Chương trình góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,5 - 8,0%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thành phố đề ra tại Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến theo hướng tập trung một đầu mối đã được UBND Thành phố xác định và triển khai hiệu quả trong giai đoạn 2015 - 2020.
Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân cùng tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; tìm hiểu tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư trong nước; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến.
Thành phố Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư trong thời gian tới. |
Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn Ngân sách Nhà nước dành cho công tác xúc tiến; thực hiện trọng tâm, trọng điểm các hoạt động xúc tiến đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chú trọng xây dựng, tổ chức các hoạt động xúc tiến có quy mô lớn, thường niên của Thành phố; gắn kết các lĩnh vực, có tính lan tỏa; kết nối, tham gia các sự kiện xúc tiến hàng đầu khu vực và thế giới; lồng ghép với việc tuyên truyền triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị của đất nước, Thủ đô.
Thêm vào đó, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch kết hợp các hoạt động ngoại giao, đối ngoại, văn hóa trong và ngoài nước, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu Thủ đô Hà Nội - Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại; đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có môi trường đầu tư thuận lợi.
Theo Chương trình, Thành phố sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, đầu tư như: Tổ chức Hội nghị xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch, với chủ đề Hà Nội và các tỉnh: Vùng đồng bằng Sông Hồng; Vùng Đông Nam Bộ - Kết nối cùng phát triển - “Link to Grow"; Tổ chức Chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch về các làng nghề Hà Nội kết hợp không gian trình diễn nghề cho các làng nghề truyền thống Hà Nội; Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối tại nước ngoài.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống đồng thời đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ chế trao đổi thông tin, thực hiện nghiệp vụ xúc tiến thương mại trong mạng lưới các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại và cộng đồng doanh nghiệp; Tổ chức hoạt động về xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp của Thành phố Hà Nội,...
UBND Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện chương trình căn cứ quy định pháp luật, tổ chức triển khai Chương trình, kế hoạch thực hiện, đảm bảo nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả; một việc - một đầu mối xuyên suốt, xây dựng phong cách làm việc theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp. Chú trọng khai thác, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tạo lập lòng tin và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.
Quan trọng, các hoạt động xúc tiến phải thiết thực, hiệu quả, phát huy tối đa thế mạnh và lợi thế so sánh của doanh nghiệp Thủ đô. Thường xuyên cập nhật thông tin và nghiên cứu, phân tích, đánh giá, đề xuất tổ chức các hoạt động xúc tiến phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế trong và ngoài nước; Đẩy mạnh triển khai áp dụng các công nghệ mới, hiện đại, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tế của Thành phố vào công tác xúc tiến.