Dự án - quy hoạch
Hàng loạt sai phạm tại các dự án nhà ở xã hội ở Khánh Hòa
Xuyến Chi - 08/10/2021 08:05
Hàng loạt sai phạm tại các dự án nhà ở xã hội ở Khánh Hòa được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra.
Dự án Nhà ở xã hội VCN Phước Long II, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Thu Cúc

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các hàng loạt cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác quản lý đầu tư, xây dựng, đất đai của các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh khẩn trương tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, rút kinh nghiệm theo Kết luận số 125 (ngày 25/6/2021) của Kiểm toán Nhà nước.

UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh như Công ty cổ phần Thương mại đầu PH Nha Trang, Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư VCN có trách nhiệm tổ chức thực hiện theo các nội dung kiến nghị tại kết luận trên của Kiểm toán Nhà nước.

Kết luận số 125 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Theo đó, Kế hoạch phát triển nhà ở đô thị (trong đó có nhà ở xã hội) giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Khánh Hòa không xác định và tổng hợp đầy đủ nhu cầu nhà ở của các đối tượng theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014; số liệu khảo sát để dự báo nhu cầu lập Kế hoạch chung thực hiện chương trình nhà ở đô thị đã lạc hậu (từ năm 2012), dự báo nhu cầu còn trùng lắp giữa các đối tượng. Đến hết năm 2020, kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng chính sách, thu nhập thấp trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đạt 271.531,05 m2/600.000 m2, tương đương 45% chỉ tiêu kế hoạch do các nguyên nhân, như một số dự án chậm tiến độ thi công, chậm bàn giao công trình đưa vào sử dụng hoặc chưa triển khai thi công theo kế hoạch, việc bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội còn hạn chế.

Chủ đầu tư Dự án Nhà ở xã hội 01 tại Khu đô thị Phước Long (Nha Trang, Khánh Hòa) không thực hiện chấm điểm đầy đủ các đợt đối với một số trường hợp số hồ sơ đăng ký mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội nhiều hơn số căn hộ mở bán, không đúng quy định tại Điều 9, Quyết định số 47/2016 và điểm b, khoản 1, Điều 23, Nghị định số 100 của Chính phủ; chưa gửi danh sách các đối tượng (bao gồm cả các thành viên trong hộ) đã được mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội sau khi ký hợp đồng về Sở Xây dựng, chưa tuân thủ quy định tại điểm g, Điều 20, Nghị định số 100 của Chính phủ.

Đặc biệt, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã không kiểm soát được các đối tượng (bao gồm cả các thành viên trong hộ) đã được ký hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của các dự án nhà ở xã hội có nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Dự án Nhà ở xã hội Phước Long chưa tính điều chỉnh giảm suất đầu tư/sàn nhà ở xã hội tương ứng giảm một số khoản mục chi phí theo văn bản thẩm định của Sở Xây dựng.

Dự án chung cư xã hội P.H Nha Trang tính toán chi phí lãi vay chưa phù hợp và chưa có cơ sở xác định giá vật liệu, thiết bị (không có trong thông báo giá của UBND tỉnh Khánh Hòa tại thời điểm lập, phê duyệt dự toán, nghiệm thu thanh toán) cũng như chủng loại, nguồn gốc xuất xử nên Kiểm toán Nhà nước chưa có cơ sở đưa ra ý kiến về giá trị dự toán vật liệu, thiết bị này.

Dự án Nhà ở xã hội Bình Phú giai đoạn 2, chủ đầu tư chưa mở tài khoản tiền gửi tiết kiệm đối với kinh phí bảo trì, chưa thông báo tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì cho Sở Xây dựng là chưa thực hiện đúng khoản 1, Điều 109, Luật Nhà ở và khoản 1, Điều 36, Nghị định 99 (ngày 20/10/2015) của Chính phủ. Dự án đã hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng chủ đầu tư chưa có phương án xử lý các công trình hạ tầng cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Theo Kiểm toán Nhà nước, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa không chấp hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và không tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát mục đích sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng mua, thuê, thuê mua trên địa bàn.

Hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa quy định trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý đối với các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không ràng buộc trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sau khi bàn giao căn hộ.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng, quy hoạch phát triển nhà ở của tỉnh Khánh Hòa không xác định khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khoản 2, Điều 54, Luật Nhà ở năm 2014; lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chưa xác định vị trí cụ thể đối với nhà ở xã hội, loại hình nhà ở cụ thể (thương mại, tái định cư, nhà ở xã hội…) được xác định trên cơ sở đề xuất của nhà đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước chọn mẫu đồ án quy hoạch một số dự án cho thấy có dự án bố trí không đầy đủ (Đồ án quy hoạch Khu đô thị sinh thái bán đảo Thanh Phong, xã Vĩnh Thái, Nha Trang), có dự án đã bố trí trong đồ án quy hoạch chung nhưng chưa thực hiện đến thời điểm kiểm toán (Dự án Khu đô thị Mipeco – Nha Trang, phường Vĩnh Nguyên, Nha Trang, Khánh Hòa).

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định giao đất cho nhà đầu tư Dự án Nhà ở xã hội Bình Phú 2 khi chưa có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2017. Còn UBND Thành phố Nha Trang chưa tham mưu cấp có thẩm quyền cập nhật dự án này vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của thành phố.

Đó là chưa kể, UBND tỉnh Khánh Hòa không trình HĐND tỉnh thông qua trước khi phê duyệt Chương tình nhà ở đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, không đúng quy định tại khoản 2, Điều 135, Luật Nhà ở năm 2005.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong việc không chấm điểm đầy đủ các đợt hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…

“Công ty cổ phần Phát triển nhà và đô thị HUD Nha Trang và Công ty cổ phần Đầu tư VCN tổ chức rút kinh nghiệm trong việc hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa quy định trách nhiệm theo dõi, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm mục đích sử dụng, không ràng buộc trách nhiệm kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội khi bào giao căn hộ”, Kiểm toán Nhà nước đề nghị.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về các tồn tại đã chỉ ra và chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường… chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, khắc phục các tồn tại về hàng loạt vấn đề.

Khánh Hòa sẽ thanh tra các dự án nhà ở xã hội sau loạt bài trên Báo Đầu tư

Vừa qua, Báo Đầu tư đăng tải loạt bài Nhà ở xã hội hay “chợ đen?”. Loạt bài báo phản ánh, chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhất là các dự án ngoài ngân sách, có rất nhiều chiêu để “nắm đằng chuôi”, giành lợi thế, thậm chí “gài bẫy” người mua. Trong khi đó, nhiều người mua được nhà ở xã hội, lại không có nhu cầu để ở, tiến hành chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật. Từ một loại hình nhà ở mang tính nhân văn, nhà ở xã hội đã bị biến thành hàng hóa để mua bán như ở “chợ đen”.

Tại Khánh Hòa, nhà ở xã hội tại nhiều dự án (Dự án Chung cư Đường sắt Nha Trang (còn gọi là Chung cư CT1, Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, TP. Nha Trang, Khánh Hòa); Chung cư XH 1 và XH 2 thuộc Dự án Nhà ở xã hội VCN Phước Long II (phường Phước Long); Dự án Nhà ở xã hội HQS…) dù chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, đã rao bán công khai như… cá ngoài chợ trên mạng xã hội. Đáng nói là hành vi này của các cá nhân rao bán chưa được cơ quan chức năng phát hiện, chế tài kịp thời.

Sau khi báo đăng, Văn phòng Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho biết, các nội dung về việc mua, bán, cho thuê mua nhà ở xã hội được thực hiện theo Điều 19, Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ. Đối với nội dung người mua nhà ở xã hội bán lại nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định tại khoản 12, Điều 1, Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa khẳng định, việc bán nhà ở xã hội khi chưa đủ 5 năm mà không bán lại cho chủ đầu tư hoặc không bán lại cho các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và không thực hiện việc bán lại theo quy định tài Điều 62 Luật Nhà ở và quy định tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sẽ không được pháp luật công nhận.

Trong thời gian tới, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội đối với chủ đầu tư, tổ chức và cá nhân có liên quan tại một số dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. “Trường hợp phát hiện vi phạm, sẽ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ quan này không có trách nhiệm xét duyệt nhu cầu đăng ký mua nhà ở xã hội. Việc xem xét hồ sơ đăng ký thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 20, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 và điểm đ, khoản 1, Điều 20 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/10/2015 được sửa đổi bổ sung theo quy định tại điểm a, khoản 13, Điều 1, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ.

Tin liên quan
Tin khác