Bài 4: Cuộc cách mạng ở các bộ, ngành
Những sáng kiến chính trị ở địa phương đã góp phần điều trị “khối u phình biên chế”, còn tại các cơ quan trung ương, một khí thế mới trong tinh giản bộ máy đang lan tỏa...
Cục Truyền thông công an nhân dân là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ Công an tiến hành sáp nhập. Ảnh: Ngọc Hải |
Cuộc cải tổ bộ máy chưa từng có tại Bộ Công an
X04 là phiên hiệu mới của Cục Truyền thông công an nhân dân kể từ ngày 6/8/2018, được phiên từ 3 đơn vị của Bộ Công an gồm: Truyền hình Công an nhân dân, Báo Công an nhân dân và Nhà xuất bản Công an nhân dân. Đây là đơn vị đầu tiên của Bộ Công an tiến hành sáp nhập.
Hai tuần sau, ngày 21/8/2018, tại Nghệ An, Sở Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy tỉnh nhận quyết định “trở về” mái nhà của Công an tỉnh Nghệ An, trở thành Phòng Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy, kết thúc hành trình 3 năm “lên sở” của đơn vị này.
Theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 6/8/2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, Bộ này tiến hành giảm 6 tổng cục trung gian, giảm 60 đơn vị cấp cục và tương đương xuống còn hơn 50 cục. Cấp Bộ giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy được sáp nhập vào công an tỉnh, thành phố. Công an cấp tỉnh giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng và giảm 1.000 đơn vị ở cấp đội.
Bộ Công an cũng sáp nhập nhiều đơn vị tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Chẳng hạn, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế, tham nhũng sáp nhập với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm buôn lậu thành Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu. Cục An ninh mạng và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao gộp thành Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao...
Theo Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ đang khẩn trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị và Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phân định rõ vị trí, phạm vi chức năng, nhiệm vụ cơ bản của từng cấp công an.
“Qua đó, khắc phục được chồng chéo, chia cắt về chức năng, nhiệm vụ, tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu, tập trung đầu tư, hiện đại hóa trang bị, phương tiện, tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện để lực lượng công an bám sát cơ sở, nắm tình hình và giải quyết hiệu quả các vấn đề về an ninh, trật tự ngay từ cơ sở”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Có thể thấy, Bộ Công an đang quyết tâm rất cao trong việc giảm bớt khâu trung gian, sáp nhập các đơn vị có cùng nhiệm vụ về một mối, một đơn vị có thể làm được nhiều việc hơn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, Bộ đang đặt mục tiêu là đến năm 2020 giảm 10% biên chế, trong đó có việc đưa dần 25.000 công an chính quy về xã làm việc.
Việc tinh gọn bộ máy của ngành công an thực sự là “cuộc cách mạng” trong ngành. Độ phức tạp của việc này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá là “đụng chạm ghê gớm” và khuyến cáo “cần chú ý từng bước đi cho chắc chắn, cần làm tốt công tác tư tưởng, phải đồng lòng nhất trí cao”.
“Đã ra được nghị quyết rồi, đã quyết rồi thì phải làm, không bàn đi bàn lại và trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong thời gian tới”, Tổng Bí thư chỉ đạo tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công an.
Bộ Công thương: Lấy đá ghè chân cũng phải làm
Tháng 8/2017, trời Hà Nội mát mẻ, nhưng không khí tại 54 - Hai Bà Trưng, nơi đặt trụ sở của Bộ Công thương lại… ngột ngạt. Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức Bộ Công thương sẽ thu gọn 35 đơn vị hành chính, sự nghiệp xuống còn 30 đơn vị, trong đó có 26 đơn vị hành chính và 4 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tới ngày 17/1/2018, Bộ Công thương ban hành Nghị quyết số 07-NQ quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng. Trong đó, Bộ mạnh dạn quy định, đối với phòng có dưới 10 biên chế, chỉ bố trí 1 trưởng phòng, 1 phó trưởng phòng; đối với phòng có từ 10 biên chế trở lên được bố trí 1 trưởng phòng và không quá 2 phó trưởng phòng.
Trong một thời gian ngắn, hàng loạt cán bộ cấp tổng cục, cục, vụ xuống chức, 72 đơn vị cấp phòng bị xoá bỏ. Cuộc “đại phẫu” đó đã khiến nhiều cán bộ băn khoăn, lo lắng, tâm tư. Đích thân ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương đã phải viết “tâm thư” gửi toàn bộ nhân viên dưới quyền để trấn an, động viên họ.
