PVTrans liên tục đầu tư mở rộng đội tàu trong những năm qua Ảnh: Lê Toàn |
Giá cước vận chuyển dầu thô bắt đầu giảm
Nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024, xung đột ở Trung Đông (Biển Đỏ) gia tăng và xung đột Nga - Ukraine tiếp tục căng thẳng, khiến thời gian vận chuyển kéo dài (vì các hãng tàu phải đi đường vòng để tránh vùng xung đột) đã đẩy giá cước vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tăng cao.
Tuy nhiên, gần đây, giá cước vận chuyển dầu bắt đầu giảm. Dữ liệu của Baltic Exchange cho thấy, giá cước vận chuyển của tàu chở dầu thô loại lớn (VLCC) từ Mỹ đến thị trường trọng điểm châu Á giảm hơn 20% kể từ cuối tháng 5/2024, còn giá cước trên tuyến đường tiêu chuẩn từ Trung Đông đến Trung Quốc giảm 57% trong cùng kỳ.
Theo dữ liệu của Investing, từ ngày 8/1 đến 15/7/2024, Chỉ số Giá cước tàu chở dầu thô giảm 28,99%, từ 1.473 về 1.046 điểm; và từ ngày 22/1 đến 15/7/2024, Chỉ số Giá cước tàu chở dầu thành phẩm giảm 39,76%, từ 1.358 về 818 điểm.
Nhìn nhận về diễn biến này, ông Serena Huang, Trưởng nhóm Phân tích châu Á của Vortexa phân tích, giá cước vận tải tàu VLCC đã chịu áp lực rất lớn trong những tháng gần đây do nhập khẩu dầu thô yếu từ Đông Bắc Á, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng thời, nguồn cung tàu tăng nhờ các siêu tàu chở dầu mới đóng được giao trong 2 năm qua cũng khiến giá cước chở dầu quay đầu giảm trong nửa đầu năm 2024.
Áp lực bán cổ phiếu PVT gia tăng
Trong lĩnh vực vận tải dầu thô, PVTrans đang là tên tuổi hàng đầu tại Việt Nam. Năm 2023, PVTrans nâng tổng số tàu lên 51 chiếc, gần 90% đội tàu của Công ty hoạt động trên các tuyến khắp thế giới.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch HĐQT PVTrans đã chia sẻ kinh nghiệm quản lý đội tàu. Cụ thể, Công ty sử dụng phương pháp khấu hao nhanh, đẩy mạnh khấu hao trong giai đoạn mới tiếp nhận tàu và giảm dần áp lực khấu hao vào những năm sau. Giá cước vận chuyển dầu và giá tàu chở dầu tăng cao những năm qua đã giúp giá trị sổ sách đội tàu của PVTrans thấp hơn nhiều giá trị thị trường, đây là tài sản quý, giúp Công ty khai thác hiệu quả trong nhiều năm tiếp theo, ngay cả khi giá cước vận chuyển dầu đảo chiều.
Thực hiện chiến lược trẻ hóa đội tàu, liên tục trong 12 năm qua, PVTrans ghi nhận lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bình quân 16%, quy mô tài sản tăng trưởng khoảng 7%/năm, tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 13%/năm. Riêng năm 2023, PVTrans ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 10.135,5 tỷ đồng, vượt 49% kế hoạch, tăng 6% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 1.221,5 tỷ đồng, hoàn thành 227% so với kế hoạch và tăng 5,7% so với cùng kỳ.
Công ty SSI Research ước tính, PVTrans có thể vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương cả doanh thu và lợi nhuận trong thời gian tới. Trong đó, năm 2024 dự kiến doanh thu tăng 14,9%, lên 10.982 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 7,5%, lên 1.314 tỷ đồng. Năm 2025, ước tính doanh thu của PVTrans tăng 10,6%, lên 12.152 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 17%, lên 1.537 tỷ đồng.
Có thể thấy, bức tranh kinh doanh của PVTrans khá tích cực khi tăng trưởng được duy trì, cùng với kỳ vọng tiếp tục đà tăng trong những năm sắp tới.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu PVT của PVTrans gần đây có dấu hiệu giảm sau nhịp tăng mạnh đầu năm, bởi nhà đầu tư lo ngại tác động từ việc giá cước vận chuyển dầu quay đầu giảm. Cụ thể, từ ngày 18/12/2023 đến ngày 10/6/2024, cổ phiếu PVT tăng 40,99%, từ 22.910 đồng/cổ phiếu lên 32.300 đồng/cổ phiếu, nhưng tới ngày 18/7/2024 đã giảm 9,13% so với đỉnh ngày 10/6/2024, về mức 29.350 đồng/cổ phiếu và ngày 22/7/2024 tiếp tục giảm về mức 27.400 đồng/cổ phiếu.
Dấu hiệu đảo chiều của giá cổ phiếu PVT cùng với xu hướng đảo chiều của thị trường vận tải dầu thô nói chung đang tác động tới triển vọng kinh doanh của PVTrans trong ngắn hạn, mặc dù tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang diễn biến tích cực.