Tuy nhiên, rủi ro từ các loại thẻ cũng gia tăng, khi một số đối tượng hacker đã thiết lập website có giao diện, tên miền gần giống tên miền website của ngân hàng, các trang bán hàng trực tuyến quảng cáo bán hàng hóa và các dịch vụ, để khi chủ thẻ truy cập và chọn dịch vụ thanh toán sẽ bị mất các thông tin cá nhân như số thẻ, ngày hết hạn, mã bảo mật...
Theo nhận định của Master Card, an toàn và bảo mật thẻ là mối lo ngại chung không chỉ ở châu Á, mà còn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỷ lệ rủi ro chưa đến mức quan ngại. Nếu so với các nước châu Á - Thái Bình Dương, thì số liệu rủi ro tại Việt Nam chưa tới 1/3, còn nếu so với thị trường Mỹ (mới được chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang EMV) thì chỉ bằng 1/5. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể coi nhẹ việc phòng chống rủi ro.
Chủ thẻ không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV – 3 số cuối của thẻ) cho bất kỳ ai, để tránh tình trạng thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng |
Thực tế, các ngân hàng đều có những biện pháp nghiệp vụ để giám sát và phát hiện kịp thời các giao dịch gian lận và hỗ trợ chủ thẻ hạn chế rủi ro trong quá trình sử dụng thẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc bảo mật thông tin được đảm bảo, mà khách hàng mới chính là người bảo quản thẻ cũng như bảo mật thông tin để tránh mất tiền oan khi dùng thẻ.
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia ngân hàng cho rằng, tội phạm công nghệ luôn có và ngày càng trở nên phức tạp. Vì thế, người sử dụng thẻ nên cẩn trọng trong quá trình thực hiện các giao dịch online, thường xuyên thay đổi mật khẩu, tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin hoặc thực hiện bất kỳ yêu cầu thay đổi thông tin nào nếu chưa xác nhận lại với ngân hàng và tốt nhất là nên đến ngân hàng để thay đổi điều chỉnh nếu cần thiết.
Các ngân hàng khuyến cáo, chủ thẻ không nên tiết lộ mã số xác thực (CVV – 3 số cuối của thẻ) cho bất kỳ ai, để tránh tình trạng thông tin thẻ bị lợi dụng để thực hiện giao dịch qua mạng. Trong quá trình điều chỉnh thẻ, khách hàng phải sử dụng các công cụ bảo mật trong thanh toán như SMS OTP, OTP token, đồng thời cẩn trọng trong quá trình giao dịch và thanh toán thẻ tại các điểm thanh toán khi mua hàng hoá, đặc biệt là các website lạ. Khi rút tiền ở ATM, khách hàng phải quan sát kỹ và phát hiện các dấu hiệu bất thường tại các buồng ATM để hạn chế tội phạm ăn cắp thông tin.
Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương khuyến nghị, các ngân hàng nên có sự đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu, chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip để có thể hạn chế được rủi ro, cho dù có tốn kém hơn so với thẻ từ.
Việc bảo mật thẻ luôn được các ngân hàng quan tâm, đầu tư và nâng cao, chi phí lên đến hàng chục triệu USD/năm, song điều đó không có nghĩa việc bảo mật được đảm bảo và hạn chế rủi ro 100%. Vì vậy, khách hàng nên sử dụng dịch vụ thông báo biến động tài khoản qua điện thoại di động (SMS), khi có giao dịch bất thường thì lập tức liên lạc với ngân hàng để kịp thời ngăn chặn.
Về phía ngân hàng, khi tạo ra những tiện ích mới nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn, cũng nên lưu ý đến các rủi ro tiềm ẩn, đồng thời đặt ra hạn mức rút/chuyển tiền, hạn mức thanh toán phù hợp với từng cá nhân khách hàng trên cơ sở tư vấn phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nếu hạn mức lớn, khách hàng nên tới ngân hàng giao dịch hoặc nhờ ngân hàng hỗ trợ giao dịch tận nơi để hạn chế rủi ro khi giao dịch qua Internet, mobile banking... Hiện nhiều khách hàng VIP không cần đến ngân hàng, nhưng có thể chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền, sau khi đi công tác về sẽ bổ sung chứng từ…, điều này tiềm ẩn rủi ro lớn.
Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, ở các ngân hàng nước ngoài, khi chủ thẻ (do ngân hàng nước ngoài phát hành) đi công tác nước ngoài và thực hiện giao dịch qua thẻ tín dụng, thì các ngân hàng ngoại sẽ liên lạc với khách hàng để xác nhận có giao dịch không, nếu không liên lạc được, sẽ tạm thời khóa thẻ. Đồng thời, khi chủ thẻ về nước, các ngân hàng ngoại chủ động liên lạc để cấp thẻ mới miễn phí, nhằm loại trừ rủi ro thẻ bị đánh cắp thông tin.