Ông Vũ Hồng Phương (đứng giữa) rời chức vụ Chủ tịch Tổng công ty Thăng Long sau đúng 7 tháng đảm nhận chức vụ |
Sáng nay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã trao quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT điều động và bổ nhiệm ông Vũ Hồng Phương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thăng Long giữ chức Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT).
Ông Vũ Hồng Phương sinh năm 1973, trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, ông Phương giữ chức vụ Tổng giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Thăng Long.
Trước đó, Tổng công ty Thăng Long đã công bố thông tin bất thường về việc để Ông Vũ Hồng Phương thôi tham gia Hội đồng quản trị, thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kể từ ngày 01/04/2016 và trình Đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp gần nhất.
Giao Ông Phạm Văn Lương - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị tạm thời đảm nhiệm các công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị cho đến khi bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới.
Tổng công ty Thăng Long từng là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ GTVT chuyên về xây dựng cầu.
Trước đó, vào ngày 28/3/2016, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ chuyển giao đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long - CTCP từ Bộ GTVT sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với số lượng 10.500.000 cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần).
Theo ông Phạm Văn Lương - Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Thăng Long cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, trong đó, vốn điều lệ là 300 tỉ đồng, vốn nhà nước 105 tỉ đồng (chiếm 35% vốn điều lệ). Tuy nhiên, do trước khi cổ phần hóa, Tổng công ty Thăng Long có nền tảng tài chính lành mạnh nên khi IPO đã thu hút các nhà đầu tư và đạt kết quả cao với giá bình quân là 21.600 đồng/cổ phiếu. Đến nay, vốn điều lệ đã là 419 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước là 25,05%; ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT của Tasco và người thân là bà Phạm Thị Nhài (con gái), ông Phạm Thế Hùng (con trai), ông Mai Trọng Thịnh (con rể) nắm 56% vốn điều lệ.
Như vậy, danh sách lãnh đạo “thời nhà nước” tại các công ty công trình giao thông (cienco) rời vị trí để nhường ghế chủ tịch, tổng giám đốc cho các ông chủ tư nhân ngày một dài.
Trước đó, một loạt chủ tịch, tổng giám đốc đã phải ra đi ngay khi bán xong phần vốn nhà nước cho các nhà đầu tư. Điển hình như tại Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, khi cả hai lãnh đạo cao nhất đều sớm nói lời từ biệt. Một trường hợp khác là câu chuyện của cựu Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) Phạm Ngọc Đích. Sau khi bán cổ phần cho đối tác chiến lược giữa năm ngoái, vị này đã rời ghế Chủ tịch để chuyển làm công việc điều hành. Tuy nhiên, sau một năm làm Tổng giám đốc, ông Đích tiếp tục viết đơn xin nghỉ và được chuyển về Vụ Vận tải (Bộ GTVT), giữ chức phó vụ trưởng.
Hiện có 12 lãnh đạo các tổng công ty ngành GTVT phải thay đổi vị trí công tác sau CPH.
Trong số này, có những người được Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá là “hoàn thành nhiệm vụ” cổ phần hóa nên được điều chuyển về Bộ làm công tác. Những trường hợp này gồm lãnh đạo các công ty xây dựng đường thủy, vận tải thủy, Xây dựng Thăng Long…