Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tin tưởng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sẽ hiện thực hóa được tầm nhìn, phát triển nhanh và bền vững. |
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ-TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Liên kết - Phát triển nhanh và bền vững - Đột phá từ biển”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2020, theo thống kê, ngân sách Trung ương, địa phương và huy động ngoài ngân sách để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông Vùng lên đến khoảng 246 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo kết cấu hạ tầng giao thông của Vùng đã thay đổi rõ rệt.
Nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư đưa vào khai thác, như đưa vào khai thác đường Hồ Chí Minh và mở rộng Quốc lộ 1A; 2 dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tổng chiều dài 193km (đoạn La Sơn - Hòa Liên, đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi), nâng cấp tuyến quốc lộ trục ngang trọng yếu; đã và đang cải tạo, nâng cấp, duy trì khai thác 1.462 km đường sắt hiện tại để kết nối tất cả các địa phương trong Vùng; đang khai thác 11 tuyến, tổng chiều dàu 670km đường thủy nội địa; nhất là mật động hàng không lớn nhất cả nước, với 5 cảng hàng không quốc tế và 4 cảng hàng không nội địa…
Theo ông Thắng, Bộ GTVT đặt quyết tâm đến năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đưa tổng chiều dài đường cao tốc trong Vùng từ 193km lên 1.390km; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển, cải tạo nâng cấp các tuyến quốc lộ đã có trong danh mục đầu tư công trung hạn.
Đến năm 2030, các tuyến cao tốc trục ngang có lưu lượng lớn như Vinh - Thanh Thủy, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thành; cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, Đà Nẵng - Thạch Mỹ - Ngọc Hồi – Bờ Y, Quy Nhơn - Pleiku được kêu gọi đầu tư; các tuyến quốc lộ trọng yếu kết nối Đông Tây, đặc biệt là kết nối với các cảng biển lớn được nâng cấp…
“Đến năm 2045, phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045”, Bộ GTVT đặt mục tiêu.
Để đạt mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển, tạo động lực tăng trưởng cho Vùng, Bộ trưởng Bộ GTVT đề xuất, Đảng và Nhà nước cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng trong quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, tăng năng lực cạnh tranh vùng; đầu tư kết cấu hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế biển, mở rộng quan hệ đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào và các nước trong tiểu vùng sông Mê Kông.
Cùng với đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong vùng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT cho rằng, cần đa dạng nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để huy động vốn tư nhân, vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó ưu tiên các nguồn lực để đầu tư công trình kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, có vai trò động lực, lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các cảng biển và cửa khẩu quốc tế… Bộ GTVT cũng đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, logistics…
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế đón trước các xu thế phát triển của thời đại, như chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió với mật độ năng lượng khoảng 400 - 600 W/m2, năng lượng sóng 20 - 30kW/m, đặc biệt là đón dòng vốn 15,5 tỷ USD mà các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam.
Ông Kiên cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo tại vùng giàu tiềm năng này sẽ giúp “định vị” vị trí của Việt Nam trong “trật tự năng lượng” và hội nhập với các “luật chơi mới” về tăng trưởng xanh toàn cầu.
Lợi thế thứ 2, theo ông Kiên là xây dựng kinh tế biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển; kết nối mở cửa, hội nhập với quốc tế thông qua hành lang Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tuyến hàng hải đứng thứ 2 trên thế giới và tiểu vùng Mê K ông ASEAN trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo động lực phát triển.
Nhìn nhận tốc độ phát triển còn kiêm tốn, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế, ông Kiên cho rằng, 14 tỉnh, thành trong Vùng cần tập trung phát triển nền kinh tế biển xanh, mở cửa hướng ra biển, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển; tập trung các giải pháp bảo vệ nguồn nước, tăng cường khả năng trữ nước đảm bảo an ninh nguồn nước; chủ động từ xa, từ sớm trước các rủi ro thiên tai ngày một gia tăng dưới tác động của biến đổi khí hậu…