Theo Sở Thông tin và Truyền thông, để xây dựng Thủ đô cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới vào năm 2030, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022; UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về Chuyển đổi số, xây dựng Thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phát biểu khai mạc |
Để triển khai các nội dung trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu thực hiện thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại 13 đơn vị trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với tổng cộng 39 mô hình. Tại buổi lễ, ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND Thành phố cho biết: “Đây là một trong chuỗi các hoạt động triển khai nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số năm 2024 của Thành phố với chủ đề năm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”. Theo Phó chủ tịch UBND Thành phố, Hà Nội với quy mô hơn 10 triệu dân, việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn có không ít thách thức. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt trong hai năm 2022 - 2023, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo ra sự biến chuyển tích cực trong công tác tổ chức triển khai chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước. Thành phố đã hợp nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số thành một Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng ban; tích hợp các kế hoạch thành một kế hoạch chuyển đổi số để thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng được tích cực triển khai trên nhiều phương diện và nhiều hình thức đa dạng. Nhằm hỗ trợ tối đa người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không”); một số quy chế quan trọng được tham mưu ban hành như quy chế bảo đảm an toàn thông tin và hoạt động của các hệ thống thông tin của Thành phố; Ban hành quyết định danh mục dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp;…
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số Thành phố. |
Điểm nhấn tại buổi lễ phát động, lần đầu tiên lãnh đạo Thành phố đã thực hiện ký số hoàn toàn trên hệ thống phần mềm dùng chung quản lý văn bản và điều hành TP. Hà Nội; 100% các cơ quan Nhà nước Thành phố đã triển khai ký số văn bản trên hệ thống; hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố 3 cấp được kết nối với Trung ương… Phó chủ tịch UBND Thành phố cũng đã phát động triển khai thí điểm các mô hình chuyển đổi số Thành phố, thực hiện tại 10 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Long Biên, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai, Phú Xuyên và 3 sở, ngành, đơn vị: Sở Giao thông Vận tải, Cục Thuế Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị. UBND Thành phố mong muốn các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn cùng chung tay, quyết tâm thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, với quan điểm người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm vừa là chủ thể của chuyển đổi số. Mục tiêu của chuyển đổi số hướng tới người dân, doanh nghiệp dù ở bất kỳ đâu, đều có thể tiếp cận nhanh, dễ dàng, an toàn các dịch vụ công, các ứng dụng số, nền tảng số, được cung cấp thông tin đầy đủ, được phục vụ kịp thời, hiệu quả. Đó là sự thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô Văn hiến, Thủ đô di sản với 8 đặc trưng: “Thành phố toàn cầu- Thanh lịch hào hoa- Phát triển hài hòa - Thanh bình thịnh vượng - Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.
Đại biểu tham quan mô hình chuyển đổi số tại bộ phận “một cửa” UBND quận Long Biên. |
Là 1 trong 10 quận, huyện được chọn triển khai mô hình chuyển đổi số điển hình, lãnh đạo quận Long Biên cũng đã phát động mô hình chuyển đổi số trên địa bàn. Ông Vũ Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: Quận đã, đang triển khai 11 nội dung phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn. Xác định hạt nhân chuyển đổi số từ cơ sở, từ tổ dân phố, từ phường, UBND quận ưu tiên triển khai thí điểm những mô hình chuyển đổi số phù hợp nhu cầu và tình hình thực tế tại 2 phường: Sài Đồng và Việt Hưng. Thông tin cụ thể, ông Nguyễn Tiến Linh, Chủ tịch UBND phường Sài Đồng cho biết kết quả triển khai phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn: 100% văn bản phát hành được số hóa và thực hiện ký chữ ký số; 100% doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, thu nộp thuế bằng phương thức điện tử; triển khai các tuyến phố không dùng tiền mặt…