Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu: "Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và có quyền tự chọn". |
Sách tham khảo quá ... phong phú
Theo ông Trần Quang Nam, Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thị trường sách tham khảo hiện nay rất phong phú. Sách tham khảo của các nhà xuất bản chiếm lượng lớn danh mục đầu sách bán ra. Tại các cửa hàng/trung tâm sách, số lượng sách tham khảo chiếm đa số, trong khi lượng sách giáo khoa rất ít, thậm chí vắng bóng.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, hầu hết các sách tham khảo được xuất bản theo tiêu chí/quy định của nhà xuất bản, còn Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thẩm định nội dung sách tham khảo mà chỉ thẩm định chương trình nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Bộ này có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn các địa phương quản lý sử dụng sách tham khảo ở các cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, câu chuyện "bia kèm lạc" sách giáo khoa vẫn chưa ngớt. Đầu năm học mới này, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc về việc một số trường tiểu học yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo đối với lớp 1.
Tình trạng trên được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận và ngay đầu năm học mới, tại công văn số 3401/BGDĐT-GDTH ngày 4/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo "lệnh" cho các sở giáo dục và đào tạo phải thực hiện nghiêm túc các nội dung về sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được quy định tại Điều lệ trường Tiểu học ban hành kèm theo Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT.
Trong đó, yêu cầu tách bạch rõ sách giáo khoa là tài liệu bắt buộc sử dụng trong dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học đã được quy định, còn việc nhà trường trang bị tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên hay việc khuyến khích giáo viên sử dụng tài liệu tham khảo là nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
"Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo; phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và có quyền tự chọn", Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu.
Riêng đối với bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học phải thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, gồm 8 môn học bắt buộc: toán, tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên - xã hội, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, âm nhạc, mỹ thuật và môn học tự chọn là môn Tiếng Anh.
Ngoài ra, các trường tiểu học có trách nhiệm cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để học sinh và phụ huy biết và trang bị.
Sẽ sửa thông tư
Liêp tiếp trong tháng 9, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giám đốc các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị sách giáo khoa theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021 và những năm tiếp theo.
Riêng với tài liệu tham khảo, Bộ này yêu cầu ngành giáo dục các địa phương thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 21/2014/BGDĐT và Điều lệ trường học, đặc biệt tuyệt đối không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo và để phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế.
Đồng thời, yêu cầu các sở giáo dục và đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông về việc cung cấp sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chánh văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Nam cho biết, để tăng cường quản lý sử dụng sách tham khảo, thời gian tới Bộ này sẽ điều chỉnh, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT theo hướng quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường. Đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng từng bước độc lập với dạy học để hạn chế việc giáo viên "cài cắm" nội dung sách tham khảo đưa vào đề kiểm tra. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc sử dụng sách khoa, sách tham khảo trong nhà trường.