Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư tổ chức. |
Không thể xóa tín dụng đen
Tại Tọa đàm “Phát triển tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Tú Anh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) nêu một nhận định thú vị: “Tín dụng tiêu dùng không bao giờ xóa được. Tín dụng đen luôn luôn tồn tại bởi trong nền kinh tế luôn luôn có những ông sẵn sàng đánh bạc. Đã đánh bạc thì sẽ sẵn sàng tiếp cận tín dụng đen. Có cầu ắt sẽ có cung”.
Tuy ông Nguyễn Tú Anh chỉ đề cập một nhu cầu tiêu cực nhất của tín dụng đen, nhưng lại là nhận định mang tính bao quát với hoạt động này. Không thể phủ nhận thực tế là, tín dụng đen mạnh hơn tín dụng hợp pháp về khả năng giải quyết nhu cầu vay vốn. Báo cáo của Stox Plus về thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam cuối quý III/2018 cho hay, 48% dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Theo Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay nói chung của tổ chức tín dụng (TCTD) và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đều đang đặt ra những cản trở về đáp ứng nhu cầu cho vay. Theo các văn bản này, TCTD chỉ được giới hạn cho vay tiêu dùng với các nhu cầu được các thông tư cho phép. Trong khi đó, người đi vay tín dụng đen không gặp phải những bất cập bị ràng buộc bởi các thông tư nêu trên.
“Khi nhu cầu vay rất lớn, nhưng người dân bị giới hạn trong việc tiếp cận tín dụng tiêu dùng qua các kênh chính thống, đã tạo nên một thị trường màu mỡ cho tín dụng đen khai thác”, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty FE Credit nhận định.
Một nguyên nhân khác dẫn đến thực trạng tín dụng đen hiện nay là giải pháp phòng chống nhầm của hệ thống pháp luật hình sự đối với tín dụng đen. Luật sư Trần Minh Hải nêu ví dụ, đến hạn trả 100 triệu đồng để chuộc lại tài sản có giá 2 tỷ đồng, người vay sẵn sàng chấp nhận khoản vay với lãi suất vài trăm % một năm để chuộc lại tài sản rất giá trị.
“Vậy nên, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu, pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột, điều này không phù hợp với thị trường”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, cần một định nghĩa rõ ràng về tín dụng đen, đó là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay.
Kỳ vọng từ giải pháp tín dụng tiêu dùng
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, sự nổi lên của tầng lớp thu nhập trung bình ở Việt Nam trong thập niên qua đã kéo theo thay đổi đáng kể về hành vi tiêu dùng. Đó chính là không nhất thiết phải “tiết kiệm trước, tiêu sau”, mà có thể “vay mua trước, trả sau”. Như vậy, cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu hiện đại, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, cho vay tiêu dùng chính thức được hình thành tại Việt Nam từ năm 1995, nhưng phát triển mạnh trong gần 10 năm trở lại đây. Qua đó, hình thức tín dụng này góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, giảm bớt tệ nạn tín dụng đen, hạn chế thanh toán dùng tiền mặt…
Tuy nhiên, ông Cấn Văn Lực cũng chỉ ra rằng, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là quy mô của tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam vẫn còn nhỏ, kiến thức về tài chính, tín dụng của người dân và doanh nghiệp nhỏ Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là quan niệm lệch lạc khi cho rằng tín dụng tiêu dùng là tín dụng đen.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trịnh Bá Việt Xô, Trưởng phòng Quản lý đối tác chiến lược, Công ty Tài chính Home Credit Việt Nam cho rằng, để phối hợp hiệu quả với cơ quan quản lý trong cuộc chiến đẩy lùi tín dụng đen, các công ty tài chính tiêu dùng cần tăng cường khả năng tiếp cận người dân và nâng cao hiểu biết về tín dụng an toàn cho người dân. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, qua đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
“Cần có nhiều hơn dịch vụ cộng thêm ‘bảo hiểm khoản vay’. Bảo hiểm rủi ro cho người vay tín dụng tiêu dùng là vô cùng cần thiết, đặc biệt là đối với người vay có thu nhập thấp, nhằm tránh các rủi ro có thể xảy ra”, ông Xô nói.
Về mặt chính sách, ông Nguyễn Thành Phúc đề xuất, Ngân hàng Nhà nước xem xét hoàn thiện hệ thống pháp lý, quy định phù hợp với hoạt động tín dụng tiêu dùng của các TCTD. Đối với nhu cầu vốn vay, theo quy định hiện nay, người đi vay phải liệt kê chính xác từng nhu cầu vốn, trong khi nhu cầu tiêu dùng là những nhu cầu đa dạng, thiết yếu cho sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, yêu cầu người đi vay liệt kê chính xác các nhu cầu này gần như không thể thực hiện được.
Về nghiệp vụ tín dụng, khi người dân có nhu cầu vay cấp thiết, thì nhiều quy định, thủ tục phức tạp trong việc đăng ký, xét duyệt vay khiến các TCTD không thể cạnh tranh với tín dụng đen. Cụ thể, cần xem xét loại bỏ chứng từ chứng minh thu nhập và chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay để giảm bớt gánh nặng chi phí hành chính không cần thiết, bởi các khoản vay tiêu dùng thường có giá trị nhỏ, các nơi cung cấp hàng hóa bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng không có hóa đơn chứng từ… Đồng thời, cần có những quy định xử lý nợ riêng, thủ tục tố tụng rút gọn để xử lý hiệu quả những khoản nợ xấu, khó đòi.