược liệu/năm).
Tin liên quan
Tin khác