Điểm nóng
Hảo Hảo quyết định khởi kiện Hảo Hạng
Như Tầm - 05/05/2015 07:54
Ngày 4/5, Công ty CP Acecook Việt Nam (Vina Acecook, doanh nghiệp sở hữu nhãn mì Hảo Hảo) cho biết, Công ty đã gửi đơn lên TAND tỉnh Bình Dương kiện công ty CP Thực phẩm Á Châu (Asia Foods, đơn vị có nhãn mì Hảo Hạng) vì xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay".

Vina Acecook yêu cầu Asia Foods phải đăng báo xin lỗi, cải chính công khai về hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại 817,5 triệu đồng.

 

Mì Hảo Hảo của Vina Acecook

Vina Acecook yêu cầu tòa án xác định hành vi sử dụng mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay” của Asia Foods là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãu hiệu “Hảo Hảo, mì tôm chua cay”,  được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 62360 của Acecook Việt Nam và buộc chấm dứt hành vi vi phạm. 

Ngoài ra, Vina Acecook cũng yêu cầu công ty Asia Foods phải đăng báo xin lỗi, cải chính công khai về hành vi vi phạm của mình đối với Acecook và bồi thường thiệt hại 817,5 triệu đồng. 

Theo Vina Acecook, công ty này là sở hữu chủ hợp pháp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Hảo Hảo” số 62360, được bảo hộ tổng thể chữ “Hảo Hảo, mì tôm chua cay” và hình tô mì với sợi mì, tôm và rau củ; bao gồm các màu sắc, các hình ảnh trên bao gói mì. 

Trong dịp trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Hùng, Giám đốc đối ngoại của Vina Acecook cho biết, từ ngày 26/1/2015, trên thị trường xuất hiện sản phẩm mỳ Hảo Hạng của Asia Foods với kiểu dáng thiết kế bao bì tương tự mỳ Hảo Hảo (đã được Vina Acecook đăng ký độc quyền). Khi đó, Cục Sở hữu trí tuệ xác nhận hành vi của Asia Foods vi phạm quyền đối với nhãn hiệu. 

Cụ thể, Công văn phúc đáp số 1320/SHTT-TTKN của Cục Sở hữu trí tuệ kết luận: “Mẫu bao gói mỳ ăn liền “Mỳ Hảo Hạng, TÔM CHUA CAY & Hình” của Asia Foods sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 119302) có cách trình bày tạo thành một tổng thể tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo, MÌ TÔM CHUA CAY, Hình” đã được bảo hộ của Vina Acecook. Vì vậy, hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông, tàng trữ, nhằm để bán các sản phẩm mỳ ăn liền mang nhãn hiệu như đã nêu mà không do chủ nhãn hiệu hoặc người được chủ nhãn hiệu cho phép sản xuất sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đúng theo quy định Điều 129.1, Luật SHTT”. 

Mì Hảo Hạng - Tôm chua cay của Asia Foods. Ảnh: T. Nhân

 “Khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã chủ động gửi thư khuyến cáo yêu cầu Asia Foods chấm dứt và khắc phục hành vi vi phạm nhưng không thành. Sau đó, chúng tôi gửi đơn yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương kiểm tra, xử lý hành chính hành vi  vi phạm này của Asia Foods. 

Trước đó, ngày 5/3/2015, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) đã chính thức gửi công văn thông báo sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để giải quyết vụ việc Công ty cổ phần Thực phẩm Á Châu (Asia Foods) xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu mỳ ăn liền Hảo Hảo của Vina Acecook.

Tại biên bản làm việc do Chi cục quản lý thị trường lập ngày 11/3/2015, đại diện Asia Foods vẫn khẳng định mì Hảo Hạng của công ty này không sao chép mẫu mã của mì Hảo Hảo.

Tuy nhiên, Asia Foods cũng xác nhận đã ngừng sản xuất sản phẩm này từ ngày 4-2-2015. Đây là lý do mà Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương quyết định không tiến hành kiểm tra hành chính công ty Asia Foods, và đề nghị 2 bên nếu không thống nhất thì khởi kiện ở tòa án.

"Với những chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm độc quyền nhãn hiệu, chúng tôi quyết định khởi kiện, đề nghị tòa án xem xét giải quyết theo các yêu cầu của công ty” – ông Kafiwara Junichi, Tổng giám đốc Vina Acecook cho biết.

Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc.

Tin liên quan
Tin khác