Nhiều ngân hàng không thu hồi được khoản vay do nợ xấu, dẫn đến thiếu nguồn vốn để quay vòng. |
Tài sản đảm bảo tiền tỷ biến thành… sắt vụn
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng cho hay, thời gian qua, do kinh tế khó khăn, khách hàng không trả nợ đúng hạn tăng lên, số lượng án tín dụng và đơn yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự các cấp thi hành cũng tăng theo. Việc thu hồi nợ đọng là rất cần thiết để ngân hàng khơi thông nguồn vốn tín dụng, nhưng đáng tiếc, số lượng án tồn đọng, trì hoãn thi hành vẫn rất lớn.
Thống kê của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại 15 ngân hàng hội viên cho thấy, có tới 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nghệ An...
Liên quan tới vấn đề này, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó vụ trưởng Vụ 11 (Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao) thừa nhận, án liên quan đến tín dụng ngân hàng luôn là vấn đề phức tạp và thường có số tiền thi hành lớn so với các loại án khác. Nhiều vụ án tín dụng ngân hàng tồn đọng nhiều năm, đến nay vẫn chưa có, thậm chí mất điều kiện thi hành án.
Đại diện một số ngân hàng như ACB, TPBank chỉ ra nguyên nhân khiến các vụ việc mắc kẹt tại khâu thi hành án, chủ yếu là vướng mắc về pháp lý. Đơn cử, tài sản đảm bảo là bất động sản kê biên trên thực tế có sai lệch về diện tích so với hồ sơ thế chấp; phát sinh tranh chấp với bên thứ ba khi thi hành án; chưa có quy định hướng dẫn chi tiết về kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, định giá lại tài sản khi kê biên…
Về phía cơ quan kiểm sát lại cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến thi hành án khó khăn là ngân hàng khi thẩm định và cho vay đã xác định giá trị tài sản thế chấp không sát thực tế, đặc biệt là bất động sản. Còn với tài sản là nhà xưởng, máy móc, nhiều tài sản đảm bảo khi chuyển sang giai đoạn thi hành án đã bị hư hao, không đủ điều kiện để thi hành hết khoản nợ. Thực tế, nhiều loại máy móc, dây chuyền sản xuất khi được chuyển sang cơ quan thi hành án (máy ủi, máy xúc, xe kéo) thì chỉ có thể bán được với giá ve chai, sắt vụn.
Với động sản (ô tô, tàu thuyền…), việc thi hành án càng khó khăn hơn nếu con nợ chây ỳ, bởi tài sản đó đã được giấu ở địa phương, vùng miền khác, mà ngân hàng và thi hành án không kiểm soát, quản lý được.
Theo cơ quan thi hành án, việc án tín dụng tồn đọng nhiều, một phần do lỗi của các ngân hàng trong thẩm định, quản lý tài sản thế chấp. Trong thực tế, nhiều tài sản thế chấp là bất động sản trong quá trình vay đã được thi công, xây dựng trên đất rất nhiều, làm thay đổi hiện trạng tài sản thế chấp. Dự án trên đất lại không phải của người thi hành án, dẫn tới khoản nợ phải thi hành án trở thành chưa đủ điều kiện thi hành án. Chưa kể, nhiều vụ việc ngay từ đầu ngân hàng đã không thẩm định kỹ tính pháp lý, quyền sở hữu… dẫn tới khi thi hành án mới phát sinh tranh chấp, khiến hợp đồng thế chấp bị vô hiệu, không thể thi hành án.
Gỡ pháp lý để đẩy nhanh thi hành án
Dù có cả phần lỗi chủ quan do ngân hàng và cơ quan thi hành án, song theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nguyên nhân dẫn tới tình trạng án tín dụng tồn đọng lớn là do các quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Được biết, hiện Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung, cũng như các bản án về tín dụng nói riêng. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo còn bất cập.
Ông Nguyễn Thành Long đề nghị, Tổng cục Thi hành án dân sự xem xét, sớm đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và Nghị định 62/2015/NĐ-CP, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế thi hành án, thời hạn tối đa cơ quan thi hành án phải giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng thi hành án, ủy thác xử lý tài sản đảm bảo, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp...
Đối với các trường hợp một tài sản đảm bảo cho nhiều khoản vay, hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản, thì cơ quan thi hành án phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng, mà không yêu cầu ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi đảm bảo của tài sản thế chấp.
Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án, nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục, nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án.
Các ngân hàng thương mại cũng đề nghị, cơ quan chức năng cần hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là quyền sử dụng đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được xử lý để thanh toán cho người được thi hành án…