Trước đó, ngày 2/5, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà tổ chức lấy 16 mẫu thực phẩm gồm: Cá biển các loại, mực, tôm và ghẹ. Trong đó có 5 mẫu cá, 1 mẫu tôm và 1 mẫu mực được lấy tại chợ Gò Cá Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên và 7 mẫu cá, 1 mẫu ghẹ, 1 mẫu mực được lấy tại chợ cá xã Thạch Kim huyện Lộc Hà.
Ngày 4/5, Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia đã trả lời kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm hải sản được lấy tại chợ Gò Cá, Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên và chợ cá Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hàm lượng kim loại nặng trong tất cả các mẫu đều nằm trong ngưỡng cho phép.
Văn bản báo cáo và bảng kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia.
Tại Quảng Trị, ngành Y tế cũng đã kiểm tra mẫu vật phẩm 10 loại cá chết trôi dạt vào bờ, kết quả kiểm tra cho thấy, các mẫu cá này đều nhiễm hàm lượng kim loại nặng nhưng hàm lượng này nằm ở ngưỡng cho phép theo đúng quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị thường xuyên tiến hành quan trắc tại các vùng biển trên địa bàn tỉnh với tần suất 2 lần/ngày. Kết quả quan trắc chất lượng nước ở mức an toàn.
"Thiệt hại do hiện tượng cá chết còn hơn cả một trận bão lớn!"
Chiều 4/5, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp với các Sở, ngành, các địa phương để chỉ đạo phương án hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngư dân vùng biển bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết.
Thời điểm hiện tại, dù tình hình cá chết đã giảm nhưng vì tâm lý hoang mang, bất an nên nhiều tàu cá ở vùng biển bãi ngang và tàu khai thác gần bờ gần như ngưng hoạt động.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Trị, hiện chỉ có 100 tàu thuyền của ngư dân Quảng Trị đang hoạt động trên biển. Có 15 tàu vừa cập cảng đã được cấp giấy chứng nhận cá an toàn và đã bán hết. Toàn tỉnh có khoảng 150 cơ sở thu mua cá nhưng chỉ có vài cơ sở lớn, Chi cục đang khuyến khích các cơ sở này cố gắng thu mua cá cho bà con ngư dân.
Thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho thấy, tình trạng cá chết dọc bờ biển đã gây thiệt hại ước tính hơn 134 tỷ đồng, có 11.572 hộ/42.288 người bị ảnh hưởng, 2.522 tàu thuyền bị ảnh hưởng. Chính Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính cũng nhận xét rằng: “Thiệt hại do hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra còn hơn cả một trận bão lớn”.
Tình trạng cá chết không những gây khó khăn cho đời sống của bà con ngư dân mà còn thiệt hại đáng kể đối với các sản phẩm liên quan đến biển cũng như ngành du lịch biển.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị, cho hay: Hiện 100% các tour du lịch tê liệt, 70% các chương trình du lịch về tỉnh bị hủy. Trong 2 ngày 30/4 và 1/5, toàn tỉnh chỉ đón được hơn 3.200 lượt khách, giảm mạnh so với năm 2015. Chỉ tính thiệt hại về dịch vụ, du lịch, ước tính gần 45 tỷ đồng.
Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, tỉnh Quảng Trị đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ ngư dân vùng biển. Tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có chính sách hỗ trợ ngư dân khắc phục hậu quả do hải sản chết bất thường.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính đề nghị các ngành, địa phương liên quan cần tăng cường việc kiểm tra quan trắc môi trường biển, cảng biển, ven sông suối, một số các cửa sông để chủ động ứng phó các sự cố bất thường nếu có. Tiến hành kiểm tra, khuyến cáo về thực phẩm an toàn và cấp giấy phép chứng nhận theo đúng quy định. Liên tục cập nhật về chất lượng nguồn nước, chất lượng cá về mức độ độc hại để khuyến cáo và hướng dẫn người dân cách phân biệt, sử dụng an toàn.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương và địa phương về hỗ trợ ngư dân vùng biển; Tiến hành rà soát lại các hộ kinh doanh, thu mua cá trên địa bàn tỉnh qua đó có chính sách động viên, hỗ trợ đầu ra đối với các sản phẩm an toàn cho bà con ngư dân, khuyến khích duy trì phát triển các hoạt động du lịch biển theo đúng quy định. Đồng thời, lập kế hoạch về đánh giá tác động môi trường cho các dự án được đầu tư trên địa bàn.