GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). |
“Dư địa” cho việc mở rộng tài khóa đến từ thành quả các năm trước
Chia sẻ góc nhìn trong Báo cáo chiến lược quý IV/2021 của Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đánh giá tác động kinh tế - xã hội của đợt dịch lần thứ 4 là rất lớn. Một chương trình tổng thể với quy mô đủ lớn, kịp thời, hiệu quả, tập trung mọi nguồn lực là cần thiết để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, bắt nhịp xu hướng mới.
Các giải pháp cần mang tính tổng thể, ít nhất là cho 2 năm 2022 và 2023, với nguồn lực đủ lớn và thực hiện khẩn trương để sớm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc, không “lỡ nhịp” đà phục hồi kinh tế thế giới thế giới đang diễn ra khá mạnh.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, không gian tài khóa vẫn còn đủ mạnh để có thể thực hiện chính sách tài khóa “mở rộng” với liều lượng mạnh hơn và độ bao phủ lớn hơn. Những kết quả tích lũy được từ giảm thâm hụt ngân sách và giảm nợ công trong những năm qua cần được coi là “dư địa” cho việc mở rộng tài khóa trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, tỷ lệ bội chi ngân sách và trần nợ công cần được nới rộng trong điều kiện “bất thường”, không chỉ bảo đảm “an toàn” của ngân sách và nợ công trước các cú sốc mà cần hướng nhiều hơn đến vai trò trọng yếu là “đi ngược chu kỳ kinh tế”.
Như vậy, cần đặt lên bàn cân để cân nhắc và so sánh giữa rủi ro tài chính công, tính bền vững của nợ công khi triển khai thêm các gói hỗ trợ với kịch bản “an toàn” ngân sách nhưng dẫn đến suy thoái kinh tế làm gia tăng rủi ro của bản thân ngân sách và nợ công trong chu kỳ kinh tế tiếp theo.
GS.TS Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh các gói cứu trợ và hỗ trợ tài khóa cần hướng đến gia tăng và mở rộng phạm vi hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho người dân, đặc biệt là bộ phận lao động tự do, lao động thuộc khu vực phi chính thức là những người chịu ảnh hưởng mất thu nhập, giảm sâu thu nhập nhưng chưa được hỗ trợ. Cần có cách tiếp cận mới theo phương thức không chính thức những đối tượng này qua các tổ chức thiện nguyện, các tổ chức phi chính phủ. Với tỷ lệ tiêu dùng cao, tác động của các biện pháp hỗ trợ thu nhập và do đó tiêu dùng của người dân sẽ có tác động trực tiếp “theo số nhân chi tiêu” đến GDP.
Việc giảm phí đối với người dân và doanh nghiệp (phí điện, nước, cước viễn thông, phí công đoàn…) sẽ có tác động trực tiếp và tức thì trong việc giảm tổn thất hiện đang rất lớn đối với doanh nghiệp vốn đã kiệt sức do dịch bệnh kéo dài. Cần xem xét chính sách miễn giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng với tư cách là loại thuế có diện điều tiết rộng. Đồng thời, cân nhắc lại một số sắc thuế nhằm khuyến khích chuyển đổi số, sản xuất thông minh, phát triển năng lượng xanh - sạch, nông nghiệp hữu cơ… hạn chế phát triển các ngành nghề thâm dụng tài nguyên, sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch, tác động xấu đến môi trường.
Cần cấp thiết kết hợp chính sách tài khóa và tiền tệ
Về chính sách tiền tệ, trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tương đối tốt, giảm thêm lãi suất điều hành là giải pháp nên được cân nhắc trước tiên, nhằm giảm chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng, qua đó sẽ tác động tích cực lên lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. GS.TS Trần Thọ Đạt cũng nhấn mạnh lãi suất chỉ là một yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận và tăng trưởng tín dụng. Muốn bơm tiền ra nền kinh tế trong khi doanh nghiệp không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, cần có thêm các chương trình bảo lãnh tín dụng cụ thể.
“Kinh nghiệm từ các cuộc ứng phó với khủng hoảng kinh tế cho thấy các công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung không có tác động tức thì so với chính sách tài khóa”, ông nêu. Chính sách tài khóa vừa có tác dụng cứu trợ và hỗ trợ, trong khi chính sách tiền tệ có tác dụng hỗ trợ là chủ yếu. Tuy nhiên, sự phân biệt tác động rạch ròi giữa chính sách tài khoá và tiền tệ là ít cần thiết hơn khi xử lý các tình huống khẩn cấp như khủng hoảng và đại dịch.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, việc kết hợp các chính sách này chưa bao giờ trở nên cấp thiết như hiện nay thông qua việc kết hợp các bảng cân đối kế toán của cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ tài chính để đưa ra các gói hỗ trợ cụ thể, chẳng hạn, ngân sách được sử dụng đề “cấp bù lãi suất”.
Tăng trưởng quý IV phụ thuộc cách nền kinh tế bắt nhịp đà phục hồi thế giới
Sau mức tăng trưởng âm 6,17% của quý 3/2021 - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP hàng quý, nền kinh tế qua ¾ chặng đường của năm hiện chỉ còn tăng trưởng 1,42%, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, các dữ liệu về tình hình dịch bệnh cho thấy “đỉnh dịch” đã qua và tương ứng, nền kinh tế đã “tạo đáy”. Việc chuyển chiến lược thực hiện mục tiêu “kép” từ nỗ lực “sạch bóng Covid” sang chống dịch an toàn, linh hoạt và hiệu quả đã mở đầu một giai đoạn phục hồi kinh tế.
Con đường phục hồi như thế nào sẽ phụ thuộc vào năng lực kiểm soát dịch bệnh, điều này tùy thuộc rất lớn vào tốc độ tiêm chủng vắc xin, các phương án cụ thể ở quy mô toàn quốc, liên vùng, từng địa phương, từng tỉnh trong việc ứng phó với các “đốm” dịch có thể xuất hiện, chương trình phục hồi kinh tế với các gói kích thích được thiết kế cả về kinh tế và xã hội.
"Diễn biến các chỉ số của nền kinh tế quý IV/2021 sẽ phụ thuộc tốc độ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch bệnh, hiệu quả và tính kịp thời của các gói cứu trợ, các doanh nghiệp phục hồi như thế nào khi quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và tổng thể là nền kinh tế bắt nhịp ra sao với đà phục hồi của thế giới", GS.TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Nhiều dự báo cho đến nay đã đưa ra các kịch bản chênh lệch nhau khá lớn, nhưng tập trung ở con số khoảng 3% cho cả năm 2021, tương đương tăng trưởng quý IV khoảng hơn 5%. “Cỗ xe tam mã” tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu là động lực cho tăng trưởng kinh tế.
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, tiêu dùng của dân cư sẽ có sự phục hồi mạnh khi các doanh nghiệp tái khởi động lại sản xuất kinh doanh, khu vực kinh tế phi chính thức nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”, cùng với việc gia tăng và thực thi sớm các gói an sinh xã hội. Đầu tư sẽ chủ yếu dựa vào tốc độ của giải ngân đầu tư công. Còn đà tăng của xuất khẩu sẽ được duy trì nếu tiếp tục tận dụng được quá trình phục hồi đang khá mạnh của các thị trường xuất khẩu chủ lực.
Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch cần chú trọng đến xu hướng cấu trúc thay đổi của nền kinh tế hậu đại dịch thông qua các gói kích thích số, đầu tư vào công nghệ số và cơ sở hạ tầng đóng vai trò hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế, các chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo.