Ngày 26/6, thông tin tại Hội nghị “Đối thoại giữa Hải quan - Doanh nghiệp”, ông Trương Thanh Xuân, Phó trưởng phòng thuế xuất nhập khẩu - Cục hải quan TP.HCM, cho hay, trong thời gian gần đây, vấn đề cưỡng chế hải quan và biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế đang được nhiều người quan tâm.
Các cơ quan chức năng đang tăng cường các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế. |
Ông Trương Thanh Xuân cho biết, hiện nay, trong công tác quản lý thuế, ngoài cơ quan hải quan thì còn cơ quan thuế nội địa. Các cơ quan đang tăng cường các biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ thuế, cũng như áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh đối với đối tượng nợ thuế.
Theo quy định, đối với khoản nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thuế thì được gọi là nợ cưỡng chế. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đã được quy định tại Điều 125, Luật Quản lý thuế năm 2019.
Theo đó, có 7 biện pháp để thi hành quyết định này, gồm: Trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Ngừng sử dụng hoá đơn; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên; Thu tiền, tài sản khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang năm giữ; Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…
Thông tin về biện pháp cưỡng chế đang được nhiều người quan tâm là tạm hoãn xuất cảnh, ông Xuân cho hay, khi cơ quan hải quan áp dụng 1 trong 7 biện pháp ở trên mà vẫn chưa thu hồi được nợ thuế thì có thể áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý của biện pháp này được quy định tại Điều 66 Luật Quản lý thuế năm 2019, Luật Xuất cảnh nhập cảnh; Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP; Thông tư số 79/2020/TT-BCA.
Tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 126 cũng quy định rõ các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh. Cụ thể, sẽ có 4 đối tượng bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Đầu tiên là cá nhân nợ thuế, cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp nợ thuế. Tiếp đến là người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh. Cuối cùng là người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam. Cả 4 đối tượng này đều có đặc điểm là chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
“Quy định thì là như vậy, nhưng tựu chung lại thì cá nhân là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, không kể là người Việt Nam hay người nước ngoài. Tất cả đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu như chưa hoàn thành nghĩa vụ về thuế”, ông Xuân nói.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết thêm, quy định pháp luật hiện nay không quy định số tiền nợ thuế tối thiểu bao nhiêu trở lên thì áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh. Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp nợ thuế 10 tỷ hay chỉ nợ vài chục triệu thì cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế này được.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cưỡng chế nợ thuế, hải quan TP.HCM cũng cố gắng lựa chọn những doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn, hoặc số nợ đã kéo dài nhiều năm mới áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.
Theo ông Trương Thanh Xuân, thời gian qua có nhiều tình huống chủ doanh nghiệp khi ra đến sân bay xuất ngoại mới được Cục Xuất nhập cảnh thông báo không cho phép xuất cảnh. Hầu như họ không được cung cấp cụ thể đang nợ thuế ở đơn vị nào, số tiền bao nhiêu.
Vậy nếu doanh nghiệp không may rơi vào tình trạng này thì sao?
"Kể từ khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thì cơ quan quản lý sẽ huỷ bỏ việc tạm hoãn xuất cảnh ngay sau 24h. Do đó, doanh nghiệp cần thường xuyên truy cứu trên website của cục hay website cơ quan liên quan đến nắm rõ tình trạng nợ thuế", đại diện Cục Hải quan TP.HCM nói.