Trong cuộc phỏng vấn ngay sau khi Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã lấy hình ảnh “lấy đá ghè chân” khi nói đến tính phức tạp, khó khăn của câu chuyện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. “Tuy nhiên, Bộ Công thương xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác cải cách thể chế. Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu bộ máy, làm mới các nội hàm trong quản lý nhà nước, hướng tới kiến tạo môi trường kinh doanh phục vụ người dân và doanh nghiệp”, ông Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công thương vào tháng 7/2018, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã nói: “Khi sắp xếp lại bộ máy nhân sự, Bộ Công thương không nể nang người này, người kia để giữ lại những vị trí không phù hợp với công việc chung. Bộ làm việc công tâm, thẳng thắn, không ngại va chạm”.
Tại cuộc làm việc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã đánh giá, Bộ Công thương đang nỗ lực khắc phục những chuyện chưa từng có tiền lệ về kỷ luật cán bộ và đã có chuyển biến tích cực để nội bộ “trong ấm ngoài êm”. Tổng Bí thư lưu ý: “Tổ chức phải mạnh, đồng tâm nhất trí, con người phải ngay ngắn. Bố trí đúng người sẽ khác, không thì càng nhiều càng rối. Bớt họp đi, họp nhiều chưa chắc đã tốt. Xây dựng Đảng là xây dựng con người, cơ chế, chính sách”.
“Vệt dầu” tinh giản loang dần
Sức nóng của làn sóng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở Bộ Công an, Bộ Công thương đã lan tỏa sang nhiều bộ, ngành khác, tạo nên một khí thế mới.
Với Bộ Tài chính, bộ “xum xuê” biên chế nhất (70.771 biên chế), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và địa phương ngày 2/7/2018: “Chúng tôi cam kết từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 50% chi cục thuế”.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã sắp xếp lại, giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục.
Nguồn: Bộ Nội vụ
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Bộ Tài chính thực hiện sắp xếp lại, giảm 291/711 chi cục thuế. Bộ cũng quyết định giải thể 43 phòng giao dịch tương đương các chi cục thuộc Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh từ ngày 1/6/2018 và tiếp tục sắp xếp, rà soát các chi cục thuế, hải quan, tổng cục dự trữ... theo khu vực để giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả lao động.
Còn Bộ Giao thông - Vận tải, vào tháng 8/2018, bắt đầu xây dựng đề án sắp xếp tổ chức bộ máy. Dự kiến, các vụ giảm 5 - 6 phòng, tổng cục và cục sẽ giảm khoảng 61 tổ chức từ cấp phòng trở lên. Đối với các cơ quan sự nghiệp bao gồm các viện, trường, ban quản lý dự án..., dự kiến sẽ sắp xếp để giảm khoảng 70 đầu mối từ cấp phòng trở lên, từ 390 đầu mối xuống còn 320 đầu mối.
Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, từ ngày 1/4/2018, đã sắp xếp, tinh giản đầu mối đơn vị cấp phòng trong các ban, đơn vị thuộc cơ quan này. Theo đó, 23 đơn vị cấp phòng thuộc 9 ban, đơn vị chuyên môn đã kết thúc hoạt động kể từ ngày 1/4/2018. Ở khối văn phòng, cũng sáp nhập từ 5 phòng xuống còn 3 phòng.
Các bộ, ngành khác như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội... cũng đang rốt ráo vào cuộc, lên kế hoạch, lộ trình, đề ra các mục tiêu giảm biên chế, thu gọn đầu mối, bỏ cấp trung gian, cấp tổng cục.
Có thể thấy, công cuộc tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 ở các bộ, ngành đang “vào phom” với thái độ tích cực, chủ động, làm thật. Vệt dầu mang tên “tinh giản bộ máy” đang loang dần vào các đơn vị tổ chức bộ máy hành chính.
Tại Hội thảo khoa học Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 25/8/2018, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận xét, việc làm của Bộ Công an chính là bài học kinh nghiệm cho thấy, trong thực tế, việc dù khó cũng làm được. Từ đó, các địa phương cũng mạnh dạn hơn trong việc sáp nhập, hợp nhất các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
“Qua đó cho thấy, khí thế của việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 đã lan toả và đi sâu vào tiềm thức của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bộ máy hành chính, bộ máy chính trị và đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đây là thời điểm tốt để thực hiện tinh gọn bộ máy một cách hiệu lực, hiệu quả”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
(Còn tiếp)