Mạng Unitel của Viettel đang giữ thị phần số 1 tại Lào |
Dịch vụ chuyển đổi số của Viettel lên ngôi ở nước ngoài
Đầu tư ra nước ngoài là một trong những trụ cột phát triển của Viettel. Trong năm 2023, các thị trường của Viettel phải đối mặt với không ít khó khăn, như bất ổn chính trị, nội chiến (Myanmar, Haiti, Peru…). Ở một số thị trường (như Tanzania…), Chính phủ nước sở tại ban hành chính sách mới gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh của Viettel… Bên cạnh đó, xu thế suy giảm dịch vụ thoại và SMS khiến các thị trường nước ngoài của Viettel bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh đó, Viettel đã không ngừng tìm kiếm không gian tăng trưởng mới, tập trung xây dựng sản phẩm, dịch vụ số nhằm mang về doanh thu và hướng tới sự phát triển bền vững.
Tại châu Phi, dịch vụ ví điện tử phát triển sôi động hơn cả Việt Nam. Các thương hiệu ví điện tử tại châu Phi đóng góp quan trọng vào tăng trưởng doanh thu dịch vụ của các doanh nghiệp.
Đáng chú ý, ví e-Mola của Movitel tại Mozambique bùng nổ với doanh thu tăng trưởng 422% so với năm 2022, số lượng thuê bao ví tăng xấp xỉ 187%. Năm 2023, toàn thị trường Mozambique tăng 3,87 triệu thuê bao ví điện tử, trong đó, riêng e-Mola tăng 3,36 triệu thuê bao. Con số ấn tượng này đã đưa e-Mola trở thành ví điện tử có lượng thuê bao lớn nhất trong số các thị trường nước ngoài của Tổng công ty Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global)
Tại Burundi, nơi dòng tiền giao dịch qua ví điện tử tương đương GDP của cả nước, doanh thu ví Lumicash của Lumitel tăng trưởng 81% so với năm 2022. Tỷ trọng doanh thu từ ví trên tổng doanh thu tăng từ 4,3% trong năm 2022, lên 5,7% trong năm 2023. Lumicash giữ vững ngôi vị số 1 và gia tăng khoảng cách với các đối thủ tại thị trường.
Sự bùng nổ của dịch vụ data tại khu vực Đông Nam Á đặc biệt rõ nét tại thị trường Campuchia, khi tỷ lệ sử dụng data cao vượt ngưỡng 90%. Trong đó, Metfone tại Campuchia là nhà mạng chuyển dịch tốt nhất với 91% doanh thu đến từ thuê bao data. Doanh thu dịch vụ của Metfone tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây (đạt 14,2%) trong bối cảnh thị trường di động đã bão hòa.
Trong khi đó, ở Myanmar, nổi bật nhất trong hệ sinh thái số của Mytel là MyID - một “siêu ứng dụng”, hiện đã có 30 triệu người dùng, 11 triệu người dùng hàng tháng và 5 triệu người dùng hàng ngày. Đây là con số rất đáng nể, kể cả so với các ứng dụng tại Việt Nam. MyID được coi là “app quốc dân” tại đất nước 50 triệu dân này, thậm chí còn thay thế cả Facebook và Viber.
Lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế, gồm Nhật Bản, Myanmar, Đông Timor và Hồng Kông (Trung Quốc). Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance platform xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài, đạt tốc độ tăng trưởng cao tại nhiều thị trường, như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Đông Timor (139%), Burundi (91%).
Mang tiền về Việt Nam
Đến nay, Viettel Global đang vận hành 10 nhà mạng tại 10 quốc gia, tổng quy mô thị trường 270 triệu dân với gần 100 triệu khách hàng, trong đó, nắm vị trí số 1 về thị phần tại 6 thị trường.
Năm 2023, doanh thu khối viễn thông nước ngoài của Viettel đạt 3,6 tỷ USD, hoàn thành 105% kế hoạch năm, tăng 615 triệu USD so với năm 2022 và cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ đạt 20,6%, gấp 5 lần so với tăng trưởng trung bình của thế giới, trong đó cao nhất là Lumitel (Viettel tại Burundi) tăng trưởng 37,8%, Natcom (Viettel tại Haiti) tăng trưởng 29,3%, Movitel (Viettel tại Mozambique) tăng trưởng 28,9%, Mytel (Viettel tại Myanmar) tăng trưởng 24,9%.
“Với viễn thông ở nước ngoài, Viettel đã giữ vững tốc độ tăng 2 con số trong 7 năm liên tiếp. Dòng tiền chuyển về nước đạt gần 400 triệu USD, giúp tỷ lệ hoàn vốn của Viettel lên đến 76,5%, vượt kỳ vọng đặt ra năm 2023, tiêu biểu nhất là Movitel và Mytel. Ở Haiti, dù có 1 năm khó khăn đỉnh điểm, nhưng Natcom đạt kết quả chưa từng có, xuất sắc vươn lên dẫn đầu thị trường, đưa Viettel đứng vị trí số 1 ở 6 quốc gia: Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Burundi và Haiti. Tại Mozambique, Movitel đang tiệm cận rất gần với vị trí số 1, khi chỉ còn cách đối thủ đứng đầu 0,6% thị phần”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel chia sẻ.
Lãnh đạo Viettel cho biết, Tập đoàn sẽ tiếp tục chuyển đổi công nghệ hiện đại, xây dựng hệ sinh thái đối với từng thị trường. Chiến lược đến năm 2025, doanh thu các dịch vụ mới chiếm 15 - 25% tổng doanh thu từ các thị trường nước ngoài. Theo đó, các công ty sẽ phải tách các bộ phận về dịch vụ số, tỷ lệ nhân sự công nghệ cần đạt 10 - 20%. Bên cạnh đó, Viettel Global sẽ trở thành đầu mối để đưa toàn bộ sản phẩm, dịch vụ của Viettel ra nước ngoài…
Tại cuộc làm việc với Viettel Global, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, trước đây, viễn thông là thông tin liên lạc, là câu chuyện “alo”, nhắn tin, truy cập Internet. Nhưng bây giờ, viễn thông đã trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. Nghĩa là, nền kinh tế chạy trên nền của viễn thông, do đó, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nói chung và Viettel Global nói riêng cần phải sáng tạo ra các ứng dụng mới để phát triển cho các lĩnh vực.
Doanh nghiệp phải tạo ra ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, AI dạy học, dạy làm việc, thư viện điện tử, tạo ra các kênh bán hàng, hay lớn hơn nữa là những bảo tàng số cá nhân. Đây là những ứng dụng thiết thực và cần thiết đối với người dân.
Thế giới hiện có 150.000 ứng dụng các loại. Ngoài 3 dịch vụ nhắn tin, thoại, data, nên dành khoảng 0,5% doanh thu để chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Viễn thông giờ đã khác xưa, nếu làm được những việc đó, người dân không thể thiếu được doanh nghiệp và từ đó, chính người dân sẽ bảo vệ cho các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nghề chính của viễn thông không phải là ‘trèo cột”, không phải là bán dữ liệu, mà là sáng tạo ra các dịch vụ, các ứng dụng 3G, 4G, 5G, những dịch vụ mới để cung cấp cho người dân. Bộ trưởng chỉ đạo các cục, vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp của Viettel đầu tư ở nước ngoài.